Thay vì đi sơ tán, ông Bartholomew Skhie đã ở lại giúp lính cứu hỏa giải cứu nhiều người, trong đó có một người tàn tật và một phụ nữ mang thai, khỏi đám cháy Camp Fire ở California, Mỹ.
Ông Bartholomew Skhie cùng chú chó của mình. (Ảnh: Daily Mail)
Ông Bartholomew Skhie (46 tuổi) đã lựa chọn không đi sơ tán mà ở lại để giúp lực lượng chức năng dập ngọn lửa tại tòa nhà nơi rất nhiều cư dân đang lánh nạn.
“Tôi sống tại thị trấn Paradise, California, cách Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) vài dãy nhà. Sáng hôm đó, tôi đi làm nhưng nhận ra khói bắt đầu bao phủ bầu trời. Chúng tôi bỏ nơi làm việc và chạy tới tòa nhà của Sở cảnh sát”, ông Skhie nhớ lại.
Vào thời điểm đó, lửa bắt đầu tràn vào thị trấn. Thay vì đi sơ tán cùng bạn bè và hàng xóm, ông Skhie quyết định ở lại để giúp đỡ mọi người.
“Chúng tôi giúp bảo vệ Sở Cảnh sát PCCC vì có rất nhiều người tới đó lánh nạn, trong đó có một phụ nữ mang thai, một người tàn tật và một số người cao tuổi. Khói trở nên nồng nặc. Trong khi dùng bình cứu hoả để dập tắt ngọn lửa, tôi hỏi họ về nhân thân, hàng xóm. Tôi nói với họ rằng hãy trú ẩn an toàn ở đây, tôi sẽ cùng lính cứu hỏa đi kiểm tra tình hình người thân của họ”, ông Skhie kể.
Khi tình hình trở nên tồi tệ, ông Skhie cùng cảnh sát và lính cứu hỏa nằm trong nhóm những người cuối cùng rời bỏ thị trấn.
Như nhiều gia đình khác, nhà của ông đã bị tàn phá sau đám cháy. Ông Skhie hiện tạm trú tại Hội Chữ thập đỏ ở Oroville, California.
Cụ bà tàn tật Sarah Bates (66 tuổi) kể lại hành trình vượt qua biển lửa của mình và cho biết, cụ rất biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người.
“Chúng tôi phải đi qua một đường hầm với 2 bức tường lửa dọc đường đi. Một người tới và cho tôi đi cùng xe. Sau đó, tôi tới được đây. Trung tâm hành động vì người khuyết tật cho tôi một chiếc xe lăn khác. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn”, bà Sarah Bates nói.
Rất nhiều người cho biết, họ không có ý định quay lại thị trấn Paradise – nơi toàn bộ nhà cửa, của cải của họ đã bị thiêu trụi.
Tuy nhiên, ông Skhie khẳng định sẽ quay lại thị trấn đã gắn bó với ông từ năm 1976. “Tôi vẫn chưa mất hy vọng và niềm tin rằng thị trấn sẽ được xây dựng lại”, ông Skhie nói.
Hiện số người thiệt mạng trên toàn bang California đã tăng lên tới 71, hơn 1.000 người mất tích, khiến đây trở thành đám cháy thảm họa nhất trong lịch sử của bang.
Hoàng Anh (Tổng hợp)