Cựu lãnh đạo Ngân hàng Sacombank Trầm Bê cùng hàng loạt người bị bắt giam do tiếp tay cho Phạm Công Danh gây thất thoát 6.000 tỷ đồng.
Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 – Bộ Công an) bắt tạm giam ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo buộc cùng hành vi, ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty… cũng bị bắt giam 4 tháng.
Chín người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.
Nhà chức trách đang khám xét nơi ở của ông Bê và ông Khang tại Sài Gòn, tiếp tục làm rõ sai phạm của nhiều người liên quan.
Động thái này được Bộ Công an đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn hai, của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến ông Danh, hôm qua Bộ Công an khởi tố Phạm Thị Trang (tức Trang Phố Núi, 43 tuổi) với cáo buộc giúp ông Danh huy động tiền của nhiều khách hàng lớn, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng VNCB
Theo điều tra ban đầu, ông Trầm Bê cùng hàng loạt cán bộ của Sacombank đã cố tình lách quy định, giúp ông Danh vay tiền của nhà băng.
Trong đó, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank thời điểm tháng 4/2013 đã có chủ trương “giải ngân trước bổ sung chứng từ sau” nên chỉ trong một ngày giám đốc các chi nhánh của Sacombank đã chuyển tổng cộng 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty của ông Danh.
Đến ngày 24/2, ông Trầm Bê và con trai Trầm Khải Hòa có đơn xin từ nhiệm các chức vụ tại Sacombank. Ông còn có một con trai tên Trầm Trọng Ngân, từng bị gã giang hồ Bình Kiểm (tên thật là Phạm Đức Bình) bắt cóc năm 2005 đòi 10 triệu USD tiền “chuộc mạng”.
Ông Trầm Bê là người gốc Hoa, tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2004. Đến giữa năm 2012, ông và một loạt lãnh đạo từ Southern Bank trúng cử vào ban quản trị và điều hành Sacombank. Sau đó, ông làm Phó chủ tịch Sacombank.
Kết thúc giai đoạn đầu điều tra đại án này, hồi đầu năm, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên y án 30 năm tù đối với ông Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Toà buộc các bị cáo liên đới nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng.
Cục Thi hành án TP HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng.
Đến đầu tháng 7, ông Danh và đồng phạm tiếp tục bị đề nghị truy tố do gây thiệt hại thêm 6.000 tỷ đồng cho VNCB.
Quốc Thắng