Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm vụ án ly hôn của ‘vua’ cà phê Trung Nguyên.
Theo đó, phiên giám đốc thẩm vụ ly hôn “ngàn tỉ” này được mở do có kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao.
Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã có nhiều vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.
Cụ thể, về quan hệ hôn nhân, bà Thảo kháng cáo, muốn được đoàn tụ với ông Vũ nhưng ông Vũ không đồng ý. Do đó, bà Thảo và ông Vũ không còn là thuận tình ly hôn. Tòa án cấp phúc thẩm vẫn công nhận thuận tình ly hôn là không đúng.
Tòa án không tiến hành định giá mà sử dụng kết quả thẩm định giá và giá các bất động sản do các bên thống nhất để giải quyết vụ án là không bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự; nhiều báo cáo tài chính năm của các công ty không được kiểm toán; chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên…
Đặc biệt, về vấn đề chia tài sản, Viện KSND tối cao cho rằng tuyên giao cho bà Thảo quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất tại 7 bất động sản là không đúng mà phải giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng mới đúng theo quy định của pháp luật.
Bởi dù bà Thảo sang Úc kinh doanh và được Chính phủ Úc cấp thị thực định cư thì bà vẫn là người Việt Nam nên bà Thảo vẫn có quyền quản lý, sử dụng, sở hữu đối với 7 bất động sản nêu trên.
Về cổ phần các công ty, Viện KSND cho rằng đây là tài sản chia được bằng hiện vật. Tòa án chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tòa án hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho ông Vũ phần nhiều hơn, chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo.
Về tài sản là tiền, vàng gửi ngân hàng, đại diện của ông Vũ xác định tổng số tiền yêu cầu phản tố là 1.764 tỉ đồng. Tuy nhiên, tòa án không yêu cầu bị đơn cung cấp căn cứ để tính ra số tiền trên mà đã công nhận số tiền do bị đơn khai tại phiên tòa là chưa có căn cứ vững chắc.
Theo yêu cầu của ông Vũ, tòa án đã có công văn yêu cầu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam cung cấp số dư trong 23 tài khoản mang tên bà Thảo tại ngân hàng này. Trong 23 tài khoản ở ngân hàng trên thì có 6 tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn (anh bà Thảo) nhưng tòa án lại xác định số tiền trong 6 tài khoản này là tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo là chưa có cơ sở.
Ngoài ra, tòa án hai cấp giao cho bà Thảo được sở hữu khối tài sản tiền, vàng, các loại ngoại tệ hiện nay nằm trong ngân hàng quy đổi thành tiền là 1.764 tỉ đồng tại các ngân hàng trong khi kết quả xác minh tại thời điểm xét xử số dư chỉ còn 1 tỉ đồng là chưa chính xác, không đúng với số tiền thực có gửi tại ngân hàng, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Sau đó, ông Vũ có đơn đề nghị rút yêu cầu chia 70 tỉ trong 1 tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn. Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, căn cứ vào sự định đoạt của đương sự, TAND tối cao đã sửa một phần bản án theo hướng chấp nhận yêu cầu này của ông Vũ. Các quyết định khác của bản án được giữ nguyên.
Ngày 5-12-2019, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao cho bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỉ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Về tài sản là bất động sản, HĐXX tuyên chia đôi, ông Vũ được nhận 6 bất động sản, bà Thảo nhận 7 bất động sản và “thối” lại cho ông Vũ tiền chênh lệch.
Về tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền Việt trị giá 2.000 tỉ đồng trong các ngân hàng, HĐXX tuyên chia 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%.
Về tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%. Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và “thối” tiền lại cho bà Thảo.