Trong quá khứ, vinh quang ông đã gặt hái, còn tương lai, vinh quang ông phải tiếp tục gieo trồng.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”user” userValue=”nguyenbathanhchannel” resultsPerPage=”5″ theme=”phim”]
Một sự ngẫu nhiên nhưng ý nghĩa. Khi câu chuyện công chức 100 triệu được chính Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực đưa ra tại cuộc họp của HĐND Tp., còn đang khiến cả xã hội bàn luận xôn xao, vì người ta muốn xem ai là kẻ được… hưởng 100 triệu đó; thì cái tin ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND Tp. Đà Nẵng có quyết định “ra Ba Đình” làm Trưởng ban Nội chính TƯ, còn khiến xã hội xôn xao gấp bội.
Vì ông là quan chức nổi tiếng bạo tay, bạo làm, được cử ra điều hành ở một cơ quan tham mưu cho TƯ về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Lại vào giữa lúc tham nhũng đang dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
Liệu vỏ quýt dày, có móng tay nhọn?
“Các khanh dứt hết cánh chuồn, vứt xuống!”
Cái vỏ quýt dày- tham nhũng thì…ăn dày lắm, bất cứ cái gì. Từ sắt thép như con tàu Vinanat đến bê tông các công trình xây dựng, thủy điện, đến cái ghế gỗ có chút quyền lực…
Ngày 3/1/ Báo GDVN có bài viết Hé lộ manh mối vụ “chạy công chức 100 triệu“ tại Hà Nội. Đây có thể coi là kết quả đầu tiên của việc Hà Nội quyết tâm thanh tra vụ “chạy công chức” sau phát biểu gây sốc của ông Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy, sau những “hờn dỗi”, “ngạc nhiên” của nhiều quan chức Hà Nội, cho rằng đó là chuyện của ai ai, trừ … mình!
Theo đó, Huyện ủy Ứng Hòa kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD- ĐT và ông Nguyễn Đức Bình, nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện, do hai ông này liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi tuyển công chức năm 2012. Ông Đỗ Ngọc Anh còn bị giáng chức từ Trưởng phòng GD- ĐT xuống Phó phòng. Ông Nguyễn Đức Bình đã “được” điều chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, trước đó hai tháng.
Nhưng đọc tiếp, mới thấy tưởng hé lộ mà chẳng hé lộ cái chi. Vì theo ông Trần Văn Hiền, Chánh Văn phòng UBND huyện, mọi việc vẫn trong quá trình thanh tra, không thể khẳng định được hai ông này có nhận tiền hay không? Số tiền có là 100 triệu đồng hay nhiều hơn thế? vv…và vv…
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó CT Hội Luật gia TPHCM, việc nhận tiền để nâng điểm thi hoặc duyệt đỗ công chức phải bị xử lý hình sự. Nếu có đủ cơ sở, cơ quan thanh tra phải chuyển hồ sơ sang Công an Tp. Hà Nội để xử lý tiếp mới đúng quy trình.
Việc UBND huyện Ứng Hòa điều chuyển công tác cán bộ đang vi phạm, ở đây là ông Nguyễn Đức Bình, là không đúng với Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cho dù, huyện Ứng Hòa đang hành động tỏ ra tích cực, theo kiểu mất bò lo làm chuồng, nhưng thực tế, câu chuyện công chức 100 triệu (mà nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng đó chỉ là “giá sàn”- thực tế lớn hơn rất nhiều), có phải chỉ là của một vài cá nhân đang bị nghi ngờ ở huyện này? Hay nó mang tính phổ biến, lớn hơn rất nhiều? Nó ở tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi cấp? Nó chỉ là thưa các đồng chí bị lộ và các đồng chí chưa bị lộ?
Câu chuyện chạy công chức 100 triệu nóng ran các mặt báo thời gian qua. Ảnh: Tuổi trẻ |
Tại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân vụ việc, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH nói rằng, cách đây hơn năm năm, có dịp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội trao đổi công chuyện với ông. Vị quan chức cấp cao về công tác Đảng của Tp. đặc biệt quan tâm và quyết tâm chống lại nạn tham nhũng đang tràn lan ở các cấp của Hà Nội. Vậy mà, đến nay sau năm năm, không những không ngăn chặn được mà (tham nhũng) lại càng nghiêm trọng hơn.
Thế nên, đánh giá của dư luận xã hội với hành động của huyện Ứng Hòa- bắt cóc bỏ đĩa không phải không có lý. Bởi người dân quá hoài nghi, thất vọng trước các giải pháp chống tham nhũng lâu nay không có hiệu quả? Bởi có thểhai đồng chí bị lộ nêu trên sẽ hy sinh, nhưng vẫn sẽ có nhiều đồng chí chưa bị lộ khác nhởn nhơ, và…sống khỏe?
Ở một góc độ giải pháp khác, Ts Đỗ Xuân Trường, tác giả bài viết Có nên truy tìm bằng chứng “chạy việc” (Tuần Việt Nam, ngày 5/1) lại có quan điểm khác hẳn.
