Hạ nghị sĩ Judy Chu, đảng Dân chủ, bang California, cũng là người đứng đầu hội các nghị sĩ Mỹ gốc Á, nói các mục tiêu mà tay súng ở Georgia nhắm đến “không hề ngẫu nhiên”.
“Chúng ta biết ngày này sẽ đến”, bà nói.
“Đợt tấn công gần nhất nhắm vào người gốc Á là hậu quả của một năm có nhiều vụ tấn công vì động cơ thù hận, và của bốn năm đầy rẫy giọng điệu xấu xí, kỳ thị về người nhập cư và người da màu”, bà nói thêm, ám chỉ nhiệm kỳ của ông Donald Trump.
“Hành vi bạo lực”
Buổi điều trần này trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã được lên lịch từ nhiều tuần trước, và là buổi điều trần đầu tiên trong nhiều thập kỷ để đối phó với nạn phân biệt đối xử với người gốc Á, theo South China Morning Post.
Buổi họp bắt đầu bằng phút mặc niệm dành cho nạn nhân của các vụ tấn công ngày 16/3, xảy ra tại 3 spa (tiệm chăm sóc sắc đẹp) khác nhau có chủ là người gốc Á ở khu vực Atlanta. Nghi phạm Robert Aaron Long, 21 tuổi, đã thừa nhận hành vi và đang đối mặt với 8 tội danh giết người.
Các vụ tấn công đã gây chấn động nước Mỹ. Nhà Trắng ngày 18/3 hủy kế hoạch tổ chức sự kiện chính trị của Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris về phục hồi kinh tế. Thay vào đó, hai người sẽ lên lịch gặp các lãnh đạo cộng đồng Mỹ gốc Á ở Atlanta ngày 19/3 để bàn về “các mối đe dọa đang tồn tại đối với cộng đồng này”.
Ông Biden cũng ra lệnh treo cờ rủ ở Nhà Trắng cũng như các tòa nhà liên bang và quân đội, để tưởng niệm nạn nhân của “hành vi bạo lực vô nhân tính”.
Nghi phạm Robert Aaron Long dự kiến ra trình diện trước tòa vào sáng 18/3, nhưng thủ tục này bị hủy bỏ mà không rõ nguyên nhân.
Các nhà hoạt động về dân quyền, các học giả cũng phát biểu tại phiên điều trần, kêu gọi các nhân vật của công chúng hãy lên án ngôn ngữ mang tính kỳ thị khi bàn về dịch bệnh.
Trong năm cuối nhiệm kỳ, ông Trump luôn khẳng định rằng đại dịch Covid-19 là lỗi của Trung Quốc vì đợt bùng phát đầu tiên xảy ra ở thành phố Vũ Hán. Ông Trump luôn gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, và điều đó đã góp phần lớn tạo ra môi trường thù địch đối với người Mỹ gốc Á – theo lập luận của các đại biểu tại buổi điều trần.
Nghiên cứu của “Stop AAPI Hate”, liên minh các tổ chức vận động vì người Mỹ gốc Á, cho thấy từ tháng 3 đến tháng 8/2020, trong số 2.500 vụ việc quấy rối được ghi nhận nhắm vào người gốc Á, có hơn 700 vụ bao gồm các ngôn ngữ kỳ thị liên quan đến đại dịch.
Nhóm này cũng thống kê được gần 3.800 vụ quấy rối nhắm vào người gốc Á trong một năm gần đây, trong đó 2 trên 3 số vụ là nhắm vào phụ nữ.
“Di sản” của ông Trump?
Shirin Sinnar, giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Stanford, nói ông Trump “đã dùng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc, có thể coi là đang đổ lỗi cho một cộng đồng, một chính phủ cụ thể, và vì vậy cũng đổ lỗi cho cả một cộng đồng người da màu được cho là có liên quan”.
Ngoài nỗi lo về dịch bệnh và khó khăn kinh tế do đại dịch, người Mỹ gốc Á giờ đây “cũng phải lo lắng về việc bị tấn công hoặc quấy rối trong chính khu phố của mình”, Erika Lee, giáo sư lịch sử chuyên nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Minnesota, cho biết.
Nhưng Hạ nghị sĩ Chip Roy, đảng Cộng hòa, bang Texas lại phản đối việc giới hạn ngôn ngữ, và nói kiểm soát quyền tự do ngôn luận là một điều nguy hiểm.
Bình luận của nghị sĩ Roy bị các nghị sĩ khác phản bác mạnh mẽ, bao gồm Hạ nghị sĩ Grace Meng, đảng Dân chủ, từ New York. Bà Meng từng soạn thảo nghị quyết lên án thái độ kỳ thị nhắm vào người gốc Á do đại dịch. Khi nghị quyết này được thông qua vào tháng 9 năm ngoái, có tới 164 Hạ nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống.
“Tổng thống (Trump) của các ông, đảng của các ông, đồng nghiệp của các ông có thể nêu vấn đề với bất cứ quốc gia nào các ông muốn”, bà Meng nói với ông Roy.
“Nhưng các ông không cần phải làm vậy theo cách mà biến người Mỹ gốc Á trên khắp nước này trở thành mục tiêu, biến các cha mẹ già của chúng tôi, biến con cái chúng tôi thành mục tiêu”, bà Meng nói và không kiềm chế được sự xúc động. “Phiên điều trần này là để giải quyết sự tổn thương, đau đớn của cộng đồng chúng tôi, và để tìm ra giải pháp. Chúng tôi sẽ không để các ông lấy đi tiếng nói của chúng tôi”.
John Yang, chủ tịch của nhóm vận động “Người Mỹ gốc Á Thúc đẩy Công lý”, nói tại phiên điều trần rằng lập luận “tự do ngôn luận” không thể áp dụng ở đây.
“Tự do ngôn luận không thể là cái cớ”, ông Yang nói. “Chúng ta không có quyền hô ‘có bom’ ở trong một rạp phim đông người. Điều đang xảy ra lúc này là người Mỹ gốc Á như ở trong một rạp phim đông người, và chúng tôi đang gặp nguy hiểm”.
Nhà Trắng cũng đồng ý với các nghị sĩ Dân chủ trong việc chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa các vụ tấn công người Mỹ gốc Á ngày càng gia tăng với giọng điệu kỳ thị mà ông Donald Trump đã dùng khi nói về dịch Covid-19.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 17/3 nói “các giọng điệu gây chia rẽ” của chính quyền trước đã “tăng mối đe dọa đối với người Mỹ gốc Á – một điều không còn gì phải bàn cãi”.