Việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 khiến dư luận xôn xao thời gian qua. Đặc biệt, khi một số nhân vật làm văn nghệ đã đẩy vấn đề đi xa, khi đặt ra câu hỏi: “Con đường xưa em đi là con đường nào”. Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại có cái nhìn cởi mở: “Mấy bài đó có sao đâu? Đừng thổi phồng quan điểm”.
Từ Phạm Duy đến “Con đường xưa”
Những người quan tâm đến tình hình âm nhạc nước nhà hẳn chưa quên cuộc trở về của cố nhạc sỹ Phạm Duy. Khi đó, nhà báo Nguyễn Lưu viết trên báo Đầu tư: “Không thể tung hô Phạm Duy”, ngay sau đêm nhạc “Ngày trở về” (diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TPHồ Chí Minh). Sau bài viết này, nhà báo Nguyễn Lưu vấp phải luồng phản ứng dữ dội của dư luận và đơn vị tổ chức biểu diễn đêm nhạc.
Trước quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 của Cục Nghệ thuật biểu diễn đang nóng dư luận hiện nay, nhà báo Nguyễn Lưu lên tiếng: “Riêng đối với 5 ca khúc trên (Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Con đường xưa em đi- PV) tôi thấy có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng. “Con đường xưa anh đi” là con đường nào?”. Ông thể hiện lo lắng: “Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng hay không, hay cái kia mới đúng”.
Trao đổi điều này với Họa sỹ Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với tư cách nghệ sỹ, ông cho rằng: “Bác Nguyễn Lưu hơi quá quan điểm. Nếu theo quan điểm như vậy thì bài nào cũng luận được”. Ông Vương Duy Biên cũng “khai”: “Ngày xưa tôi cũng hát mãi mấy bài này”. Đó là lời nói thật, những thế hệ 7x, đầu 8x trở về trước mấy ai lại không từng ngân nga: “Con đường xưa em đi/Vàng lên mái tóc thề…”
Ngoài tác giả Nguyễn Lưu, còn một cái tên nữa được nhắc đến nhiều trong những ngày qua: Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha. Ông Nguyễn Thụy Kha nói: Việc tạm dừng 5 ca khúc trên là đúng và dễ hiểu. “Đó là những ca khúc ca ngợi người lính trong chế độ trước năm 1975 – chế độ đã không còn hiện diện. Bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có những chính sách, những biện pháp và công cụ để bảo vệ sự tồn tại của mình”. Đồng thời ông khẳng định, tạm dừng 5 ca khúc chẳng thiệt thòi gì cho nền nghệ thuật. “Bolero có hàng nghìn ca khúc, phần lớn đều khá giống nhau (…). Các nghệ sỹ không hát bài này thì hát bài khác, không có vấn đề gì ở đây cả”. Không biết cộng đồng những người yêu nhạc bolero nghĩ sao trước phát biểu của nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha?
Cứ “thổi phồng”, thì sao?
Văn học nghệ thuật Việt đã trải qua nhiều cuộc “vặn mình” để trả lại giá trị cho tác phẩm, tên tuổi cho tác giả. Tuy có những năm tháng “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” khi đất nước đang chìm trong màn đêm nhưng sau này những thi sĩ như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… vẫn được tôn vinh, những tác phẩm sáng tác trước 1945 của họ vẫn được ghi nhận. Hay như tên tuổi Lê Đạt vẫn tung bay trong ngày thơ Việt Nam… Rồi Trịnh Công Sơn cũng được nhìn nhận lại. Nếu không có cái “nhìn thoáng” thì nhiều ca khúc của Trịnh khó có thể được vang lên.
Nếu cứ đào sâu vào những câu hỏi: “Con đường xưa là con đường nào?”, “Chiến trường xưa là chiến trường nào?”, sẽ nhiều tác giả, nhiều tác phẩm có giá trị bị tổn thương. Thực ra, khán giả đôi khi không quá kỹ tính, không hay soi như một số người nghĩ. Cụ thể, bài thơ “Hãy để mùa hè yên nghỉ” của Hoàng Hưng sau này được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát “Mùa hạ còn đâu”, có hoàn cảnh sáng tác được tác giả chia sẻ: Đây là bài thơ tác giả viết ở Hải Phòng, vào năm 1970 hay 1971 gì đó. Tác phẩm diễn tả sự vỡ mộng về những gì được dạy dỗ trong nhà trường với thực tế cuộc sống của người lao động đất Cảng. Nhưng những người thưởng thức thì coi đây là một bài thơ, một bài hát về sự ra đi của một cuộc tình say đắm: “Sao em còn mang áo mỏng/Có còn mùa hạ nữa đâu/Sao em làm lòng ta đau/Nhớ ngọn lửa hè đã tắt”. Nhưng tác giả bài thơ cũng không trách khi khán giả nhận thức đây là bài thơ “thất tình”. Vì thế, bao thế hệ người yêu nhạc đã hát “Con đường xưa em đi” và không băn khoăn “Con đường xưa là con đường nào?” thì các nhạc sỹ, các nhà nghiên cứu thời nay cũng cần gì phải mất công? Về chuyện này, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng bày tỏ: “Nếu suy diễn thế thì cái gì cũng suy diễn được. Nhiều khi người ta rất muốn về Việt Nam cũng ái ngại. Chúng ta nên cởi mở, không quên quá khứ nhưng không thù dai, vẫn giữ lập trường, quan điểm, nhớ những gì cần nhớ nhưng nên đại lượng mới thu hút được tài năng về Việt Nam”.
Đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chính thức khẳng định: Những tác phẩm tạm dừng lưu hành, Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ-Hồ Đình Phương) không có vấn đề về nội dung tư tưởng. Lý do tạm dừng lưu hành 5 ca khúc được đưa ra rõ ràng: Vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Những bài hát đã bị thay đổi lời: “Cánh thiệp đầu xuân”; “Rừng xưa”; “Chuyện buồn ngày xuân”; “Con đường xưa em đi”. Tác phẩm sai tên tác giả: “Đừng gọi anh bằng chú”.
Trong khi ở trong nước một số nhà nghiên cứu loay hoay đi tìm “Con đường xưa là con đường nào?”, trong lúc chờ Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ca khúc và tác giả về đúng người, đúng chốn thì Thúy Nga – Paris By Night ở hải ngoại đã kịp thời tung “Con đường xưa em đi” qua tiếng hát Như Quỳnh – Trường Vũ lên Youtube kiếm lời. Có độc giả bình luận: “Chỉ có Thúy Nga- Paris hoan hỉ với “cuộc” này”.
Nông Hồng Diệu/Tiền Phong