WESTMINSTER, California (NV) – Mùa Đông năm nay, có lẽ do khí hậu phần nào lạnh lẽo hơn mọi năm nên rất đông các vị cao niên tìm đến nơi ấm áp. Trước hết, hãy nghe những người có tuổi nói về ảnh hưởng của cái lạnh.
Ông Lê Kim Khôn, cư dân Westminster, cho biết, đối với những người trên 65 tuổi, mùa lạnh khắc nghiệt hơn người ta lầm tưởng. “Mùa nóng, tôi không để ý giờ giấc. Mùa này, mới 3 giờ chiều là tôi lo về nhà nghỉ ngơi rồi. Một phần vì mới 4 giờ trời đã tối.”
“Nhưng cái chính là vì trời lạnh. Lớn tuổi rồi mới hiểu được sự khó chịu vì khí hậu mùa Đông. Đủ chứng bệnh, chóng mặt, nhức đầu, sổ mũi. Sợ nhất là khớp xương nhức nhối, không đau đớn lắm, nhưng cũng đủ làm tôi khó chịu,” ông Khôn giải thích.
Ông Phạm Đạt Thành, ở Garden Grove, than: “Trời lạnh, cơ thể tôi như muốn ngưng hoạt động. Đầu óc tôi bần thần, toàn thân rãi rời. Chuyện này kéo dài mấy tháng. Mũi tôi nghẹt cứng, miệng tôi đắng nghét. Mỗi bữa, tôi ăn qua loa vài miếng để uống thuốc thôi. Đi mấy bác sĩ cũng không ai tìm ra bệnh. Trời vừa ấm là tôi khỏe ngay lại.”
Bởi vậy, nếu có điều kiện là các vị cao niên tìm nơi ấm áp để tránh lạnh.
Sự vắng mặt tạm thời của các cụ được một số người nhận biết.
Ông Nguyễn Kiên Lý, chuyên giao cơm phần ở khu Bolsa xác nhận trong thời gian này, khá nhiều thực khách tạm cắt phần ăn. Ông than: “Tôi mất trên 40 người. Mấy trăm phần ăn mỗi ngày chứ đâu phải ít. Có vợ chồng ông cụ này đặt 12 phần mỗi ngày, vừa để ăn, vừa cho con cháu.”
Ông sắp những hộp canh cho ngay ngắn trong thùng các-tông rồi tiếp: “Hồi đầu Tháng Mười Hai, ông bà này báo sẽ đi Hawaii chơi với bạn tới hết Tháng Hai mới về. Nhưng ngoài họ ra, khá đông các cụ trên dưới 70 tuổi cũng ‘bỏ Bolsa’. Tôi biết một ông đi San Antonio, Texas, thăm con gái. Ông nói bên đó ấm hơn. Ông khác thì đi Houston. Có người đi South Carolina. Rồi Georgia.”
Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, ở Santa Ana, làm nghề chăm sóc người lớn tuổi tại gia, nói: “Từ 15 Tháng Mười Hai, tôi tạm mất bốn thân chủ, hai người đi East Baton Rouge, Louisiana, hai người đi Laughlin, Nevada. Họ nói mấy nơi này ấm hơn bên mình nhiều. Và với tuổi già, khí hậu là điều quan trọng. Họ không cần nơi giải trí, miễn là thoải mái trong người là vui rồi. Mấy cụ này chích ngừa rồi mà ở đây vẫn cúm nặng như thường.”
Bà Nguyễn Thị Thư, có tiệm thuốc Tây trên đường Bolsa, cho biết một số đông, đông “đáng kể” các vị cao niên trên 70 tuổi, rời Little Saigon trong mùa này.
“Mùa này, nhiều bác yêu cầu bác sĩ cho thuốc trước, tới ba, bốn tháng một lúc. Hỏi ra mới biết các bác đi chơi xa, thường là về Việt Nam,” bà nói.
Chuyện các vị cao niên “nghỉ mát” ảnh hưởng đến một số sinh hoạt cộng đồng khác.
Bà Từ Dung, sáng lập viên Hội Cao Niên Á Mỹ ở Westminster cho biết một số lớp của hội phải tạm ngưng trong thời gian này. Bà nói: “Có tới mấy trăm học viên của hội đi xa.”
Hội Cao Niên Á Mỹ có những lớp được rất đông người tham dự là lớp luyện thi quốc tịch, lớp khiêu vũ thẩm mỹ, lớp tập hát, lớp tập đàn… “Nhưng tôi biết chắc là hết mùa lạnh, họ lại về thôi,” bà Dung khẳng định.
* Nơi ấp áp, tốt cho sức khỏe
Việc đến nơi ấm áp đem kết quả khả quan cho sức khỏe các vị cao niên gần như tức thì.
