Còn hai tháng nữa người ta sẽ biết liệu khuynh hướng “tả phái” của giới trẻ Mỹ sẽ đi về đâu, rồi giới công nhân từng bầu cho ông Donald Trump sẽ bầu cho ai.
Ayana Pressley, một phụ nữ người da đen thắng cử vòng sơ bộ ở một khu vực bầu cử Tiểu bang Massachusetts. Bà sẽ đại diện đảng Dân chủ tranh ghế hạ nghị sĩ ở Quốc hội liên bang, và điều này rất có nhiều khả năng thành hiện thực vì đối thủ của Đảng Dân chủ ở tiểu bang này là Đảng Cộng hòa không mạnh bao nhiêu. Bà sẽ là người phụ nữ da màu đầu tiên đại diện tiểu bang này ở quốc hội.
Bỏ qua những chi tiết sắc tộc, và giới tính, việc thắng cử của Ayana Pressley trước đối thủ cùng đảng là ông Michael Capuano, còn là biểu hiện mới nhất của một phong trào trong lòng xã hội Mỹ nói chung và Đảng Dân chủ Mỹ nói riêng, đó là khuynh hướng tạm gọi là khuynh tả, hay cấp tiến, hay xã hội, … chủ yếu của giới trẻ Mỹ.
Trước thắng lợi của Ayana Pressley không lâu là chiến thắng của cô Alexandria Ocasio-Cortez, mới có 29 tuổi ở New York, người thuộc nhóm có tên gọi là Dân chủ xã hội của Đảng Dân chủ Mỹ. Cô Alexandria có quan điểm chính trị từa tựa như bà Ayana.
Hai chiến thắng này đều diễn ra trước những đối thủ có bề dày chính trị dày dặn của Đảng Dân chủ, làm cho giới quan sát đưa ra nhận định rằng Đảng Dân chủ ngày càng “khuynh tả” hơn.
Bà Ayana Pressley. Ảnh: NewYork Times |
Khuynh hướng “khuynh tả” này là gì? Đó là khuynh hướng muốn thiết lập những phúc lợi xã hội nhiều hơn như y tế, nhà ở,… cho đại đa số dân chúng. So với đối thủ là Đảng Cộng Hòa, Đảng Dân chủ, từ nhiều thập niên nay vốn đã mang tiếng là có khuynh hướng xã hội, ngược lại với quan điểm tân bảo thủ về kinh tế của đại đa số bên Đảng Cộng hòa, chủ trương không cho nhà nước can thiệp vào những hoạt động kinh tế, và thị trường tự do sẽ quyết định mọi thứ.
Nhưng nay giới trẻ của Đảng Dân chủ lại muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn khuynh hướng xã hội của đảng này. Thực ra thắng lợi của hai người phụ nữ kể trên không phải là điều ngạc nhiên nếu quan sát những đám đông cuồng nhiệt trẻ tuổi hồi năm 2016 ủng hộ ông Bernie Sanders, người cũng chủ trương có nhiều phúc lợi công cộng hơn thay vì cứ để cho những đồng tiền tư bản quyết định mọi thứ.
Tại sao lại có khuynh hướng này?
Đó là vì những người Mỹ trẻ tuổi đã quá chán ngán trước những chi phí bảo hiểm y tế, học hành ngày càng chồng chất, các tập đoàn tài phiệt dược phẩm, bảo hiểm, móc tay với nhau tạo nên một sức ép kinh khủng, làm cho cuộc sống của thế hệ trẻ ngày càng chông chênh, bất định hơn.
Nhưng thế hệ chính trị gia Dân chủ lại có cách tiếp cận vấn đề tiệm tiến hơn, họ lo ngại sự xáo trộn lớn trong xã hội nếu thực hiện những bước cải cách quá lớn như giới trẻ đòi hỏi. Một lý do khác nữa là họ cũng gắn kết mật thiết hơn với giới tài phiệt. Chính vậy mà người ta đã chứng kiến những ngón đòn dưới thắt lưng của Đảng Dân chủ nhằm loại ông Bernie Sanders ra khỏi cuộc bầu cử hồi năm 2016. Rồi sau đó, Đảng Dân chủ lại bầu ông Tom Perez làm thư ký, người có khuynh hướng cải cách chừng mực, thay vì ông Keith Ellison cấp tiến hơn.
