Cổ phiếu của Apple đang xuống giá một cách thảm hại, sản phẩm dần thiếu tính sáng tạo, người dùng chuyển sang các thương hiệu khác… Nhưng điều gì khiến Apple lo lắng nhất trong lúc này?
Theo trang công nghệ Gizdomo, với doanh số cao ngất ngưởng, sớm muộn gì thị trường iPhone và iPad cũng bão hòa và người dùng cảm thấy sản phẩm này trở nên quá đỗi bình thường. Đi đâu cũng gặp người dùng iPhone, iPad. Trong khi đó, với việc ra mắt các sản phẩm mới nhất trong thời gian qua, thương hiệu này có vẻ đang dần cạn kiệt sự sáng tạo.
Do đó, tương lai của Apple sẽ không phụ thuộc vào việc thu hút các khách hàng mới mà sẽ phụ thuộc vào việc hấp dẫn khách hàng cũ mua các phiên bản mới của iPhone và iPad.
Rất nhiều người nghĩ rằng, người dùng iPhone sẽ mua một phiên bản mới trong vòng 2 năm, sau khi hợp đồng với nhà mạng của họ kết thúc. Tuy vậy, chu kì nâng cấp iPhone của người dùng tỏ ra dài hơn rất nhiều. Chẳng hạn như, rõ ràng là số lượng 4/4S xung quanh bạn hiện giờ đang nhiều hơn số lượng iPhone 5. Thực tế, số lượng iPhone 3G/3GS còn nhiều hơn cả iPhone 5.
Một người dùng đang sở hữu một chiếc iPad 2 (gần 2 năm tuổi) cũng nói rằng, họ không có lý do gì để nâng cấp lên iPad 3 hay iPad 4 hoặc thậm chí cả iPad Mini. Thậm chí, điều này sẽ còn tiếp diễn trong một vài năm nữa. Hiện tại, bạn vẫn có thể thấy nhiều người vẫn trung thành với iPad đời đầu.
Ngoài ra còn rất nhiều thách thức mà Apple phải đối mặt và cũng là những vấn đề “Quả Táo” lo lắng nhất.
– Mất dần người dùng trung thành: Chưa dám nói là vượt qua nhưng hiện nay iPhone đã có những đối thủ xứng tầm. Vẫn giữ vị trí dẫn đầu về thiết kế, hiệu năng OS, trải nghiệm… nhưng khoảng cách giữa iPhone 5 và các đối thủ còn rất nhỏ. Thậm chí ngay cả những người dùng iPhone trung thành nhất cũng bắt đầu dao động.
Lần đầu tiên, tỷ lệ người khẳng định chiếc điện thoại tiếp theo của họ là iPhone giảm, kể từ khi iPhone ra mắt. Lần đầu tiên, chiếc điện thoại bán chạy nhất một quý không còn mang thương hiệu quả táo cắn dở. Lần đầu tiên, người ta phát hiện ra nhiều lỗi ở một phiên bản iPhone đến như vậy.
iPad, sản phẩm đã định hình nên thị trường máy tính bảng cũng đang mất dần vị trí độc tôn. Tuy vẫn là số một, hay có thể nói là gần như duy nhất ở thị trường tablet 10″ (hơn 90% lưu lượng truy cập web và 70% thị phần thị trường này là của Apple) nhưng bị cạnh tranh quyết liệt ở dòng sản phẩm màn hình nhỏ hơn. Thị phần của iPad đang rơi ngày càng gần xuống mốc 50%. Tuy doanh số iPad mini rất tốt nhưng việc gia nhâp muộn rõ ràng là một thất bại lớn của Apple.
Trong khi đó, laptop, cụ thể là Macbook đang gặp những sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, đặc biệt là MacBook Air. Sau 2 năm đơn độc không có đối thủ, thời gian vừa qua, đã có một số laptop Windows thậm chí có thể “so dáng” một cách công bằng với MacBook Air.
– Dịch vụ đám mây tương đối yếu: Dịch vụ đám mây đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhưng Apple liệu có đủ tài năng để công ty tiếp tục tăng trưởng và phát triển iCloud.
– Dịch vụ Internet: Khi cuộc chiến giữa hệ điều hành điện thoại di động tiếp tục nóng lên trong vài năm tới, thì việc triển khai các dịch vụ Internet tuyệt vời sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều. Apple một lần nữa lại chậm chạp trong xu hướng này và đã từng thất bại với dịch vụ MobileMe, tiếp theo là bản đồ Apple Maps.
– Mạng xã hội: CEO Tim Cook đã trả lời phỏng vấn tờ AllThingsD hồi năm ngoái rằng, Apple có mạng xã hội nhưng điều đó không có nghĩa là hãng phải sở hữu một mạng xã hội. Tuy nhiên, không rõ việc Apple có thể hiểu mạng xã hội và lợi thế của việc phát triển chúng. Tuy hệ điều hành iOS của Apple đã tích hợp ngày càng sâu các mạng xã hội như Twitter và Facebook nhưng họ vẫn không thể chủ động tinh chỉnh các tính năng theo ý muốn của riêng họ, điều này họ cũng đi sau so với Google.
– Khó nhìn nhận khuyết điểm: Nhắc tới thương hiệu Apple, người ta sẽ nghĩ ngay tới những sản phẩm có thiết kế sáng tạo, tỉ mỉ, chi tiết và hoàn hảo tới từng đường nét. Tuy nhiên, các sản phẩm gần đây của Apple đang mất dần sự hoàn hảo đó và lỗi xuất hiện ngày càng nhiều. Do đó, Apple cần nhìn nhận một cách nghiêm túc những gì họ đã tạo ra và cần phát huy những thế mạnh vốn có.
Điều Apple cần làm lúc này là họ cần “soi lại mình trong gương” một cách chân thực nhất. Nhìn nhận lại những điểm yếu của mình và nhanh chóng để khỏa lấp những lỗ hổng đó, và đặc biệt hơn là phải giữ chân được những nhân tài chủ chốt.
Tuệ Minh – (Tổng hợp)