2013 chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu. Đây là những con người xuất sắc được đào tạo và ở lại lập nghiệp thành công ở nước ngoài. Khi về nước, họ tiếp tục thành công trên khá nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, tài chính, hàng không, BĐS, du lịch cho tới tiêu dùng. Tuy nhiên, nhóm doanh nhân này rất kín kẽ và khẳng định mình bằng thành quả hơn là phát ngôn.
Tỷ phú Việt đầu tiên
2013, giới doanh nhân đã có người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, với khối tài sản ước tính 1,5 tỷ USD, xếp vị trí thứ 974.
Câu chuyện thành công của ông Phạm Nhật Vượng đã truyền niềm tự hào, hy vọng và cảm hứng cho nhiều doanh nhân trẻ vốn đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.
Vị tỷ phú 46 tuổi và là người sáng lập ra tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực BĐS cao cấp, bán lẻ và y tế Vingroup đã từng học tập tại Moscow rồi qua sang Ukraine lập nghiệp với thương hiệu mỳ ăn liền nổi tiếng giúp ông làm nên cơ nghiệp: mỳ Mivina.
Thành công trở nên rực rỡ hơn khi đại gia gốc Hà Tĩnh chuyển về Việt Nam hồi đầu thế kỷ 21 để đầu tư vào BĐS du lịch, BĐS cao cấp, y tế, bán lẻ với hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng.
Ông Phạm Nhật Vượng đã là người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong cả 3 năm trước đây nhờ 2 cổ phiếu Vincom và Vinpearl. Đến 2013 thực sự là một năm đánh dấu nhiều thành công của doanh nhân này với danh hiệu tỷ phú Việt đầu tiên trên phạm vi thế giới cùng hàng loạt các dự án lớn đang vào giai đoạn hoàn thành hay bắt đầu khởi động. Có lẽ, nhờ đó, 2013, VIC đã ngược dòng khó khăn của BĐS với nhiều thành công và mở rộng kinh doanh sang bán lẻ.
Sự hấp dẫn của VIC đã giúp DN phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trong bối cảnh kinh tế tài chính toàn cầu khó khăn sau thương vụ thành công năm 2009. Mới đây, quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD để lấy 20% trong Vincom Retail (bán lẻ).
Hiện cổ phiếu VIC có giá khoảng 70.000 đồng/cp. Với 284,6 triệu cổ phiếu VIC được trực tiếp nắm giữ, ông Vượng đã có khối tài sản quy ra tiền tương ứng lên tới 20.000 tỷ đồng. Vững vàng danh hiệu tỷ phú đô la.
Quyền lực nhóm Đông Âu
Hiện nhiều doanh nhân khởi học tập và nghiệp từ Đông Âu trở về đầu tư tại Việt Nam nhanh chóng thành công với vị trí dẫn đầu trong nhiều ngành.
Tháng 9/2013, giới đầu tư choáng váng với 2 thương vụ khủng trong cùng một ngày (25/9): mua 100 máy bay và sáp nhập 2 NH. Cả hai đều liên quan đến một tập đoàn và doanh nhân thành đạt và với hai thương vụ, doanh nhân này đã xứng là đại gia nổi bật năm 2013.
Trước đó, cái tên Sovico đã khá nổi tiếng với nhiều vụ đầu tư lớn trong lĩnh vực BĐS và NH. Tuy nhiên, tên tuổi của tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam này thực sự được biết đến khi lấn sang hàng không và sáp nhập NH.
Với thương vụ trị giá khoảng 9 tỷ USD và hoạt động đình đám của VietJetAir, Vợ chồng doanh nhân Hùng – Thảo đã có một năm nổi bật cả trong nước và quốc tế. Được biết, ngoài NH và hàng không, Sovico còn khá nổi trong nhiều lĩnh vực tài chính, BĐS, thủy điện…
Trong năm 2013, dự án cáp treo nghìn tỷ trên đỉnh Fansipan của ông chủ Tập đoàn Sungroup Lê Viết Lam đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Đây cũng là 1 trong những doanh nhân trở về từ Đông Âu và đã từng cùng kinh doanh mỳ ăn liền Mivina tại Ukraina với ông Phạm Nhật Vượng.
Sungroup cũng đã được biết đến là chủ đầu tư của dự án cáp treo nhận được nhiều danh hiệu kỷ lục Việt Nam – tuyến cáp treo Bà Nà Hills và nhiều dự án BĐS du lịch nổi tiếng khác.
Quyền lực của “nhóm Đông Âu” còn được thể hiện mạnh mẽ trong năm 2013 với VPBank của chủ tịch “gốc” Nga, Ngô Chí Dũng.
Với một loạt những thay đổi mạnh mẽ, VPBank trở thành NH đi ngược dòng khó khăn chung với tín dụng tăng vọt, nợ xấu giảm, nhân sự tuyển mới ồ ạt… Bên cạnh đó, những biến động “vào-ra” của nhiều cổ đông lớn đi kèm với đó là hàng nghìn tỷ đồng được sang tên đổi chủ cũng liên tục gây chú ý cho giới đầu tư.
Cùng làm NH, một doanh nhân khởi nghiệp Đông Âu khác có những thay đổi đột phá trong năm 2013 là ông Đặng Khắc Vỹ. Giữa tháng 9/2013, Ngân hàng VIB đã sắp xếp lại nhân sự cấp cao và ông Vỹ chính thức lên làm chủ tịch.
Ông Vỹ là cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu lớn, gắn bó và đặt nền móng cho VIB cả chục năm qua. 2013 ông Vỹ đã xuất hiện để đánh dấu một giai đoạn phát triển chiến lược tiếp theo cho NH này.
Hồi tháng 5/2013, giới tài chính cũng chứng kiến sự ra đời của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với một trong những doanh nhân “gốc Đông Âu” kín tiếng là ông chủ của Tập đoàn Thiên Thanh – đại diện cho 20 cổ đông nắm giữ 84% cổ phần.
Bên cạnh các đại gia nói trên, giới đầu tư còn biết đến nhiều doanh nhân “nhóm Đông Âu” nổi tiếng trong năm 2013 và đứng đầu các ngành như: ông Nguyễn Đăng Quang-Hồ Hùng Anh (đế chế hàng tiêu dùng Masan và Ngân hàng Techcombank); Nguyễn Cảnh Sơn (Eurowindow, Techcombank, Melinh Plaza); ông Trịnh Thanh Huy (Bình Thiên An) …
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, nhất là năm 2013, sự nổi lên của nhóm doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rất mạnh mẽ. Điều đáng nói là các doanh nhân này đã đầu tư một lượng tiền lớn vào nhiều ngành nghề tại Việt Nam và nhanh chóng vượt dẫn đầu các lĩnh vực này. Qua môt năm biến động, người ta càng nhận ra quyền lực của nhóm Đông Âu đang lớn mạnh từ ngân hàng, tài chính, BĐS cho tới mỳ tôm, nước mắm.
Mạnh Hà