SAN FRANCISCO, California (NV) – Một tòa kháng án liên bang ở California hôm Thứ Năm, 7 Tháng Ba, phán quyết rằng những người xin tị nạn, nếu bị từ chối, có quyền khiếu nại quyết định của tòa án, theo báo mạng The Hill.
Theo luật hiện hành, nếu một giới chức duyệt xét tị nạn và một thẩm phán di trú quyết định rằng một di dân không “chứng minh đủ” là sẽ bị ngược đãi khi trở về quê nhà, người đó có thể sẽ bị trục xuất.
Phán quyết đưa ra hôm Thứ Năm mở rộng sự bảo vệ hiến định cho các di dân bất hợp pháp, cho phép một số người được quyền khiếu nại để được phép ở lại Mỹ.
“Tầm quan trọng lịch sử và thực tế của phán quyết này không thể bị coi thường,” ông Lee Gelernt, phó giám đốc phụ trách di trú của Liên Đoàn Dân Quyền Quốc Gia Hoa Kỳ (ACLU), nói. “Quyết định này tái xác nhận nguyên tắc căn bản của Hiến Pháp, đó là, tất cả mọi cá nhân bị tước quyền tự do phải được tiếp cận tòa liên bang.”
Ông Gelernt đưa ra khiếu nại, thay mặt ông Vijayakumar Thuraissigiam, một di dân gốc Sri Lanka, bị chặn không cho vào Hoa Kỳ qua ngả biên giới Mỹ-Mexico hồi năm 2017.
Là một người thuộc nhóm thiểu số Tamil, ông Thuraissigiam nói rằng ông từng bị bắt cóc, đánh đập, và tra tấn, vì ủng hộ một ứng cử viên người Tamil trong một cuộc vận động chính trị.
Sau khi bị bắt vì vượt biên vào Mỹ năm 2017, ông xin tị nạn chính trị, nhưng một giới chức Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) nói rằng ông không “chứng minh đủ” là sẽ bị ngược đãi khi trở về Sri Lanka.
Tòa Kháng Án Khu Vực 9 quyết định rằng, dựa trên quy định “chứng minh đủ” để trục xuất một người xin tị nạn vi phạm phán quyết tiền lệ bảo vệ những người không phải công dân, theo quy định của Hiến Pháp.
“Chúng tôi thấy rõ ràng là hành động này không hợp hiến ở mức tối thiểu nhất,” các thẩm phán liên bang viết như vậy trong phán quyết.
Phán quyết này được áp dụng cho năm tiểu bang nằm trong thẩm quyền của tòa như California, Arizona, Washington, Oregon, và Hawaii.
Phán quyết của Tòa Kháng Án Khu Vực 9 đi ngược lại phán quyết trước đây của Tòa Kháng Án Khu Vực 3, và điều này có nghĩa là sự việc nhiều phần cuối cùng sẽ được đưa lên Tối Cao Pháp Viện để giải quyết. (Đ.D.)