Hopes Hick được nhiều người nhận xét là một nữ giám đốc truyền thông khác thường ở Nhà Trắng nhưng Tổng thống Trump luôn hết lòng tin tưởng cô.
Chỉ trong vòng 7 năm, Hope Hicks, 29 tuổi, từ một sinh viên mới tốt nghiệp, đã vươn lên trở thành giám đốc truyền thông Nhà Trắng. 5 năm trong khoảng thời gian này, cô làm việc cho gia đình Trump, gây dựng mối quan hệ vững chắc với nhà tài phiệt New York và giờ đây trở thành một trong những trợ lý đáng tin cậy nhất và phục vụ lâu nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo CNN.
Tuy nhiên, vai trò trợ lý cấp cao cho Tổng thống Trump đã khiến Hope Hicks bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller để ý. Cô sẽ bị các nhân viên điều tra dưới quyền Mueller thẩm vấn vào cuối tháng 11 như là một phần trong cuộc điều tra nhằm làm rõ liệu ban vận động tranh cử cho ông Trump có thông đồng với Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay không.
Hicks góp mặt xuyên suốt cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Cô là một trong những người đầu tiên được Trump thuê khi ông thành lập nhóm trợ lý nòng cốt, những người có nhiệm vụ giúp ông khởi động cuộc vận động tranh cử.
Từ đó đến khi Trump đắc cử, Hicks luôn hiện diện như hình với bóng bên cạnh ông. Cô tham dự gần như tất cả các cuộc gặp gỡ cử tri của Trump, đứng cạnh ông trong những cuộc phỏng vấn và luôn sẵn sàng gõ những dòng tweet gây chú ý theo chỉ đạo từ ông chủ.
Nữ giám đốc truyền thông khác thường
Hick không phải là một giám đốc truyền thông Nhà Trắng theo kiểu truyền thống. Cô chưa bao giờ tổ chức họp báo, cũng chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình để ca ngợi hay bảo vệ ông chủ của mình. Cô vẫn ngại trao đổi công khai với phóng viên và hầu như luôn thích phát biểu giấu tên hoặc thông báo qua email.
Nhưng giữa một bộ máy khác thường ở Nhà Trắng, Hicks chỉ cần một điều duy nhất: Trump tin tưởng cô và cô hiểu ông chủ mình. Mối quan hệ giữa cô với Tổng thống, được xây dựng dựa trên lòng trung thành, niềm tin và thời gian lâu dài, là yếu tố quan trọng đưa Hicks đến với chiếc ghế giám đốc truyền thông Nhà Trắng, theo các đồng nghiệp của cô.
Quyết định lựa chọn Hicks đánh dấu bước xoay chuyển 180 độ so với kế hoạch ban đầu của Nhà Trắng là đưa một nhà chiến lược đầy kinh nghiệm thuộc đảng Cộng hòa vào chiếc ghế giám đốc truyền thông Nhà Trắng.
Mike Dubke là một trong những chuyên gia truyền thông kỳ cựu trong đảng Cộng hòa. Nhiệm kỳ giám đốc truyền thông Nhà Trắng của ông đột ngột kết thúc chỉ sau 3 tháng bởi ông không xây dựng được mối quan hệ gần gũi với Tổng thống và không thể truyền một thông điệp nhất quán với những phát ngôn từ ông chủ Nhà Trắng.
Sau nhiều thất bại trong nỗ lực mời các nhà chiến lược Cộng hòa làm giám đốc truyền thông Nhà Trắng, Anthony Scaramucci, người đại diện cho Trump trên các chương trình truyền hình, được bổ nhiệm vào vị trí này nhưng rồi cũng bị sa thải chỉ trong vòng 10 ngày. Trump và các trợ lý thân cận của ông cuối cùng chọn Hicks.
“Còn ai có thể phù hợp hơn Hope Hicks để ngồi vào ghế giám đốc truyền thông?”, một quan chức Nhà Trắng lúc bấy giờ nói.
Sau khi Hicks được bổ nhiệm vào ghế nóng, các quan chức Nhà Trắng tiếp tục bị bất ngờ bởi những phát biểu hay dòng tweet ngẫu hứng từ Tổng thống Trump khi ông thay đổi các mục tiêu chính sách hay gây mâu thuẫn khi đưa ra những thông điệp thiếu nhất quán. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn phàn nàn về việc Nhà Trắng phối hợp quá lỏng lẻo trong nỗ lực thúc đẩy các ưu tiên chính sách.
Bộ phận truyền thông Nhà Trắng vẫn chưa thể cho thấy thông điệp chiến lược dài hạn cần thiết nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống.
Dù vậy, một vài quan chức Nhà Trắng cho rằng cách truyền tải thông điệp, các tuyên bố chính sách và những chiến lược truyền thông dài hạn từ Nhà Trắng đã được cải thiện đáng kể dưới sự lãnh đạo của Hicks.
“Mọi người đã đánh giá thấp trình độ cũng như kỹ năng truyền thông thực sự ở cô ấy”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nhận xét về Hicks. Sanders đồng thời lưu ý rằng năng lực của Hicks “vượt xa so với rất nhiều người cùng lứa với cô ấy”.
Tuy nhiên, một nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông chính trị không phải là điều mà Hicks mơ ước ngay từ ban đầu.
Cựu người mẫu, nhân viên PR
Hope Hicks trên trang bìa tiểu thuyết The It Girl. Ảnh: Bustle. |
Trước khi tham gia con đường chính trị, Hicks từng làm việc với tư cách người mẫu, xuất hiện trong một chiến dịch quảng cáo cho nhãn hiệu thời trang Ralph Lauren. Cô cũng thử sức với nghề diễn viên. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, Hicks đi sâu vào lĩnh vực quan hệ công chúng (PR).
