Nhóm các bà mẹ ít biết chữ sinh 107 bé trai trên 100 gái, nhóm bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên sinh 114 trai/100 gái.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết chênh lệch giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Năm 2019, theo Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 trai/100 gái.
Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế gia đình khá giả. Điều tra cho thấy tỷ số giới tính khi sinh thấp nhất là 107 trai/100 bé gái ở nhóm các bà mẹ không biết chữ. Tỷ lệ này tăng dần theo trình độ học vấn của người phụ nữ, lên đến 114 trai/100 gái ở những bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên. Ở nhóm dân cư giàu, tỷ số này là 112 trai/100 gái, trong khi đó nhóm dân cư nghèo đạt 105 bé trai/100 bé gái.
Ông Tú cho rằng nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là định kiến giới. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Ngoài ra, tận dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính em bé trước sinh cũng dẫn đến trình trạng này.
“Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng lại mong muốn phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh để đáp ứng được cả 2 mục tiêu trên”, ông Tú nói. Người càng khá giả và hiểu biết thì càng có điều kiện để tiếp cận các phương pháp lựa chọn giới tính con trước khi sinh.
Hiện Sơn La là tỉnh đứng đầu về tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh với 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bốn tỉnh tiếp theo là Hưng Yên 118,6 trai/100 gái; Bắc Ninh 117,6 trai; Thanh Hóa 117,2; Hải Dương 116,3. Mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ nam trên 100 trẻ gái chào đời.
“Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn một số nước khác nhưng có những đặc điểm riêng biệt khiến cho tỷ số giới tính khi sinh ngày càng cao và tình trạng mất cân bằng ngày càng nghiêm trọng”, ông Tú nhìn nhận.
Có 4 vùng đang đối mặt với tình trạng chênh lệch giới này là đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ. Tại mỗi vùng đều có các địa phương xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện là 115,1 trai/100 gái. Ảnh: L.P. |
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất của người phụ nữ, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Thống kê cho thấy ở lần sinh thứ nhất tỷ lệ 109,7 trai/100 gái; lần sinh thứ hai là 111,9 trai/100 gái và lần thứ ba trở lên 119,7 trai/100 gái.
“Tỷ số giới tính khi sinh cao ở ngay từ lần sinh thứ nhất cho thấy khát vọng có con trai là rất mãnh liệt và các bà mẹ đã sớm lựa chọn giới tính của con ngay từ lần mang thai đầu tiên. Thực tế này khác với các nước, thường có tỷ số giới tính khi sinh cao ở lần sinh cuối”, ông Tú phân tích.
Tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, an ninh chính trị… khi các nam nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Ở Việt Nam, dự báo thời điểm này sẽ bắt đầu xảy ra vào khoảng năm 2025. Trong tương lai, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ.
Tình trạng thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận đàn ông phải kết hôn muộn và nhiều người không có khả năng kết hôn. Việc gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà còn làm tăng sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ tăng…
Toàn châu Á hiện thiếu 117 triệu phụ nữ do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới hai quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo đến năm 2060, cứ 100 phụ nữ thì có tới 160 nam giới tại hai nước này trong độ tuổi kết hôn.