“Mẹ tôi đang bị cảm lạnh, uống thuốc cả tháng chưa khỏi hẳn, cứ ngầy ngật cả ngày, tối lại không ngủ được. Nhân người em tôi ở Fort Lauderdale, Florida nghỉ phép, mua vé mời mẹ tôi qua đó thăm các cháu. Mừng ghê, vừa sang được hai ngày thì mẹ tôi dứt hẳn chứng cảm cúm, không ho nữa mà lại ngủ thẳng giấc bốn tiếng mỗi đêm. Bây giờ cụ muốn ở bên ấy ăn Tết Ta rồi mới về,” bà Nguyễn Tuyết Diễm, ở Westminster, nói.
Ông Thăng Nguyễn, sống tại Westminster, người đang chăm sóc dì và dượng cho hay: “Tôi chăm sóc hai người từ năm ngoái khi con gái của ông bà qua đời vì ung thư gan. Chưa bao giờ ở với người già nên khi họ bị bệnh, tôi lo lắm. Từ Tháng Mười Một, dì tôi than chóng mặt rồi bỏ ăn, chỉ húp nước hầm đuôi bò chút chút mỗi bữa.”
Dượng ông bị cao áp huyết, uống thuốc đều mà vẫn cao hơn bình thường. Bác sĩ đang định tăng liều lượng. “Nhưng khi vừa qua tới Dallas, Texas, thì cả hai đều khỏe hẳn lại,” ông cười vui. “Dì tôi ăn ngon miệng và áp huyết của dượng tôi xuống như bác sĩ mong muốn.”
Có người lại đi xa hơn nữa, về tận Việt Nam để tránh cái lạnh ảnh hưởng không tốt cho tuổi già. Khí hậu nhiệt đới của Việt Nam cũng làm cho các vị này khỏe lại.
Ông Lại Quốc San, cư dân Fountain Valley, cho biết năm nay cha mẹ ông về Việt Nam ăn Giáng Sinh rồi ở luôn, qua Tết Nguyên Đán mới quay lại. Ông nói: “Mọi năm vợ chồng tôi nhắc mấy lần, để đặt vé rẻ mà cha mẹ cứ lần lữa, không chịu đi. Năm nay khác hẳn, vừa xong Lễ Tạ là đòi đi rồi.”
Bên này, cha mẹ ông không được khỏe lắm, cứ ho cả đêm và nghẹt mũi mấy tháng liên tiếp. “Vậy mà về tới Cần Thơ, cha mẹ tôi khỏe hẳn lại, không còn cảm cúm gì cả. Sáng sớm, mới ba giờ là theo mấy đứa cháu đi bán hàng ở chợ nổi. Mấy tuần rồi mà không mệt,” ông khoe. “Vậy mới biết cái lạnh tai hại cho người lớn tuổi thế nào.”
Nhưng cũng có người, vì hoàn cảnh, không thể tìm nơi tránh lạnh được.
Ông Trần Đức Vũ Anh, ngụ tại Anaheim, nói: “Vẫn biết khí hậu ấm áp rất có lợi cho cha mẹ tôi, và tôi rất muốn cha mẹ về Việt Nam chơi, nhưng vì sức khỏe, hai người đành phải ở lại đây thôi.”
Có người không thích về Việt Nam.
“Giữa cái lạnh bên này và cái nóng ở Việt Nam, tôi chọn cái lạnh cho đỡ tốn kém. Không dễ đâu, nhưng ráng cắn răng, rồi cũng hết mùa thôi,” ông Trương Văn Cường, ở Westminster nói.
Bà Bùi Thị Tiên, ở Stanton, dứt khoát: “Dĩ nhiên, tôi không thích lạnh vì bị phong thấp, trời lạnh, các khớp xương đau nhức âm ỉ, rất khó chịu. Nhưng tôi sợ ngồi máy bay cả ngày. Thôi đành ở đây thôi.”
Bà Lâm Kim Thảo, cư dân Anaheim, cho biết: “Về Việt Nam rất tốn kém vì đây không phải đi du lịch. Đây là chuyện thăm thân nhân. Năm nay, không đủ quà cho mọi người, tôi không muốn về.”
Ông Dương Đình Bộ, ngụ tại Santa Ana, sang Mỹ từ 1975 và chưa bao giờ về Việt Nam . Ông nói: “Gia đình tôi không còn ai, thì về làm gì?”
Về ảnh hưởng của cái lạnh đối với người lớn tuổi, ông cười: “Trong nhà có máy sưởi, vào xe có máy sưởi, ra đường có áo ấm, không còn gì để ngại nữa cả.” (Đằng-Giao)