Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, báo giới đưa tin rằng, Barron Trump, cậu út nhà Trump sẽ không chuyển đến Nhà Trắng luôn cùng cha mà cậu bé sẽ ở lại Tháp Trump cùng mẹ hoàn thành việc học tại New York trong vài tháng. Và đây không phải điều duy nhất mà gia đình Trump đã thực hành trong hành trình nuôi dạy con cái qua nhiều năm.
Tự tay chăm con
Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây, vì ông Donald quá bận rộn với việc điều hành công ty đa quốc gia của ông và hiện giờ, là nước Mỹ, vì thế thiên chức làm cha mẹ vất vả cực nhọc đều chất lên vai bà Melania. “Ông ấy không thay tã và tôi hoàn toàn thoải mái với việc này. Đó không phải điều quan trọng đối với tôi. Tất cả những thứ này là việc của bạn,” bà nói hồi năm 2015. “Điều quan trọng là thấu hiểu người bạn đời của bạn. Và chúng tôi rất rõ về trách nhiệm của mình”.
Trong một lần phỏng vấn, đệ nhất phu nhân đã nói: “Tôi thích tự tay chăm con. Tôi cho rằng điều này cực kỳ quan trọng“, bà nói.
Cân bằng giữa công việc và việc làm mẹ
Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ kể lại rằng, bà bắt đầu kinh doanh trang sức khi Barron bắt đầu đi học. Trong khoảng thời gian con trai đang trên trường, bà bắt đầu công việc của mình.”Tôi là một người mẹ toàn thời gian, công việc đó đối với tôi quan trọng hơn cả… Tôi nấu bữa sáng cho con, đưa con đến trường, đón con, chuẩn bị bữa trưa cho con và dành cả buổi chiều với con“.
Barron Trump nói trôi chảy 3 loại ngôn ngữ nhờ mẹ
Từ năm 2009, bà Melania đã dạy Barron nói tiếng Anh, Pháp và tiếng Slovenia đất nước bà. Đặc biệt là đối với tiếng Slovenia, tiếng mẹ đẻ của bà Melania, Barron tiếp thu rất tốt. Đến bây giờ cậu bé thường giao tiếp với mẹ và ông bà ngoại trôi chảy bằng tiếng Slovania.
Bà mẹ của cộng đồng
Trước khi trở thành Đệ nhất Phu nhân và trước khi làm mẹ, bà Melania đã hoạt động trong nhiều quỹ từ thiện cho trẻ em.
Bà đại diện cho Ngày toàn quốc chăm sóc trẻ em hàng năm lần thứ Năm và Tháng hành động chống bắt nạt trẻ em quốc gia năm 2008, là Chủ tịch danh dự câu lạc bộ nam sinh của New York trong 5 năm. Bà còn là Đại sứ thiện chí cho Quỹ Chữ thập đỏ của Mỹ.
Barron có nhiều hơn một phòng ngủ
Hoàng tử bé có hẳn cả một tầng trong toà tháp Trump để thỏa sức bay bổng với trí tưởng tượng của mình. Đúng thế, thậm chí nếu việc này có làm nhà cửa bừa bộn. Cậu bé cũng được mẹ cho phép thỏa thích vẽ lên tường, bà Melania đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn:
“Trí tưởng tượng của con vẫn đang phát triển và đó là điều rất quan trọng. Barron được phép tự do vẽ lên tường trong phòng của con, chúng tôi có thể sơn lại tường sau”. Bà cũng cho rằng:“Nếu bạn luôn ngăn cấm một đứa trẻ thì sự sáng tạo sẽ không bao giờ xuất hiện”.
Hãy để con vấp ngã
Bà Melania cho rằng:“Tôi nghĩ việc cho con khoảng trống để phạm lỗi, từ đó rút ra bài học cho riêng mình là rất quan trọng. Những lần phạm lỗi sẽ giúp hình thành nên đôi cánh để sau này con có thể bay và tự đi trên con đường của mình”.
Nếu bạn để con tự vấp ngã và va chạm, con sẽ học được cách tự đứng dậy khi không có bố mẹ ở bên.
Một người mẹ biết lắng nghe
“Tôi nghĩ bí mật số 1 của việc làm mẹ là lắng nghe tốt”.Năm 2015, Melania chia sẻ: “Tôi lắng nghe những gì con nói, về những rắc rối con gặp phải hay những gì khiến con hứng thú. Để từ đó tôi có thể định hướng và giúp đỡ con. Tôi không bao giờ áp đặt suy nghĩ của mình lên con, tôi muốn con trở thành người mà con mong muốn…“
Bà cũng cho rằng bố mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến cá nhân của con: “Khi con nói không, tôi và chồng lắng nghe con và không cố để thay đổi con. Việc để con là chính bản thân mình là vô cùng quan trọng. Hãy là bạn với con, khi con gặp rắc rối con sẽ tìm đến bạn đầu tiên. Đừng cố thay đổi ý kiến của con”.
Nhiều người thường quan niệm rằng, con cái của những người giàu có và nổi tiếng chắc hẳn được sống trong nhung lụa, giàu sang và hưởng thụ nhàn hạ. Tuy nhiên, trên thực tế đa số những gia tộc nổi tiếng và thành công như gia đình nhà Trump, Hoàng gia Nhật Bản,… đều để con cái của họ học cách tự lập và tự chăm sóc bản thân mình ngay từ những khi còn rất nhỏ. Sau nhiều vấp ngã và biến cố, rất nhiều người nhận ra rằng cách nuôi dạy con cái tốt nhất chính là bậc làm cha làm mẹ cần tự hỏi chính bản thân rằng: Mình có đủ can đảm để buông tay cho con tự lớn và tự trưởng thành?
Xuân Dung