Dẫn chứng câu chuyện chống tiêu cực- sinh viên “chạy tiền” cho giảng viên- ở một trường ĐH, tác giả cho rằng không nên truy tìm bằng chứng nữa. Mà lãnh đạo TP nên dũng cảm thừa nhận sự tồn tại của hiện tượng “chạy việc”.Tiếp theo, những người liên quan cần được quán triệt một cách rõ ràng về hành vi sai trái và hậu quả của hành vi này.
Đọc bài, bỗng nhớ tới giai thoại một vị vua, được lưu truyền trong dân gian xưa nay: Trong một buổi chầu, do nến tắt, tối om, một ông quan lợi dụng bóng tối, sàm sỡ vị thiếp yêu của vua. Nàng thiếp nhanh trí dứt được một cánh chuồn (1) chiếc mũ, coi là “bằng chứng” để tâu vua trị tội. Rất bất ngờ, vua hạ lệnh: Các khanh, dứt hết cánh chuồn, vứt xuống! Nến thắp sáng, ông quan nảo cũng như quan nào…
Nàng thiếp yêu của vua ngơ ngác. Các quan cũng ngơ ngác. Chỉ người đời sau nghe chuyện, ngợi khen cái “đức trị” của vị vua nọ, biết vì việc lớn của triều đình, xã tắc, mà bỏ qua những tiểu tiết, những thói xấu của thuộc hạ. Bởi biết đâu, cái ông quan “quấy rối tình dục” kia là một tài năng, một người tài giỏi của triều đình thì sao?
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Bài học về “đức trị” nói trên của trường ĐH nọ, và của vị vua anh minh kia thật nhân bản. Nhưng một xã hội rộng lớn với gần 90 triệu dân, không phải là một công đường chỉ có ông vua với vài chục vị quan. Cũng không phải là một trường ĐH chỉ có vài chục ngàn sinh viên, giảng viên.
Hơn nữa, xã hội chúng ta, đang sống ở thời “pháp trị”, hội nhập thế giới hiện đại, với ý nghĩa mọi công dân đều phải Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Quy mô của hiện tượng “chạy ghế”, rộng lớn và… lươn lẹo, tác hại nguy hiểm và khôn lường hơn nhiều cách “chạy thi” của một số sinh viên trong một trường ĐH. Và cũng muôn vàn tồi tệ hơn nhiều cách “quấy rối tình dục” của ông quan nọ.
“Đức trị” rất nhân bản, nhưng nó sẽ chỉ có hiệu quả khi đặt trên một nền tảng “pháp trị” thực sự khoa học, được tôn trọng, và phù hợp với quy luật phát triển của thực tiễn.
Thông tin mới nhất trên Vnexpress, ngày 9/1 cho biết, huyện Ứng Hòa đã xác minh được 12 cán bộ là trưởng, phó phòng GD- ĐT, phòng Nội vụ, chuyên viên ban tổ chức. hiệu trưởng, hiệu phó các trường có liên quan đến vụ gian lận thi tuyển công chức nói trên. Thế nhưng, tất cả cái “dây” đó đều vẫn ở mức độ vi phạm quy chế thi. Còn câu chuyện 100 triệu vẫn… bí ẩn.
Bí ẩn như một cánh chuồn bị giật mất trên chiếc mũ vị quan nọ trong câu chuyện dân gian xưa.
100 triệu không lớn so với hàng nghìn tỷ đồng bị thất thoát ở các Vinakhủng. Nhưng nó rất lớn bởi mọi hệ lụy bất ổn về niềm tin, sự coi thường luật pháp và các thang bậc giá trị, từ 100 triệu này mà kéo theo… Và cũng bởi nếu không tìm ra, thì liệu phát biểu thẳng thắn của ông Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy có còn giá trị?
Liệu Hà Nội có quyết tâm đi tiếp, để tìm ra kẻ đã hưởng 100 triệu? Hay đến lúc nào đó, vì “đức trị” nhân ái, vì dĩ hòa, mà t/p cũng sẽ học giai thoại của dân gian:Các khanh, hãy dứt hết cánh chuồn, vứt xuống!
Nguyễn Bá Thanh- tiếng thanh, tiếng… “đục”
Hiếm có một quan chức cấp cao nào như ông Nguyễn Bá Thanh, khi có quyết định nhận chức vụ mới, lại gây bàn luận ồn ào đến vậy. Hàng trăm bài viết trên các trang báo, trang mạng, trong nước và cả nước ngoài, khen chê, bình luận, công bằng và cả sự thái quá.
Bởi ông là người quá nổi tiếng từ những việc làm quyết đoán, táo bạo, không giống đâu. Thành phố biển Đà Nẵng năm nào còn rất mờ nhạt, bỗng nhiên trở thành “thành phố đáng sống” như nhận xét của nhiều khách du lịch. Với “dấu ấn”- thành phố năm không, ba có. Đó là: Không có người đói, người mù chữ, người lang thang xin ăn, người nghiện ma túy, và cướp của giết người. Đó là có văn hóa văn minh đô thị, có nhà ở, và có việc làm.