Năm 2012, cô làm việc cho công ty truyền thông Hiltzik Strategies sau cuộc gặp với người sáng lập công ty Matthew Hiltzik tại một sự kiện trong khuôn khổ Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ. Paul Hicks, cha cô, đang giữ chức phó chủ tịch ban truyền thông và quan hệ công chúng của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) vào thời điểm đó.
Tại Hiltzik Strategies, nơi Hicks được ông chủ khen ngợi là “cần mẫn” và “siêng năng”, cô nhanh chóng tiếp quản những công việc mang đến cơ hội làm việc với nhiều khách hàng lớn của công ty, trong đó có Ivanka Trump, con gái ông Donald Trump.
Cả hai tâm đầu ý hợp trong công việc và đến năm 2014, Ivanka đã “cướp” Hicks khỏi Hiltzik Strategies để đưa tới Tháp Trump, làm việc cho tập đoàn Trump Organization và nhãn hiệu thời trang riêng của cô.
Không lâu sau, Hicks bắt đầu làm việc trực tiếp với Trump và điều này dẫn đến việc ông đề nghị cô gia nhập ban vận động tranh cử tổng thống của ông với tư cách thư ký báo chí.
“Ngài Trump nhìn tôi và nói: ‘Tôi đang suy nghĩ về việc ra tranh cử tổng thống và cô sẽ là thư ký báo chí của tôi'”, Hicks hồi năm ngoái kể lại với New York Times.
Dù vậy, nhiệm vụ của Hicks trong cuộc vận động tranh cử khác xa với công việc thư ký báo chí.
Hicks hỗ trợ nhà tài phiệt New York bằng cách đáp ứng các yêu cầu từ ông, bao gồm việc in các bài báo nói về Trump hay gõ những dòng tweet theo ý của ông. Chẳng hạn như khi Trump muốn kiểm tra lại số bang mà ông giành chiến thắng trong lúc đang trả lời phỏng vấn, Hicks luôn luôn có thể xác nhận nhanh chóng bằng các câu trả lời ngắn gọn như: “20 bang”, “Đúng, thưa ngài”.
Nơi hậu trường, các trợ lý cao cấp trong ban vận động tranh cử thường dựa vào Hicks để chuyển tải các tin xấu cho Trump, theo một cựu quan chức vận động tranh cử cấp cao của ông.
“Trump không bực dọc nếu tin xấu đó đến từ cô ấy”, người này cho biết.
Dù mềm mỏng và kín kẽ, Hicks vẫn dễ dàng truyền tải thái độ phản kháng của ông chủ tới báo chí bằng cách gửi email cho các phóng viên phàn nàn về những tin tức “không trung thực” mà họ đăng tải.
Nhờ kinh nghiệm trong quá trình vận động tranh cử, Hicks trở thành người am hiểu mọi mong muốn của ông chủ Nhà Trắng.
“Tôi nghĩ cô ấy luôn nắm rõ những điều mà ông ấy sẽ thích hay không thích và cả những điều hợp với quan điểm của ông ấy”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sanders nhận xét.
Lòng trung thành
Hope Hicks trao đổi với ông Trump trong chuyến vận động tranh cử ở Flint, bang Michigan, Mỹ, hồi tháng 9/2016. Ảnh: Reuters. |
Stephen Miller, cố vấn cao cấp kiêm trưởng nhóm viết diễn văn cho Tổng thống Trump, khen ngợi Hicks vì “lòng trung thành chẳng kém năng lực làm việc của cô” đối với ông chủ Nhà Trắng.
Lòng trung thành đó đã được thử thách và củng cố trong suốt 17 tháng vận động tranh cử với những tranh cãi không có hồi kết mà đỉnh điểm là vụ lùm xùm liên quan đến đoạn băng ghi âm ông Trump “khoe” về hành vi sàm sỡ phụ nữ.
“Cô ấy không đến đây để áp đặt một danh sách các mục tiêu chính sách đối với ông ấy và cô ấy cũng không phải là người gây chú ý hay cố tìm cách nâng hình ảnh của mình. Cô ấy thực sự có mặt ở đây chỉ vì cô ấy tin ở Tổng thống và muốn ông ấy thành công”, Sanders nói về Hicks.
Hicks đã học hỏi và áp dụng vào thực tế một cách tốt nhất quy tắc vàng để làm việc với ông chủ mà cô thường phổ biến cho các nhân sự mới ở Nhà Trắng, nhưng không phải ai cũng tiếp thu được.
Phương châm “Tất cả vì Trump” đã giúp Hicks trụ vững qua mọi đợt cải tổ đội ngũ nhân sự tại ban vận động tranh cử tổng thống và ở Nhà Trắng. Cô là một trong số ít các trợ lý sát cánh bên Trump ở tập đoàn Trump Organization, rồi theo sát mọi bước chân của ông trong hành trình tranh cử và tiếp tục vào Cánh Tây Nhà Trắng.
“Trước mọi bước ngoặt quan trọng, cô ấy đều có mặt”, Michael Zeldin, cựu công tố viên liên bang, người từng giữ vai trò trợ lý đặc biệt cho Mueller khi ông còn làm việc ở Bộ Tư pháp, nói.
Từ những nghi vấn về việc chiến dịch tranh cử của Trump thông đồng với người Nga cho đến việc ông sa thải Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền Sally Yates và Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey, Hicks đều có thể giúp làm rõ các tình tiết, Zeldin đánh giá.
Cuộc thẩm vấn sắp tới và bất kỳ vai trò nào sau đó của Hicks trong cuộc điều tra liên bang sẽ là bài sát hạch lớn nhất về lòng trung thành mà cô dành cho ông chủ Donald Trump, giới quan sát nhận định.