Ông Trump đang cố làm chệch hướng các cáo buộc về những sai lầm của mình bằng cách chỉ trích rằng hệ thống thực thi pháp luật đã bị chính trị hóa, điều mà ông từng cố thực hiện.
Hai ngày sau cuộc bầu cử năm 2020 mà Donald J. Trump từ chối thừa nhận mình thua cuộc, con trai lớn của ông, Donald Trump Jr., đề nghị: “Sa thải giám đốc FBI Chris Wray”.
Ông Trump Jr. không giải thích rõ ràng về lý do cần sa thải Christopher A. Wray, Giám đốc FBI mà chính cha ông đã bổ nhiệm cách đó hơn 3 năm. Dẫu vậy, hầu như ai cũng hiểu nguyên do là gì. Ông Wray, theo quan điểm của gia đình Trump và những người ủng hộ họ, không đủ trung thành với vị tổng thống sắp mãn nhiệm khi đó.
Trong suốt 4 năm làm việc tại Nhà Trắng, ông Trump đã cố gắng biến bộ máy thực thi pháp luật của quốc gia thành một công cụ quyền lực chính trị để thực hiện mong muốn của mình.
Giờ đây, khi FBI – dưới sự quản lý của ông Wray – thi hành một lệnh khám xét chưa từng có tiền lệ tư dinh của cựu tổng thống ở Florida, ông Trump đang cáo buộc hệ thống tư pháp của quốc gia đang trở thành một loại vũ khí chính trị cho tổng thống, điều mà báo New York Times nhận định ông Trump đã cố xây dựng khi còn đương nhiệm.
Cáo buộc không bằng chứng
Không có bằng chứng nào cho thấy Tổng thống Joe Biden có bất kỳ vai trò nào trong cuộc điều tra đối với ông Trump về việc xử lý sai tài liệu chính phủ. Cũng không có cá nhân hay tổ chức nào đưa ra tuyên bố mâu thuẫn với Nhà Trắng khi họ khẳng định không được báo trước và không liên quan gì đến vụ khám xét ở Mar-a-Lago.
Chưa từng có công bố nào cho thấy ông Biden yêu cầu Bộ Tư pháp nhắm vào ông Trump, nhưng ngược lại ông Trump từng nhiều lần làm như vậy với ông Biden và các thành viên đảng Dân chủ khác.
Norman L. Eisen, người từng là cố vấn đặc biệt cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong cuộc luận tội Trump đầu tiên, nhận định: “Bây giờ ông ấy lật kịch bản và tuyên bố sai trái rằng mình là nạn nhân của chính những chiến thuật mà ông ấy từng triển khai”.
Các đồng minh đảng Cộng hòa của ông Trump cho rằng cựu tổng thống chưa từng cố gắng thay đổi truyền thống phi chính trị của FBI và cơ quan thực thi pháp luật.
Thay vào đó, họ tin hệ thống đã bị phá hoại chính bởi các lãnh đạo của cơ quan này, và thậm chí cả các thành viên của chính quyền Obama. Họ nói rằng điều này được thể hiện qua việc ông Trump và nhóm chiến dịch tranh cử của ông bị điều tra về khả năng thông đồng với Nga trong cuộc đua năm 2016. Cuộc điều tra đã kết thúc mà không có cáo buộc nào về âm mưu thông đồng với Moscow được đưa ra.
Nhóm của cựu tổng thống từ lâu đã chỉ mũi nhọn vào những tin nhắn văn bản giữa hai quan chức FBI từng chỉ trích gay gắt ông Trump trong chiến dịch tranh cử đó, cũng như lệnh giám sát đối với một cố vấn của ông Trump mà sau đó bị coi là không hợp lý.
Bộ Tư pháp thừa nhận vụ việc trên là sai sót, và một tổng thanh tra đã khiển trách hai quan chức FBI trên. Tuy nhiên, vị tổng thanh tra cho biết ông không tìm thấy bất cứ điều gì về việc có người muốn làm hại ông Trump vì thiên vị chính trị.
Cuộc khám xét hôm 8/8 – được cho là một phần của cuộc điều tra về việc ông Trump tự ý mang các tài liệu chính phủ ra khỏi Nhà Trắng trước khi ông rời nhiệm sở – đã được một thẩm phán tòa sơ thẩm phê duyệt. Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland, được ông Biden bổ nhiệm với sự ủng hộ của lưỡng đảng, vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai nào cho đến nay.
Trong khi đó, ông Trump dường như đã khá thành công trong việc đẩy mạnh mối quan tâm của công chúng đến cái mà ông gọi là một hệ thống thực thi pháp luật bị chính trị hóa, thể hiện qua cuộc khám xét tư dinh của ông.
Chỉ vài giờ sau khi có thông tin về vụ khám xét mà nhà cựu lãnh đạo Mỹ gọi là “đột kích” hôm 8/8, hàng loạt đảng viên Cộng hòa, bao gồm nghị sĩ Kevin McCarthy của California, lãnh đạo phe thiểu số của hạ viện, đã nhanh chóng lên tiếng phản đối về hoạt động của FBI mà chưa cần biết nguyên nhân hoặc kết quả của vụ việc.
Tuy nhiên, một số cựu quan chức thực thi pháp luật cho rằng ông Trump đang “suy bụng ta ra bụng người”.
“Ông Trump chỉ đơn giản là không hiểu những người như Garland và lãnh đạo cao nhất của Bộ Tư pháp và FBI, bởi giá trị của họ quá khác lạ so với ông ấy”, Michael R. Bromwich, cựu tổng thanh tra Bộ Tư pháp, cho biết.
