Nếu bạn vô tình để quên tai nghe ở đâu đó mà tìm không ra thì có thể nhờ Apple tìm giùm thông qua chức năng Find My trên iPhone hoặc các thiết bị Apple khác.
Chức năng này luôn tự hoạt động thông qua iCloud khi bạn kết nối tai nghe AirPods với một thiết bị Apple và đòi hỏi cả hai phải ở trong tầm phủ sóng Bluetooth.
1-Tìm kiếm AirPods bị thất lạc
Khi cần tìm tai nghe, bạn mở app Find My trên iPhone hoặc thiết bị Apple khác cùng dùng chung một account iCloud như iPad, Macbook… Từ đây, bạn có thể thấy AirPods (cũng như các thiết bị Apple khác) của bạn nằm ở đâu trên bản đồ.
Nếu bạn nhấn vào biểu tượng AirPods trên bản đồ, bạn sẽ thấy tùy chọn phát âm thanh (Play Sound) từ AirPods. Sau khi bạn chọn phát âm thanh, bạn sẽ thấy tùy chọn tắt tiếng AirPod bên trái hoặc bên phải hoặc dừng phát âm thanh.
Nếu lúc đó AirPods của bạn bị mất kết nối do quá tầm phủ sóng Bluetooth hoặc đang nằm trong case sạc, bạn không thể cho phát âm thanh được nhưng bạn vẫn biết được vị trí cuối cùng của nó (Directions) trên bản đồ.
Ngoài ra, khả năng tắt tiếng từng bên tai nghe có thể giúp bạn dễ dàng xác định vị trí chính xác của tai nghe để tránh trường hợp đặt nhầm bên khi sử dụng.
2-Chia sẻ âm thanh cùng lúc tới hai bộ AirPods (hoặc tai nghe khác có chip H1)
Bạn có thể chia sẻ âm thanh từ một chiếc iPhone sang hai bộ tai nghe AirPods (hoặc tai nghe khác của Apple có chip H1) cùng một lúc, điều này rất tiện lợi cho việc xem phim, nghe nhạc với bạn thân, người yêu… Để thực hiện, bạn mang cặp tai nghe thứ hai lại gần điện thoại iPhone cần kết nối. Sau đó, chọn icon AirPlay trong app đang phát nhạc hoặc video rồi chọn Share Audio trong menu hiện ra. Khi iPhone hiển thị bộ tai nghe mới tìm ra, bạn bấm nút Share Audio là xong.
Lưu ý: Bạn cũng có thể kết nối hai bộ AirPods với iPhone trước (vào Settings -> Bluetooth) rồi sau đó mới Share Audio trong AirPlay.
3-Chỉ sử dụng một bên tai nghe
Khi bạn sử dụng một bên tai nghe AirPods thì iPhone sẽ tự động chuyển đổi từ Stereo (hai kênh trái, phải) sang Mone (một kênh) để bạn nghe được toàn bộ âm thanh qua chiếc tai nghe đó. Điều này cực kỳ tiện lợi nếu bạn muốn kéo dài thời gian sử dụng liên tục bộ tai nghe lên gấp đôi bằng cách mỗi lần chỉ dùng một bên tai nghe mà thôi (tai nghe còn lại để trong case sạc), khi chiếc tai nghe này hết pin thì chuyển sang chiếc tai nghe kia.
4-Tiếp tục phát nhạc mỗi khi tháo tai nghe
AirPods có một tính năng mặc định là dừng ngay việc phát nhạc mỗi khi bạn tháo một hay hai bên tai nghe. Tuy nhiên, Apple cho phép bạn tắt tính năng này nếu bạn không muốn gián đoạn việc nghe nhạc và việc thực hiện cũng khá đơn giản.
Bạn mở Settings trên iPhone sau đó chọn Bluetooth rồi bấm vào chữ “i” ở góc bên phải kết nối AirPods. Sau đó gạt nút tắt tính năng Automatic Ear Detection (chuyển thành màu xám).
5-Sử dụng AirPods với những thiết bị khác iOS
AirPods có thể được sử dụng với những thiết bị khác hỗ trợ kết nối Bluetooth cho dù không phải do Apple sản xuất (thí dụ Android, PC…). Tuy nhiên, một số tính năng dành riêng cho hệ điều hành iOS sẽ không sử dụng được.
Dưới đây là cách kết nối:
-Đặt tai nghe vào case sạc.
-Mở nắp rồi bấm và giữ nút bấm ở mặt sau case để đặt tai nghe vào chế độ pair cho tới khi đèn led nhấp nháy màu trắng.
-Trên điện thoại Android, vào Setting -> Bluetooth rồi chọn AirPods để kết nối là xong.
Bạn cũng làm tương tự như trên đối với máy tính có Bluetooth. Sau khi kết nối thành công, bạn có thể nghe nhạc, nghe gọi như tai nghe Bluetooth bình thường; dùng được chức năng chạm hai lần trên tai nghe để play/pause bài hát. Tuy nhiên, tính năng tự tắt nhạc khi tháo tai nghe ra khỏi tai không hoạt động; Siri cũng không sử dụng được.
Riêng với AirPods Pro thì những điều khiển khi bấm nút cảm biến lực của AirPods đều hoạt động, bao gồm dừng/ chơi nhạc, chuyển bài trước sau và bấm giữ lâu để chuyển giữa chế độ chống ồn ANC và Transparency Mode (nghe môi trường xung quanh). Đáng tiếc là tính năng đo độ vừa vặn của đệm tai không hoạt động và bạn cũng không thể tắt tính năng chống ồn như trên iOS được. (Lê Hoàn)