Nguồn tin của WSJ cho thấy việc Musk chi 44 tỷ USD thâu tóm Twitter không đơn thuần là hành động bộc phát của cá nhân ông mà có sự thôi thúc từ nhiều phía.
Mâu thuẫn kéo dài giữa Elon Musk và Twitter đi đến bước ngoặt quan trọng khi tỷ phú giàu nhất thế giới quyết định thâu tóm mạng xã hội.
Theo WSJ, Musk đã suy tính tới việc mua lại Twitter từ lâu. Dù vậy, trước khi ông đưa ra quyết định “mua sắm” chấn động, hàng loạt nhân vật khác nhau, bao gồm nhiều tỷ phú trong làng công nghệ đã tác động đến ông.
Là một doanh nhân nổi tiếng chăm chỉ hoạt động trên Twitter, từ lâu Musk tỏ ra khó chịu với việc quản lý và kiểm duyệt bài viết của mạng xã hội. Sau khi hội đồng quản trị của công ty này chấp nhận thương vụ trị giá 44 tỷ USD, người giàu nhất thế giới có thể định hướng hoạt động của Twitter theo tầm nhìn của riêng ông.
Musk từ chối trả lời phỏng vấn, do vậy không thể khẳng định quyết định táo bạo này xuất phát hoàn toàn từ ông hay bị ảnh hưởng từ lời khuyên của những người khác. Kế hoạch cho tương lai của Twitter cũng được giữ kín.
Thông qua tài khoản cá nhân, Musk chỉ tiết lộ rằng ông xem Twitter là “quảng trường của thời đại kỹ thuật số”, nơi mọi người tự do bày tỏ chính kiến của mình trước đám đông, không bị kiểm soát, miễn là tuân thủ pháp luật.
Lên kế hoạch thâu tóm
Từ tháng 1, khi cổ phiếu Twitter giảm xuống gần mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, Musk bắt đầu thu gom. Lượng cổ phần được giữ bí mật suốt nhiều tháng, nhưng mối quan tâm của ông đối với mạng xã hội này tăng lên và một số người đã nhận ra điều đó.
Một nhà đầu tư cho biết Musk bị kích động bởi cách các lãnh đạo Twitter đưa ra lý do kiểm duyệt nội dung. Họ đổ lỗi cho thuật toán, trong khi những nhân vật chính trị nghĩ rằng mạng xã hội này phân biệt đối xử đối với những tweet (tên gọi riêng của những bài viết trên Twitter) nhất định.
Vào tháng 3, Musk gọi điện cho Seth Dillon, CEO của Babylon Bee – một ấn phẩm thiên về cánh hữu, bị Twitter cấm sau khi đăng bài viết chế nhạo việc một quan chức chuyển giới được chọn là “Người đàn ông của năm”. Trong cuộc trao đổi này, Musk muốn Dillon xác nhận lại vụ việc, đồng thời bày tỏ suy nghĩ về việc mua lại Twitter.
Ngày 13/4, một ngày trước khi Elon Musk dự Hội nghị TED, cổ phần của ông tại Twitter được công khai. Hôm sau, ông tuyên bố đang tìm cách thâu tóm toàn bộ mạng xã hội này.
Sự ủng hộ từ nhiều phía
Theo WSJ, trước khi Elon Musk chính thức đề nghị mua lại toàn bộ Twitter, đã có nhiều tiếng nói từ phía sau tác động đến ông, bao gồm nhà sáng lập, cựu CEO Twitter Jack Dorsey.
Năm ngoái, dưới áp lực của Hội đồng quản trị, Dorsey đã rời bỏ chức vụ điều hành tại Twitter. Vị tỷ phú này đã “thì thầm vào tai” Musk rằng Twitter nên là một công ty tư nhân, nguồn tin của WSJ tiết lộ.
Trong một thời gian dài, Elon Musk và Jack Dorsey chia sẻ với nhau về quan điểm tự do ngôn luận trên Twitter. Ở sự kiện diễn ra vào đầu năm 2020, ngay trên sân khấu hội nghị, Jack Dorsey đã gọi điện cho Musk và phát trực tiếp cho cả khán phòng xem.
Hai tỷ phú thường xuyên tương tác với nhau trên Twitter và trao đổi riêng qua tin nhắn. Mối quan tâm chung của họ là tầm nhìn dài hạn cho Twitter cũng như mô hình hoạt động của công ty này.
“Elon là giải pháp duy nhất mà tôi tin tưởng”, Jack Dorsey tweet ngày 25/4, thời điểm Hội đồng quản trị Twitter chấp thuận thương vụ thâu tóm 44 tỷ USD. Ông cũng cho rằng Elon Musk sẽ định hướng đúng đắn cho tương lai của Twitter.
Các nhà hoạt động chính trị, xã hội, một số doanh nhân theo chủ nghĩa tự do cũng muốn Elon Musk thâu tóm Twitter.
Danh sách ủng hộ bao gồm thành viên của “PayPal mafia” – nhóm cựu lãnh đạo xuất thân từ PayPal gồm Elon Musk, nhà đầu tư Peter Thiel, doanh nhân David Sacks, chuyên gia đầu tư mạo hiểm Steve Jurvetson, người từng có chân trong hội đồng quản trị Tesla và cả em trai của người giàu nhất hành tinh, Kimbal Musk.
Nối dài niềm đam mê đối với Twitter
Với việc thâu tóm Twitter, Elon Musk có thể thoải mái hoạt động trên mạng xã hội này mà không lo sợ nguy cơ bị cấm. Trên thực tế, ông dường như có niềm đam mê với các bài viết ngắn và sự tương tác trên nền tảng.
Elon Musk lần đầu hoạt động trên Twitter vào tháng 6/2010. Mãi đến 18 tháng sau, tweet thứ 2 mới xuất hiện với nội dung về việc ông đến Iceland. Chỉ 30 người trả lời trong bài viết đó.
Đến 2015, tweet gần như là thói quen hàng ngày của CEO Tesla. Ông thường đăng bài viết vào giữa giờ làm. Khi đó, hãng xe điện còn chật vật trong việc tạo ra chiếc SUV đầu tiên.
Đôi khi ông tương tác với các nhân vật nổi tiếng, như nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos hay DJ Deadmau5. Nhưng hầu hết bài viết của ông dùng để cập nhật thông tin về thử nghiệm của Tesla và SpaceX.
Số lượng bài tweet của Elon Musk nhanh chóng tăng lên. Đến năm 2018, trung bình ông đăng 6 bài/ngày và siêng năng tương tác với những người ủng hộ hoặc phản đối mình. Thậm chí việc đăng tải thông tin tùy tiện lên Twitter còn khiến Musk gặp rắc rối về pháp lý.
Tháng 9/2018, Musk buộc phải từ bỏ chức vụ chủ tịch Tesla và nộp phạt 20 triệu USD để dàn xếp vụ kiện của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Ông bị cơ quan này cáo buộc đăng tải “những thông tin không đúng sự thật và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư” trên mạng xã hội Twitter.
Tuy nhiên, sau vụ việc đó, số lượng tweet của ông không những không giảm xuống mà còn tăng thêm. Đến năm 2020, trung bình Musk tweet 9 lần/ngày và gây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết với CEO Jack Dorsey.