Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tưởng chừng đã lặng sóng sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký lệnh ngừng chiến thuế quan trong 90 ngày vào hôm 1/12, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
Tuy nhiên, mọi thứ đã bất ngờ quay ngoắt 180 độ vào sáng thứ Năm (6/12) khi truyền thông Canada đưa tin rằng bà Mạnh Vãn Châu (Wan Wanzhou), giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei, đã bị bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, vào đúng ngày 1/12.
Bà Mạnh là con gái của nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), từng là sỹ quan trong quân đội Trung Quốc. Mặc dù bà Mạnh là một nhân vật xa lạ với hầu hết người Mỹ, nhưng vụ bắt giữ bà về cơ bản tương đương với tình huống giả định Trung Quốc bắt giữ nữ tướng Sheryl Sandberg của Facebook, theo Chánh văn phòng Bắc Kinh của tờ New York Times, bà Jane Perlez.
Tác động của cuộc bắt giữ có thể được quan sát trên thị trường tài chính. Sau khi tin tức được công bố hôm thứ Năm, chỉ số Dow đã giảm 2 phần trăm trong giao dịch buổi sáng cùng ngày.
Theo Observer, một người trong chính quyền Trump cho biết hành động của Washington đối với Huawei thực sự là một động thái có thể dự đoán được, nếu nhìn từ các động thái gần đây của Nhà Trắng với các nhà khổng lồ công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là ZTE, đối thủ chính của Huawei, suýt bị xóa sổ vì hàng loạt lệnh trừng phạt xuất khẩu của Mỹ vào 6 tháng trước.
Vào tháng 5, Bộ Thương mại đã ra lệnh cho tất cả các công ty Hoa Kỳ ngừng bán linh kiện cho ZTE như một hình phạt, vì công ty này có các thỏa thuận kinh doanh bất hợp pháp với Triều Tiên và Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hai nước. ZTE cuối cùng đã đàm phán một thỏa thuận với Hoa Kỳ để dỡ bỏ lệnh cấm và nộp một khoản tiền phạt lớn. Nếu không có thỏa thuận này, ZTE có thể đã phá sản vì hoạt động cốt lõi của tập đoàn phụ thuộc hoàn toàn vào chip điện tử từ các nhà cung cấp ở Hoa Kỳ.
“Hành động chống lại ZTE hồi đầu năm nay là một chỉ báo rõ ràng về cách thức Nhà Trắng sẽ đối phó với những vi phạm của Huawei đối với các lệnh trừng phạt”, theo ông Chris Garcia, cựu phó giám đốc của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói với Observer.
Trên thực tế, Huawei đã lọt vào tầm theo dõi của Bộ Tư pháp Mỹ trong nhiều năm qua. Vào tháng 4, Observer đưa tin cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ đã điều tra Huawei ít nhất kể từ năm 2016, sau khi một tài liệu ZTE nộp cho Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ rằng Huawei có thể đã vận chuyển trái phép các sản phẩm tới Iran.
Ông Garcia cho rằng vụ việc của Huawei có thể là một cơ hội để Washington giành lợi thế khi đàm phán với Bắc Kinh. Ông bình luận: “Cơ sở của vụ bắt giữ này là an ninh quốc gia, nhưng nó cũng có thể giúp chính quyền Trump thắng thế trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Trung Quốc”.
“Nếu bạn nhìn vào dòng thời gian của các cuộc đàm phán thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, [thì có thể thấy] những gì Tổng thống Trump muốn không phải là Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ nhỏ; ông ấy muốn Trung Quốc thực hiện những nhượng bộ lớn, những thay đổi lớn, có hệ thống đối với các hoạt động và chính sách thương mại của nước này. Nếu không, ông ấy sẽ bỏ đi”.
Ông Garica cảnh báo cuộc chiến thương mại còn lâu mới kết thúc, và diễn biến của nó phụ thuộc nhiều vào việc Trung Quốc hành xử ra sao.
Thanh Hoa