|
Anh Tuấn, một giáo viên cấp 1 tham gia hỗ trợ bếp cơm từ thiện do mạnh thường quân là Việt kiều đóng góp chi phí. |
Cơm từ thiện Việt kiều
Cuối ngày, bà Đỗ Thị Khá (SN 1942, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cố đẩy chiếc xe chở ve chai của mình đến trước số 270 Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp) để nhận cơm miễn phí. Bà Khá nói, bà đang điều trị căn bệnh suy giảm tĩnh mạch, đi lại rất khó khăn.
Tuy nhiên, vì dịch bệnh, thu nhập từ công việc nhặt ve chai chỉ đủ đóng tiền thuê trọ nên bà phải cố gắng tìm những điểm phát gạo, cơm miễn phí để ăn qua bữa. “Tôi đến nhận cơm ở quán này mấy hôm rồi. Cơm rất ngon và sạch sẽ. Tôi nghe cậu chủ quán nói, đây là những phần cơm được nấu từ tiền các Việt kiều ở Mỹ gửi về”, bà Khá nói.
Anh Lâm Hoài Trung (SN 1987, ngụ quận Gò Vấp), người tổ chức bếp cơm từ thiện này cho biết, bước đầu, bếp cơm dự kiến sẽ hoạt động trong vòng 10 ngày. Kinh phí để bếp cơm hoạt động trong vòng 10 ngày này là của một số mạnh thường quân người Việt Nam đang sinh sống ở bang Texas, Mỹ đóng góp, gửi về cho chúng tôi.
Anh Trung cho biết, mỗi ngày, bếp nấu 500 phần cơm để phát tặng người nghèo. |
Hoạt động phát cơm từ thiện cho người khó khăn tại TP.HCM đã được anh Trung và nhóm bạn thực hiện từ đợt dịch năm ngoái. Năm trước, anh đặt cơm từ những bếp nấu chất lượng rồi đem đi phát tặng người dân.
Anh Trung kể: “Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, công việc kinh doanh của chúng tôi gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi chưa tổ chức phát cơm được. Tuy nhiên, tôi làm về du lịch nên được các anh em trong nghề giới thiệu, kết nối với bạn tên Trâm, người từng học ngành du lịch ở Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Texas, Mỹ.
Tôi kết nối và chia sẻ với Trâm về ý định nấu, phát cơm tặng người nghèo tại TP.HCM trong đợt dịch này. Cô ấy đồng ý, cho biết sẽ đảm nhận việc hỗ trợ gạo và nhờ tôi tổ chức nấu cơm để phát cho người nghèo”, anh nói thêm.
Các phần cơm đều được đóng hộp cẩn thận, hợp vệ sinh. |
Sau đó, cô gái tên Trâm đã vận động các mạnh thường quân là người Việt đang sống ở Mỹ đóng góp số tiền 81 triệu đồng để mua 6 tấn gạo. Số gạo này các mạnh thường quân nhờ anh Trung tìm và gửi tặng cho các bếp cơm từ thiện. Bếp cơm công suất nhỏ, anh gửi tặng 500kg gạo. Bếp lớn, anh gửi 1 tấn. Đến lúc này, anh Trung đã gửi gạo cho 6 bếp cơm với số lượng gạo lên đến 5,5 tấn.
“Ngoài ra, các mạnh thường quân gửi thêm cho tôi 75 triệu đồng để tôi nấu 5000 phần cơm, phát tặng cho người nghèo. Nghe vậy, tôi rất vui và tổ chức tự nấu. Bởi, nếu tự nấu, phần cơm rất chất lượng, đầy đủ cơm, canh, món mặn nhưng chi phí sẽ rẻ hơn so với cơm đặt”, anh nói thêm.
Do có lợi thế là chủ chuỗi quán nhậu có tiếng, anh Trung có sẵn các đầu bếp, việc nấu cơm từ thiện diễn ra hết sức thuận lợi. Mỗi ngày, ngoài các đầu bếp của quán, những tình nguyện viên sẽ tập hợp để nấu các phần cơm.
Bà Khá đến đợi cơm từ thiện “Việt kiều” từ rất sớm. |
Sau khi cơm, canh chín, các thành viên trong bếp nấu sẽ cho vào hộp, bịch nilon để đảm bảo vệ sinh. Anh Trung chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi nấu 500 phần cơm và phát tại quán 300 phần vào lúc 17h. 200 suất còn lại, chúng tôi sẽ chia nhau thành nhiều nhóm, chở đi phát trên các cung đường có nhiều người nghèo vào lúc 18h cùng ngày”.
