“Trong gần một năm tính đến nay, người Mỹ không thấy chiến lược nào từ chính quyền liên bang, chưa nói đến một cách tiếp cận toàn diện để phản ứng với COVID-19. Với Tổng thống Biden nhậm chức ngày hôm nay, mọi thứ thay đổi”, Hãng tin AFP ngày 21-1 dẫn lời ông Jeff Zients, điều phối viên lực lượng chống COVID-19 của ông Biden, nói.
Các quan chức cho biết ông Biden sẽ nhanh chóng ký 10 sắc lệnh để khởi động chiến lược.
Theo đó, kế hoạch của ông Biden đặt ra các mục tiêu khôi phục niềm tin của người Mỹ như thúc đẩy chiến dịch tiêm ngừa, ngăn sự lây lan của virus thông qua các biện pháp đeo khẩu trang, xét nghiệm, trong khi củng cố lực lượng y tế.
Trước khi nhậm chức, ông Biden đã cam kết sẽ cung cấp 100 triệu liều vắc xin COVID-19 trong 100 ngày đầu cầm quyền.
Kế hoạch cũng sẽ mở rộng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, mở lại trường học, doanh nghiệp và du lịch, bảo vệ những người dễ bị tổn thương, bình đẳng sắc tộc và khôi phục sự dẫn đầu của Mỹ trong việc chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.
Chính quyền ông Biden đang kỳ vọng Quốc hội Mỹ phê chuẩn 1.900 tỉ USD cho các kế hoạch chống dịch, trong đó 20 tỉ USD sẽ dành cho vắc xin và 50 tỉ USD cho việc xét nghiệm.
Nhìn chung, chiến lược này hướng đến cách tiếp cận được phối hợp chặt chẽ hơn so với cách tiếp cận của chính quyền ông Trump, vốn bỏ qua các cơ quan chủ chốt như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), ngăn đề xuất của các nhà khoa học nổi tiếng và cho rằng mỗi quốc gia cần có biện pháp chống dịch của riêng mình.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1, ông Biden đã thể hiện rõ ưu tiên chống dịch khi ký hàng loạt sắc lệnh, trong đó bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang trong các cơ quan liên bang và dừng việc rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo Hãng tin Reuters, tổng thống Mỹ dự kiến sẽ ký thêm các sắc lệnh như yêu cầu đeo khẩu trang ở sân bay và trên một số phương tiện công cộng như máy bay, tàu điện, xe buýt.
Trong diễn biến khác, nhà dịch tễ học Anthony Fauci, người được chỉ định làm cố vấn y tế trưởng của ông Biden, ca ngợi nỗ lực chống dịch của WHO, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục là thành viên của tổ chức này.
“Trong những hoàn cảnh khó khăn, tổ chức này đã tập hợp cộng đồng khoa học, nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy vắc xin, các liệu pháp và chẩn đoán”, ông Fauci nói, đánh giá WHO đã “làm việc không ngừng với các quốc gia trong cuộc chiến chống lại COVID-19”.