Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận tình trạng bất đồng trong NATO về cách họ sẽ phản ứng với một cuộc “xâm phạm nhỏ” của Nga vào Ukraine đang gây náo động ở Kiev.
Trong cuộc họp báo đánh dấu kỷ niệm một năm nhậm chức vào hôm 19/1, Tổng thống Biden tuyên bố: “Nếu chỉ xảy ra một cuộc xâm phạm nhỏ (ở Ukraine), chúng ta sẽ phải đấu tranh để cân nhắc việc phải làm gì và không làm gì”.
“Nhưng nếu họ (Nga) thực sự làm điều họ có thể hành động với đông đảo lực lượng tập trung ở biên giới, Moscow sẽ hứng thảm họa nếu tấn công Ukraine”, ông Biden nói.
Sau đó, khi được đề nghị làm rõ ý “một cuộc xâm phạm nhỏ”, ông Biden cho biết đã vạch ra ranh giới khi “các lực lượng Nga vượt qua biên giới, tấn công binh lính Ukraine”.
“Có sự khác biệt trong NATO về những gì các quốc gia sẵn sàng hành động, phụ thuộc vào điều xảy ra”, ông nói thêm.
Việc Tổng thống Biden ám chỉ rằng Washington và đồng minh có thể không phản ứng mạnh nếu Moscow tiến hành một cuộc “xâm phạm nhỏ” vào Ukraine khiến giới chức Ukraine lo lắng.
Một số quan chức và nhà quan sát cho rằng những nhận xét thẳng thắn của ông Biden đã làm sáng tỏ một sự thật khó chịu vào một thời điểm nguy hiểm.
“Điều đó sẽ bật đèn xanh đến ông Putin tiến vào Ukraine theo ý mình. Kiev rất choáng váng”, một quan chức Ukraine nói với CNN.
Sự thật “khó chịu”
Nhà Trắng sau đó cố gắng giải thích phát biểu của ông Biden bằng cách nói đến những cáo buộc Nga tấn công mạng hoặc sử dụng lực lượng bán quân sự – những hành động ít gây hấn hơn – để làm rõ sự khác biệt với việc Nga đưa quân vào Ukraine.
Ông Biden cũng đã đính chính phát ngôn của mình. “Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng bất kì đơn vị nào của Nga di chuyển qua biên giới Ukraine thì đó cũng là một cuộc tấn công” và sẽ có hành động đáp trả, ông nói.
“Đó một sự thật mà không cần không cần phải nói rõ”, một nhà ngoại giao NATO chia sẻ với CNN hôm 20/1. “Không phải người Nga không biết rằng một cuộc tấn công mạng chống lại Ukraine sẽ không gây ra phản ứng toàn diện”.
Vấn đề đáng lo ngại là việc ông Biden công khai chỉ ra điều này có thể giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin “bật đèn xanh” để làm tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia nước ngoài cho rằng bình luận của tổng thống Mỹ cũng là sự thừa nhận về một thực tế khắc nghiệt: Khi căng thẳng leo thang ở biên giới Ukraine, không phải tất cả thành viên NATO đều có chung suy nghĩ.
Nhà ngoại giao NATO cho biết các thành viên khối này đang “thiếu sự rõ ràng”, khi vẫn chưa quyết định được sẽ đưa ra phản ứng cụ thể như thế nào trước các hành động của Nga.
“(Các nước) vẫn chưa xác định được vị trí của họ”, người này giải thích.
Sự mất đoàn kết của châu Âu có thể được nhìn thấy vào đầu tuần này, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Nghị viện châu Âu nên tìm cách đồng ý một thỏa thuận an ninh mới với Nga và bắt đầu đối thoại với Điện Kremlin.
Ông Macron từ lâu đã ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) tăng cường năng lực an ninh, quốc phòng và dẫn đầu các cuộc kêu gọi thành lập quân đội châu Âu thường trực. Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia thành viên EU cũng có những ý kiến chia rẽ về vấn đề này.
Nhiều nước nghi ngại việc này có thể làm suy yếu NATO – liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu làm nền tảng cho an ninh châu Âu.
“Ông Macron có một phẩm chất ‘tai tiếng’ là thường suy nghĩ quá khác biệt và đưa ra những ý tưởng xa rời hiện thực. Đề xuất khởi động cuộc đối thoại giữa EU và Nga là một trong số đó”, Riho Terras, một cựu chỉ huy quân đội Estonia, nói.
Alexander Stubb, cựu Thủ tướng Phần Lan – một quốc gia khác có chung đường biên giới với Nga – nói rằng mặc dù “tăng cường phòng thủ châu Âu chắc chắn sẽ giúp ích ở một khía cạnh nào đó, nhưng lặp lại những gì NATO đã và đang làm không phải điều nước này quan tâm”.
Tác động đến tình hình Ukraine
Ngay sau khi bình luận của ông Biden được đưa ra, các đồng minh của Washington đã phải tìm cách “chữa cháy”.
Hôm 20/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết phát ngôn về phản ứng của Mỹ và đồng minh khi Nga tiến hành một “cuộc xâm phạm nhỏ” vào Ukraine của ông Biden không phải là bật đèn xanh cho Moscow thực hiện hành vi này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói nếu Nga tiến hành bất kỳ hình thức, quy mô tấn công nào vào Ukraine thì đó sẽ là một thảm họa, không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát biểu trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock giữa chuyến thăm Berlin rằng: “Dù Nga chọn con đường nào đi chăng nữa thì Moscow cũng sẽ thấy Mỹ, Đức và các đồng minh của chúng ta đoàn kết”.
“Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Nga thực hiện các bước giảm căng thẳng. Bất kỳ hành vi gây hấn hoặc tấn công nào đi chăng nữa cũng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, bà Baerbock cũng cho biết.
Những lời nói của ông Biden sẽ có tác động như thế nào đến vấn đề Ukraine? Trong bối cảnh tình hình khó đoán như hiện nay, các chuyên gia dường như cũng đang bị chia rẽ trước câu hỏi này.
Ông Terras nói rằng việc Nga tiến xa hơn ở Ukraine không phải là điều mà phương Tây nên khoan nhượng. Ông cũng nhận định những bình luận của Tổng thống Biden có thể “chỉ đơn giản là cho ông Putin một bậc thang để xuống và tiến hành một ‘cuộc xâm lược nhỏ’ theo định nghĩa (của riêng ông ấy)”.
Trong khi đó, Velina Tchakarova, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách an ninh và châu Âu của Áo, tin rằng những bình luận của ông Biden sẽ có “tác động tâm lý đối với các đồng minh NATO ở châu Âu cũng như Ukraine”.
Tuy nhiên, tuyên bố này có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của ông Putin vì “Moscow đã quen với ngôn ngữ ngoại giao của các quan chức phương Tây và không coi đó có giá trị thực sự”.
Keir Giles, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) nhận định tuyên bố của ông Biden có thể gây ra sự khó hiểu, “khiến bộ máy chính phủ Nga gặp khó khăn để sắp xếp các thông điệp nhiều chiều từ phía Washington”.
Nhìn chung, hầu hết quan chức EU nói chuyện với CNN đều không nghĩ rằng bình luận của ông Biden sẽ thúc đẩy một sự leo thang lớn từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, điều mà họ khó chịu là cách tổng thống Mỹ đang thẳng thừng tiết lộ sự mất đoàn kết về an ninh của châu Âu.