Nhưng về phía Đảng Cộng hòa thì sao?
Từ lâu người ta hay nhìn đảng này gắn bó với giới nhà giàu, chứ không phải là đại diện cho giới lao động như Đảng Dân chủ.
Thực ra đây là một cái nhìn phiến diện. Cử tri của Đảng Cộng hòa là một phần dân chúng rất đông đảo ở nông thôn, nhất là ở các tiểu bang trong nội địa nước Mỹ. Sự phân chia cử tri của hai đảng chính trị lớn nhất nước Mỹ là một điều khá thú vị. Thoạt đầu, sau cuộc nội chiến, Đảng Dân chủ được xem như đại diện cho miền Nam, nông nghiệp, giới điền chủ, giới chủ nô lệ. Đảng Cộng hòa là từ miền Bắc đại diện cho nền công nghiệp phát triển ở vùng Đông Bắc đất nước. Nhưng qua thời gian, tích hợp với cuộc toàn cầu hóa đang diễn ra, Đảng Dân chủ lại gắn kết với hai bờ biển Đông Tây của nước Mỹ, đại diện cho giới thị dân, làm công nghiệp, dịch vụ, gắn với thế giới bên ngoài. Đảng Cộng hòa lại là của phần còn lại ở giữa, kém phát triển hơn, và không may là bị cuộc toàn cầu hóa bỏ rơi.
Thế nhưng thắng lợi của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump không hoàn toàn như vậy. Số cử tri quan trọng đã đưa ông vào Nhà Trắng lại chính là giới công nhân nhà máy, cử tri truyền thống của Đảng Dân chủ. Những người này, chủ yếu ở ba tiểu bang Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, tức giận vì thấy nhà máy bị chuyển ra nước ngoài, công ăn việc làm bị mất, bèn quay sang ủng hộ Donald Trump, một người cơ hội, lợi dụng được sự tức giận ấy, đưa ra những thông điệp mị dân và bài ngoại.
Vậy nhóm cử tri này khác nhóm cử tri trẻ tuổi có khuynh hướng xã hội đã đưa hai người phụ nữ Ayana và Alexandria ra chính trường ra sao?
Những người thợ này ít học hơn, suy nghĩ cụ thể và đơn giản hơn, họ chỉ cần công việc trước mắt, không quan tâm đến chính sách xã hội lâu dài. Trong khi giới trẻ có học thức hơn, mong muốn những định chế lâu dài, mang tính quan điểm nhiều hơn.
Nhưng nếu ta nhìn kỹ, thì đòi hỏi của hai nhóm người đông đảo này không khác nhau, họ cần những thiết chế xã hội an toàn hơn. Có vẻ như sau hàng trăm năm tận hưởng một không gian địa lý và xã hội rộng rãi, nước Mỹ có thể sẽ phải nhìn sang người anh già nua là châu Âu với những đảm bảo phúc lợi xã hội nhiều hơn, nhưng thuế má cũng nhiều hơn.
Còn hai tháng nữa người ta sẽ biết liệu khuynh hướng “tả phái” của giới trẻ Mỹ sẽ đi về đâu, rồi giới công nhân từng bầu cho Donald Trump sẽ bầu cho ai. Liệu nước Mỹ có giải quyết được sự phân cực nội bộ trong lòng mình hay không, giữa khuynh hướng vươn ra tiếp tục đi đầu trong cuộc toàn cầu hóa, hay thu mình lại vực dậy những người thợ, những người nông dân đang đuối sức. Cường quốc số một thế giới này như đang trải qua một cơn khủng hoảng của mô hình phát triển, tìm hướng đi mới. Nền dân trị Mỹ với chế độ bầu cử như lâu nay đã giúp nó vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng. Hãy chờ xem người dân Mỹ nói gì trong tháng 11 tới đây.
Joaquin Nguyễn, Virginia 8/9/2018