Khi biết tin Australia quyết định từ bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm trị giá 56 tỷ USD để theo đuổi dự án tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh (hợp tác Aukus), nước Pháp tức giận. Cơn giận dữ này không chỉ đến từ bản thỏa thuận, mà còn đến từ các câu hỏi về vị trí của Pháp trong mối quan hệ với các đồng minh truyền thống.
Đối với Pháp, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hành động một cách đơn phương, không khác thời cựu Tổng thống Donald Trump. Pháp cũng không hài lòng với “tính hai mặt” của Australia và “sự bội bạc” của Anh, theo Guardian.
“Chúng tôi không làm gì sau lưng ai cả”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace trấn an. Tuy nhiên, người đồng cấp của ông tại Paris không nghĩ vậy.
“Đây là sự thất vọng lớn”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố.
Phản ứng từ EU cũng là sự tức giận và hoài nghi về cam kết của Mỹ.
Dự án bí mật
Chỉ một tháng trước, trong chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, ông và bà Parly ra tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của dự án tàu ngầm. Đây được coi là một phần của chiến lược lớn nhằm kiềm chế Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tuy vậy, ông Dutton không hề nói với bà Parly về các cuộc đàm phán bí mật với Mỹ. Chỉ có ba khả năng có thể xảy ra: Ông không được biết về các cuộc đàm phán, ông vô cùng đãng trí hoặc ông không hề muốn tiết lộ thông tin này.
Nước Pháp hoàn toàn không được cảnh báo trước. Họ chỉ biết đến thỏa thuận qua những tin đồn trên truyền thông Australia.
Hơn nữa, thỏa thuận giữa Mỹ, Anh và Australia không chỉ về tàu ngầm. Đây còn là một phần của hiệp ước an ninh ba bên trong khu vực với cam kết phát triển những công nghệ mới. Dường như Mỹ, Anh và Australia nhận định Pháp là đối tác không đủ độ tin cậy để tham gia liên minh.
Ngoài ra, có khả năng thỏa thuận chứa một số thông tin nhạy cảm về công nghệ đẩy hạt nhân, thiết bị không người lái dưới nước, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.
Bên cạnh đó, thỏa thuận tay ba giữa Mỹ, Anh và Australia được công bố chỉ một ngày trước khi EU ban hành chiến lược về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các quan chức EU cho biết họ không được tham vấn trước, dù Lầu Năm Góc không thừa nhận.
Theo chính phủ Australia, họ từng cảnh báo sẽ tìm kiếm phương án khác nếu việc thiết kế tàu ngầm tiếp tục bị trì hoãn. Trên thực tế, tập đoàn công nghiệp quân sự Naval Group của Pháp được yêu cầu chỉnh sửa kế hoạch thực thi dự án trong tháng 9 này.
Thủ tướng Morrison khẳng định đã đề cập tới khả năng hủy hợp đồng mua tàu ngầm với tổng thống Pháp từ tháng 6, phía Pháp phủ nhận điều này.
Australia bắt đầu đàm phán về “kế hoạch B” với Mỹ từ nhiều tháng trước. Đối với Pháp, Tổng thống Biden cho thấy ông sẽ luôn đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên đầu.
Châu Âu ngỡ ngàng
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, người đứng đằng sau thỏa thuận giữa Pháp với Australia về tàu ngầm năm 2016, là một trong những chính trị gia Pháp chỉ trích động thái của Mỹ, Australia và Anh mạnh mẽ nhất.
“Quyết định tàn bạo, đơn phương và không thể đoán trước này khiến tôi nhớ đến những gì ông Trump thường làm”, ông Le Drian cho biết. “Tôi cảm thấy giận dữ và cay đắng. Đây không phải cách mà đồng minh đối xử với nhau, mà là một cú đâm từ sau lưng”.
Có lẽ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tức giận không kém. Hôm 15/6, ông tiếp Thủ tướng Australia Scott Morrison tại điện Elysee (phủ tổng thống Pháp). Trong cuộc gặp, hai bên khẳng định hiệp ước tàu ngầm giữa Pháp và Australia là “trụ cột trong quan hệ đối tác, tin cậy giữa hai nước”.
“Chương trình này dựa trên sự chuyển giao tri thức, công nghệ và sẽ gắn kết chúng ta trong nhiều thập kỷ tới”, hai nhà lãnh đạo tuyên bố.
Sau khi không được Mỹ lắng nghe trong chiến dịch rút quân và sơ tán khỏi Afghanistan tháng 8 vừa qua, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) nhận thấy hành động của Mỹ không giống với những gì ông Biden từng hứa về việc “nước Mỹ đã trở lại”.
Có vẻ như Mỹ nhận định việc mất hợp đồng với Australia không ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp vũ khí của Pháp. Chỉ cần sắp xếp một chuyến thăm Washington cho ông Macron, đền bù cho tập đoàn Naval Group một vài hợp đồng khác và khẳng định quyết định của Australia thuần túy về quân sự, Paris sẽ vui lòng trở lại.
Tuy vậy, ngôn ngữ từ Paris và Brussels không cho thấy như vậy. Theo Pháp, họ hoàn toàn có khả năng cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Quyết định của Mỹ cho thấy nước này không tin tưởng Pháp trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.
Giờ đây, ông Macron không còn lựa chọn nào khác ngoài vận động để nâng cao sự tự chủ chiến lược của châu Âu. Brussels dường như cũng có suy nghĩ tương tự. Hôm 15/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU cần có quyết tâm chính trị về việc xây dựng một quân đội chung.
“Washington cần nhanh chóng thuyết phục Pháp, khẳng định Paris vẫn là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nếu không, Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi”, ông Patrick Wintour, biên tập viên về đối ngoại của Guardian, nhận định.