Đương nhiên, tiếng thanh có, thì tiếng… “đục” cũng có.
Đà Nẵng từng khiến xã hội tranh luận gay gắt về chủ trương cấm người lang thang xin ăn, không tuyển dụng người có bằng tại chức, rồi xiết chặt người nhập cư vào đô thị, thậm chí có cả những chuyện thị phi…
Nổi bật nhất ở con người ông là cái “chất lửa” của người lãnh đạo, có cái gốc nông dân xứ Quảng, chân chất, lam làm, quen hành động, đã nói là mần. Ngay trước khi “ra Ba Đình” lãnh nhiệm vụ mới, nói chuyện với Công an Tp. Đà Nẵng, ông vẫn nhắc lại:
CSGT làm việc vất vả, chịu nắng mưa gió rét thì Tp. đã hỗ trợ. Còn sai phạm phải xử lý nghiêm. Phát hiện anh nào mãi lộ là tước quân tịch, trả về địa phương ngay, không xem xét nâng lên đặt xuống gì hết… Tôi còn giữ bản cam kết của các đồng chí CSGT, ra Hà Nội tôi cũng mang theo, nghe có việc chi là tôi bay vô lại…
Ông Nguyễn Bá Thanh (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng |
Mới đây, phát biểu trước Hội nghị “Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước” tại Đà Nẵng, trước hiện tượng một số ngân hàng định giá đất cao hơn rất nhiều giá trị thực, để khách hàng được vay nhiều tiền hơn, đương nhiên lãi suất ngân hàng hưởng cao hơn, ông thẳng thừng:
Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái (của lĩnh vực ngân hàng), cho “hốt liền”, không nói nhiều. (Các) ổng quá trời lãi nhưng vẫn cố tình làm như thế để kiếm chác.
Thật đúng phong cách và khẩu khí Nguyễn Bá Thanh.
Nhưng cái “chất lửa” ấy liệu có nồng đượm mãi? Hay sẽ nguội tàn, trước những thách thức mới, vô hình và siêu hình?
Khi mà ở Đà Nẵng, ông là quan đầu tỉnh- là lãnh đạo cao nhất của một Tp., một địa phương cụ thể trong tầm quan sát của ông.
Còn làm Trưởng ban Nội chính TƯ, “mảnh đất” ông hoạt động vừa ảo, vừa rất rộng, bao quát công việc nội chính cả 64 tỉnh, thành, miền ngược miền xuôi, đồng bằng đô thị, vừa mới, vừa lạ.
Lãnh đạo Đà Nẵng, ông có toàn quyền quyết đoán, hành động cùng là tự chịu trách nhiệm. Vị thế ấy, nó hợp với “tạng” người năng động, dám nghĩ dám mần của ông.
Còn lãnh đạo một cơ quan TƯ, thực chất là tham mưu cho cấp trên các chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Vị thế mới đòi hỏi ông công việc của một quân sư, tư vấn, tham mưu mềm dẻo, những tố chất mà phải từ thực tiễn, ông sẽ thấy, mình có đủ hay còn …thiếu?
Lãnh đạo Đà Nẵng, ông có quyền cách chức một quan chức dưới quyền nếu phát hiện thấy kẻ đó tham nhũng.
Còn làm tham mưu, ông chỉ có quyền… mưu, mà kẻ tham rất có thể vẫn xênh sang mũ áo, hàng hàng gấm thêu.
Trong quá khứ, vinh quang ông đã gặt hái, còn tương lai, vinh quang ông phải tiếp tục gieo trồng.
Nhưng gieo trồng hạt giống phòng, chống tham nhũng, liệu ông sẽ gặt hái hay thất bát, sẽ thắng hay thua? Vị thế và lao động của ông chỉ có ý nghĩa và hiệu quả, khi đặt trong sự vận hành của một hệ thống quản lý có các bộ máy tương đồng, tương thích, phù hợp quy luật thực tiễn. Có điều, hệ thống đó cũng đang có nhiều “lỗi”, đang còn nhiều khiếm khuyết.
Trong bối cảnh, hàng triệu cặp mắt người dân Việt luôn chăm chú vào mỗi động thái, mỗi tư vấn của ông. Kỳ vọng có, nhưng đừng quên, sự thất vọng cũng luôn ngấp nghé đâu đó. Dù người Việt vốn là dân tộc lạc quan… nhất thế giới.
Nhỏ như câu chuyện công chức 100 triệu, mà Hà Nội hiện vẫn loay hoay chưa thể tìm ra, dù quyết lắp camera trong phòng thi theo dõi. Lớn như quốc nạn tham nhũng đang hoành hành, ông và đồng sự, cùng bộ máy sẽ chấn trị ra sao. Lắp camera theo dõi? Hay sẽ như vị vua xưa, đành dùng “đức trị” để…dĩ hòa?
Câu trả lời đang ở thì tương lai…
Kỳ Duyên