FBI từng có lịch sử ở mập mờ giữa chính trị và thực thi pháp luật. Dưới thời Giám đốc J. Edgar Hoover, cơ quan này đã theo dõi và truy lùng các đối thủ trong nước của chính phủ liên bang, đôi khi đóng vai trò như một công cụ chính trị của các tổng thống khác nhau của cả hai đảng.
Tuy nhiên, sự lạm quyền của FBI khi đó đã chấm dứt sau cái chết của ông Hoover năm 1972. Quốc hội và FBI dưới sự quản lý của lãnh đạo mới đã làm việc để biến nó thành một tổ chức chuyên nghiệp hơn, trung lập hơn về mặt chính trị.
Các giám đốc FBI được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 10 năm như một cách để họ ít vướng vào phe phái tổng thống. Hạ viện và thượng viện thành lập các ủy ban giám sát tình báo, và những cải cách khác đã được ban hành để loại bỏ cơ quan này khỏi chính trường.
Nỗ lực chính trị hóa Bộ Tư pháp của ông Trump
Trong suốt quá trình hoạt động, FBI này đã giành được sự tôn trọng của cả hai đảng và nhiều người Mỹ trong nửa thế kỷ qua.
Tuy nhiên, sự tín nhiệm của công chúng đối với cơ quan này đã bị xói mòn đáng kể trong những năm ông Trump đương nhiệm. Trong một cuộc thăm dò của Gallup năm 2019, 57% người tham gia thăm dò cho rằng FBI đang làm tốt công việc của họ. Con số này đến năm 2021 đã giảm xuống còn 44%.
Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Trump đã chỉ trích FBI về cuộc điều tra của họ đối với Moscow, tỷ lệ những người theo đảng Cộng hòa có quan điểm tốt về cơ quan này đã giảm xuống 49% từ 65% trong các cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong khi con số đó vẫn ổn định đối với các đảng viên Dân chủ, ở mức 77%.
“Trump đã làm đảo lộn hiện trạng sau những năm 1970 khi ông ấy trở thành tổng thống, làm mất cân bằng hơn 40 năm của Bộ Tư pháp và văn hóa độc lập phi chính trị mà FBI xây dựng”, Douglas M. Charles, một nhà nghiên cứu lịch sử FBI thuộc Đại học bang Pennsylvania và là tác giả, biên tập của nhiều cuốn sách về cơ quan này.
Vào thời điểm tranh cử, ông Trump đã nhìn hệ thống tư pháp qua lăng kính chính trị. Ông đã dẫn đầu đám đông biểu tình hô vang “giam bà ta lại” khi ông đề nghị bỏ tù đối thủ của mình, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người khi đó đang bị điều tra về việc xử lý không đúng thông tin mật – giống như việc ông đang đối mặt lúc này. Bà Clinton sau đó không bị truy tố.
Sau khi giành chiến thắng, ông Trump coi các cơ quan thực thi pháp luật như một tổ chức phải làm theo ý mình.
Ông sa thải giám đốc FBI khi đó là James B. Comey vì ông này từ chối cam kết trung thành với tổng thống, cũng như từ chối tuyên bố công khai rằng ông Trump không phải một trong những người mà FBI nhắm tới trong cuộc điều tra về khả năng Moscow cố can thiệp bầu cử Mỹ.
Ông Trump sau đó cũng đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vì đã không bảo vệ ông khỏi cuộc điều tra đó.
Trong thời gian tại vị, ông Trump liên tục kêu gọi Bộ Tư pháp và FBI điều tra đối thủ của mình, trong khi ngăn cản tổ chức nhắm vào bạn bè ông.
Ông công khai chỉ trích việc truy tố các cố vấn của ông như Paul J. Manafort và Roger J. Stone Jr., cuối cùng lật ngược việc kết tội của họ bằng các lệnh ân xá sau khi họ từ chối làm chứng chống lại ông.
Ông cũng phàn nàn khi hai nghị sĩ đảng Cộng hòa bị buộc tội ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 vì điều này có thể làm giảm số ghế của đảng trong quốc hội.
Không hài lòng với ông Wray, ông Trump hồi năm 2020 đã tìm cách bổ nhiệm một giám đốc FBI mới có thể hỗ trợ ông nhiều hơn, nhưng đã phải lùi bước vì sự phản đối của Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr.
Mùa thu năm đó, trong khi tái tranh cử, ông đã thúc đẩy việc truy tố Hunter, con trai của ông Biden, đả kích ông Barr và ông Wray vì đã không truy tố các đảng viên Dân chủ như ông Biden và ông Barack Obama trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử.
Sau khi thua trong cuộc đua 2020, trong những tuần cuối cùng tại vị, ông đã thúc giục Bộ Tư pháp giúp mình lật ngược kết quả cuộc bầu cử. Ông Barr đã từ chối và công khai bác bỏ những tuyên bố sai sự thật của ông Trump trước khi từ chức.
Ông Trump liên tục ép người kế nhiệm của ông Barr, Jeffrey A. Rosen, hủy hoại uy tín của kết quả bầu cử và suýt sa thải Rosen khi ông không đồng ý. Ý định của ông Trump đã bị chặn lại khi tất cả quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp dọa sẽ từ chức để phản đối.
Đó cũng là cơ hội cuối cùng của ông Trump nhằm cố tác động đến việc thực thi pháp luật từ bên trong chính quyền.
Giờ đây, từ bên ngoài, cựu tổng thống đang cố chống lại cái mà ông gọi là sự bất công của một cơ quan thực thi pháp luật do chính người được ông bổ nhiệm điều hành.
Hồng Ngọc Zing Theo New York Times