“Ông trùm” đầu tư Jim Rogers cảnh báo chiến tranh thương mại tổng lực giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ nền kinh tế toàn cầu sụp đổ một lần nữa như vào thập niên 1930.
Dù Mỹ và Trung Quốc giờ đã tạm “hạ vũ khí” sau cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng, nhà đầu tư lừng danh người Mỹ Jim Rogers tin rằng Tổng thống Donald Trump không có ý định rời “chiến trường”.
Hôm 1/12, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí không áp đặt thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau trong 90 ngày đàm phán thay đổi đổi chính sách thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, ông Rogers nhận định đây chỉ là sự tạm hoãn khi trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review.
“Trong suy nghĩ của Trump, ông ấy cho rằng mình có thể thắng cuộc chiến thương mại và rằng chiến tranh thương mại là tốt cho ông ấy”, ông Rogers nói.
Jim Rogers, nhà đầu tư người Mỹ, cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ gây hậu quả tiêu cực sâu rộng đối với kinh tế toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Thay vì lo lắng về chuyện sẽ xảy ra vào tháng 3, khi thời hạn 90 ngày kết thúc, mối quan ngại của ông Rogers nằm ở viễn cảnh tương lai khi nền kinh tế Mỹ dần suy thoái.
“Khi kinh tế Mỹ trở nên tồi tệ trong một, hai năm tới, Tổng thống Trump sẽ quay trở lại với một cuộc chiến thương mại thực sự”, ông Rogers dự đoán. “Ông ấy nghĩ rằng các vấn đề của Mỹ có thể được giải quyết bằng chiến tranh thương mại. Ông ấy sai rồi”.
Kịch bản khả dĩ của một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực là Mỹ áp mức thuế cao lên mọi mặt hàng. Tình huống này có thể đẩy Mỹ vào thế đối đầu thương mại với nhiều quốc gia khác, thêm dầu vào ngọn lửa chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới.
“Người dân sẽ không mua nhiều như hiện tại, dù đó là ôtô, tủ lạnh hay bất cứ thứ gì. Mọi người cũng dừng xây nhà máy. Họ ngừng đầu tư vì lo lắng về nền kinh tế”, ông Rogers dự báo.
Giữa tháng 11, phát biểu tại hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ông Tập Cận Bình tuyên bố “khi xảy ra đối đầu, dù thông qua hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, không ai là người thắng cuộc”.
Đồng tình với nhận định của chủ tịch Trung Quốc, ông Rogers nhấn mạnh: “Chưa một ai từng chiến thắng cuộc chiến thương mại. Trump không biết lịch sử và cũng không hiểu về lịch sử”.
“Vào những năm 1930, chúng ta từng có một cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động, dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế và làm nổ ra chiến tranh vũ trang”, ông Rogers nói về thời kỳ Đại Suy thoái (còn gọi là Đại Khủng hoảng), lên tiếng cảnh báo khả năng lịch sử sẽ lặp lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng đại biểu hai nước, tham dự cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, dù viễn cảnh về cuộc đối đầu thương mại và kinh tế toàn cầu có phần ảm đạm, Rogers vẫn nhìn ra một số cơ hội mới. Một trong số đó nằm ở đất nước bí ẩn do ông Kim Jong Un lãnh đạo.
“Triều Tiên đang tạo hứng khởi”, ông Rogers chỉ ra rằng trong khi nước này vẫn đang đóng cửa giao thương với phương Tây, thì Nga và Trung Quốc đã nhanh chóng đổ xô vào. “Triều Tiên ngày nay giống Trung Quốc năm 1981”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, dù thị trường chứng khoán Thượng Hải xuống dốc, giảm gần 60% so với thời điểm đỉnh cao, ông Rogers nhận định một số cổ phiếu Trung Quốc vẫn có cơ hội.
“Chính phủ Trung Quốc đang chi một khoản tiền không lồ” để xử lý tình trạng ô nhiễm, ông đánh giá. “Những doanh nghiệp trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường sẽ có dịp làm giàu”.
Jim Rogers được mệnh danh là huyền thoại đầu tư. Ông đồng sáng lập quỹ Quantum Fund với tỷ phú George Soros vào thập niên 1970. Trong giai đoạn hoàng kim, quỹ này từng đánh bại cả chỉ số S&P 500 (chỉ số dựa trên cổ phiếu của 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất nước Mỹ).