Thất nghiệp thì đi nấu, phát cơm từ thiện
Nhận thấy hoạt động thiện nguyện trên nhiều ý nghĩa, nhiều người bạn của anh Trung đã tham gia góp sức, cùng vào bếp chuẩn bị các phần cơm dành tặng người khó khăn. Họ là nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên du dịch, thậm chí là thầy giáo… đang tạm thời thất nghiệp do dịch bệnh.
Có mặt tại bếp cơm từ sớm, anh Tuấn (50 tuổi, giáo viên tiểu học) cho biết, khi nghe bếp cơm có hoạt động phát cơm cho người nghèo trong mùa dịch, anh đã đến tham gia, góp sức cùng mọi người. Cửa nồi hấp cơm vừa mở, khói và mùi cơm chín thơm nức lan tỏa khắp gian bếp, anh Tuấn, anh Trung nhanh chóng rút khay cơm, đảo đều.
Khoảng 16h30, người dân xếp hàng lấy phiếu để nhận cơm. |
Trong khi đó, những người còn lại hối hả cho canh vào các túi, soạn sẵn các phần tráng miệng. Khi các khay cơm trắng bớt nóng, mọi người cùng nhau cho vào hộp để đảm bảo vệ sinh. Mỗi phần cơm gồm có cơm trắng gạo dẻo thơm, canh, món mặn và món tráng miệng.
Các công đoạn trên được chuẩn bị từ đầu giờ chiều đến 16h30 mỗi ngày. Vào thời điểm trên, bếp cơm tiến hành phát phiếu nhận cơm cho người cần. Nhận phiếu xong, người dân được yêu cầu đứng tản ra, không tụ tập.
Chỉ khi đến giờ phát cơm, người có phiếu mới thực hiện việc xếp hàng chờ nhận cơm dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng dân phòng. Anh Trung nói, để đảm bảo công tác phòng dịch, cơ quan chức năng địa phương cử lực lượng dân phòng đến hỗ trợ bếp cơm.
Đa số người đến nhận cơm đều là người già, trẻ em, người khuyết tật. |
Khoảng 17h, nhiều người dân đa số là người già, trẻ em, người khuyết tật xếp hàng, đứng đúng vị trí đã được nhân viên bếp cơm kẻ sẵn trên vỉa hè để nhận những phần cơm nóng hổi. Trước khi nhận cơm, người dân được xịt dung dịch sát khuẩn.
Nhận xong phần cơm, người dân được yêu cầu nhanh chóng rời đi, không tụ tập. Chị Nguyễn Thị Ngọc Kim Lan (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, hai vợ chồng chị đều mang bệnh nên không thể lao động nặng.
“Trước khi có dịch bệnh, tôi và chồng phụ quán ăn. Nay quán ăn đóng cửa, cả hai thất nghiệp nên rất khó khăn. Nhờ bếp cơm từ thiện, gia đình tôi không lo đói trong những ngày gồng mình chống dịch”, chị Lan nói.
Mỗi người được nhận 1 phần cơm trước khi nhanh chóng rời đi để đảm bảo công tác phòng dịch. |
Anh Tuấn cho biết, sau khi phát xong, khoảng 18h cùng ngày, bếp cơm sẽ chia thành từng nhóm, đem 200 phần cơm còn lại đi phát lưu động ngoài đường. Nhóm sẽ gửi tặng cơm cho những người vô gia cư, bán vé số, nhân viên quét rác…
“Ai cũng vui mừng vì được nhận những phần cơm còn nóng, ấm. Nhiều trường hợp rất cảm động. Có người xin một lúc 2-3 phần cơm. Không phải họ tham đâu. Họ xin cơm về để ăn dần vào bữa sáng, bữa trưa ngày hôm sau. Có người lại từ chối một cách đầy nghĩa tình. Họ nói, họ vừa ăn rồi, xin nhường phần cơm này cho những người khác. Cảm động lắm” anh Trung kể.
Đa số người đến nhận cơm từ thiện “Việt kiều” đều rất vui và cảm thấy ấm lòng. |
Sau khi kết thúc chương trình nấu 5000 phần cơm từ thiện do mạnh thường quân là Việt kiều hỗ trợ kinh phí, anh Trung cho biết sẽ tiếp tục duy trì bếp cơm này. Tuy nhiên, cũng như lúc này, anh và nhóm bạn sẽ không nhận gạo, tiền mặt từ những nhà hảo tâm.
“Thay vào đó, chúng tôi sẽ nhận các loại rau, củ, quả. Chúng tôi sẽ sử dụng số loại rau, củ, quả này thêm vào các phần cơm để người dân ngon miệng, đầy đủ dinh dưỡng hơn”, anh Trung chia sẻ.
Nguyễn Sơn