Năm 1984, phim truyện nhựa Bao giờ cho đến tháng Mười (kịch bản và đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh) ra đời và lập tức trở thành một tượng đài của nền điện ảnh Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, rất nhiều câu chuyện đặc biệt đã xảy ra trước và sau khi bộ phim này công chiếu.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”phim Bao giờ cho đến tháng Mười” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] Vắn tắt, Bao giờ cho đến tháng Mười (BGCĐTM) là câu chuyện của Duyên, một thiếu phụ biết tin chồng hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Trước người cha chồng mang bệnh nặng và khao khát tin con mỗi ngày, Duyên không thể để ông đón nhận nỗi đau khôn tả ấy. Chị âm thầm chịu đựng một mình và nhờ một người bạn – thầy giáo Khang – tiếp tục thay chồng viết hộ những bức thư thăm hỏi gia đình để mang lại niềm vui cho ông. Thế rồi, mọi chuyện cũng tới lúc phải chấm dứt, khi người cha chồng không còn sống được bao lâu và một mực bắt Duyên gọi con về…
Lận đận 13 lần duyệt
Trong hồi ký của mình, đạo diễn Nhật Minh kể rằng ông viết kịch bản BGCĐTM xuất phát từ nỗi đau gia đình (ông là con trai của bác sĩ – liệt sĩ Đặng Văn Ngữ), cũng như nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. “Ðó là những điều đã có sẵn trong tôi, không phải tìm kiếm đâu xa cả. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện.” Kịch bản được Cục Điện ảnh thông qua nhanh chóng chỉ với một yêu cầu: không được để nhân vật thầy giáo Khang yêu Duyên… Tuy nhiên, với đạo diễn, không có điều ấy, bộ phim không đứng nổi, nên ông chỉ cố gắng “làm nhẹ” mối quan hệ trong kịch bản.
Cảnh phim Bao giờ cho đến tháng Mười |
Chưa hết, trong kịch bản, NSND Đặng Nhật Minh còn đặc biệt tâm đắc với trường đoạn Duyên đi tới “chợ Âm Dương” để tìm chồng. Theo truyền thuyết dân gian, phiên chợ Âm Dương có tên “Mạch Ma” là nơi người sống, người chết có thể tìm gặp nhau một lần duy nhất trong năm. Với cách nhìn của đạo diễn, sự đau đớn, buồn tủi của Duyên khi lần bước thử tìm tới “chợ Âm Dương” là hoàn toàn phù hợp với một đặc điểm tâm lý rất Việt Nam: luôn muốn san bỏ sự cách biệt giữa cõi Âm và cõi Dương, giữa người sống và người chết.
Thế nhưng, khi hoàn thành, lãnh đạo Hãng phim truyện VN khi đó yêu cầu đạo diễn cắt bỏ chi tiết “mang màu sắc duy tâm huyền bí, tuyên truyền cho mê tín dị đoan” này. Và, trong lịch sử điện ảnh VN, hiếm có bộ phim nào lại trải qua nhiều lần duyệt đi duyệt lại như vậy. Cứ mỗi nấc duyệt lại nảy sinh thêm những rắc rối mới. Chẳng hạn, ngoài chuyện “chợ Âm Dương” và mối quan hệ Khang- Duyên, thêm một câu hỏi nữa được đặt ra: thời điểm đó đã phù hợp với việc phản ánh những đau thương, mất mát trong chiến tranh hay chưa?
Theo thống kê của đạo diễn trong hồi ký, bộ phim này đã được duyệt tổng cộng 13 lần, trong đó có những lần xin ý kiến từ Thứ trưởng, Bộ trưởng… Tới khi mang bộ phim tới chiếu tại nhà cố Tổng bí thư Trường Chinh, ông Minh nói với các cộng sự “đây có lẽ là phiên xử cuối cùng”. Cố Tổng bí thư xem xong chỉ nhận xét ngắn gọn “Thương lắm” rồi vào nhà. Đạo diễn và đoàn làm phim lo lắng, đoán già đoán non, mãi cho tới khi BGCĐTM được công chiếu chính thức mới an tâm…
Những”chuyện ngoài lề” của một phim kinh điển
Cũng cần nói thêm, ở thời điểm tròn “30 tuổi” kể từ khi ra đời, một số thông tin bắt đầu lan truyền trên mạng internet về việc BGCĐTM là tác phẩm “phái sinh” của truyện ngắn Thư (tác giả Lý Chuẩn, Trung Quốc, viết năm 1958). Bắt đầu từ những nhận xét của một đạo diễn điện ảnh, rất nhiều độc giả biết chuyện đã liên hệ với TT&VH và đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc này.
Khi TT&VH đặt câu hỏi, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh từ chối và nói ông không muốn mất công trao đổi về câu chuyện này. Đây là điều dễ hiểu, bởi theo lời một số đạo diễn trong ngành điện ảnh, chuyện cáo buộc trên đã được nhắc tới ngay từ giữa thập niên 1990, khi ông Minh đang là … Tổng thư ký Hội điện ảnh VN. Cơ sở để đưa ra nhận xét về sự “trùng lặp” này là việc truyện ngắn Thư cũng có nội dung chính gần với BGCĐTM, khi nhắc tới một phụ nữ Trung Quốc có chồng hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên và tự mình “thế vai” để viết thư cho bà mẹ chồng cao tuổi.
“Đây là câu chuyện xuất phát từ mối quan hệ giữa 2 đạo diễn. Thực tế, việc cáo buộc một kịch bản phim mượn ý tưởng từ một truyện ngắn là rất khó để tranh biện và đưa ra kết luận rạch ròi, nhất là khi mọi thứ đã phủ lên một lớp thời gian quá dày” – một đạo diễn phim cho biết – “Nói sòng phẳng, chỉ duy nhất đạo diễn Đặng Nhật Minh mới có thể là người biết rõ việc này. Còn lại, như tôi được nghe, ở thời điểm đó, Hội điện ảnh VN cũng đã có kết luận là câu chuyện không đủ cơ sở”.
“Tôi không dám phán xét về câu chuyện này. Chỉ muốn chia sẻ từ góc độ cá nhân: ở một đất nước có chiến tranh, rất nhiều tình huống từng lặp lại với bối cảnh na ná nhau, bởi những xúc cảm tương tự nhau của những người từng trải nghiệm” – Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã trả lời TT&VH – “Cá nhân tôi cũng từng gặp một “án oan” tương tự và rất mất thời gian để giải trình. Bởi thế, tôi cũng không hiểu chúng ta mất công xới lại câu chuyện này làm gì, khi mà biết trước rằng nó không thể rạch ròi phân định rõ đúng- sai một cách tuyệt đối”.
Theo Báo Thể thao & Văn hóa