Những khoản đầu tư lớn cho phục trang, bối cảnh, đạo cụ và kỹ xảo… đã không cứu vãn được câu chuyện chán nản và buồn tẻ của “Lửa Phật”.
[youtube_wpress search=”1″] [tubepress mode=”tag” tagValue=”phim Lửa Phật” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false” theme=”phim”]
Với “Lửa Phật”, Dustin Nguyễn có được điều mà bất cứ đạo diễn nào trong làng điện ảnh Việt cũng đều thèm muốn. Đó là khoản kinh phí làm phim được nói lên tới hơn 1 triệu USD (trên 20 tỉ đồng), đủ để thỏa tham vọng với dự án mà một mình ông đảm nhận ba vai trò: kịch bản, đạo diễn và nam diễn viên chính.
Lửa Phật, Dustin Nguyễn, phim hành động, giả tưởng, phim Việt
Một cảnh hành động trong “Lửa Phật” (Ảnh hãng phim cung cấp)
Tiếc rằng, trong bộ phim lần đầu thử sức làm biên kịch và đạo diễn, ông đã không thể hiện được mình như là người kể chuyện cuốn hút, dù tưởng chừng như đang có được tự do nhất định đối với câu chuyện của mình và cách kể lại nó.
Lẽ ra, bộ phim đã có thể lôi cuốn được khán giả nhờ màn giới thiệu hấp dẫn bằng cảnh nhân vật chính – Đạo (Dustin Nguyễn) chiến đấu với một đồng đội cũ (Bùi Văn Hải) nay đã đào tẩu náu thân làm nghề chơi đàn ở một tửu điếm. Cả hai là những chiến binh của một đoàn quân vệ quốc đã đi vào huyền thoại. Nhưng rồi sau đó bộ phim trượt dài xuống hố sâu buồn nản vì những ký ức và độc thoại nội tâm triền miên của nhân vật chính về triết lý nhà Phật.
Đến khoảng giữa, khi Đạo ghé lại một ngôi làng, thì bộ phim đánh mất hẳn sự kiên nhẫn và chú tâm của khán giả bởi một hành trình mông lung không rõ trục, được kể bằng cách chắp nối những chi tiết gây xao nhãng và vô thưởng vô phạt: chuyện ăn chơi ở một quán bar nơi làng quê, chuyện giang hồ ức hiếp anh thợ làm bánh tên Hiền (Thái Hòa), chuyện cô gái câm Vân (Ngọc Diệp)…
Tất cả chỉ nhằm tạo tiếng cười hoặc mang lại chút gợi cảm cho màn ảnh. Trong khi đó, chẳng ai biết nhân vật chính là con người như thế nào, anh ta muốn gì và anh ta sẽ làm gì để đạt được điều mình muốn. Tương tự, các nhân vật của Ngô Thanh Vân (vai Ánh, vợ anh thợ làm bánh), Ngọc Diệp, Thái Hòa… đều rơi vào tình trạng không thể tìm được kết nối với khán giả ngay từ những phút đầu xuất hiện.
Lửa Phật, Dustin Nguyễn, phim hành động, giả tưởng, phim Việt
Dustin Nguyễn đảm nhận ba vai trò biên kịch – đạo diễn – nam diễn viên chính.
Sai lầm lớn nhất và cũng là phi lý lớn nhất của “Lửa Phật” có lẽ nằm ở cách dùng động cơ tâm lý tình cảm của các nhân vật làm lực đẩy chính cho câu chuyện. Dù nằm ở thể loại hành động, bộ phim thiếu hẳn những cài đặt tình huống tiếp nối liên tục để xung đột được đẩy lên cao trào, khiến các nhân vật gắn chặt với nhau một cách tự nhiên, trước khi mọi việc được giải quyết rốt ráo.
Trong khi đó, lực đẩy bên ngoài của câu chuyện, mà ở đây là bản án tử dành cho những kẻ đào tẩu khỏi quân ngũ lại rất không ổn trong cảm nhận về logic lẫn đạo lý. Một mặt, câu chuyện xây dựng hình ảnh những người chiến binh xả thân vì đất nước lâm nguy. Mặt khác lại mô tả những cuộc thanh toán tàn nhẫn giữa họ giống như xã hội đen.
Riêng với yếu tố giả tưởng được thể hiện trong “Lửa Phật”, người xem có thể hiểu đó chỉ là bối cảnh giả tưởng thông qua việc trộn lẫn những thứ thuộc về các thời đại và các nền văn hóa khác nhau vào chung trong một câu chuyện có thời gian và không gian được xác định bởi chính nó, chứ không phải bởi thực tế lịch sử.
Lửa Phật, Dustin Nguyễn, phim hành động, giả tưởng, phim Việt
Vai diễn cô gái câm của Ngọc Diệp trong thiết kế của Bao Tran Chi.
Nhà thiết kế người Mỹ gốc Việt Bao Tran Chi đã có một công việc xuất sắc. Cô đóng góp cho phim những bộ trang phục rất sinh động, vừa quen vừa lạ, vừa đáp ứng được yêu cầu “giả tưởng” vừa phù hợp với nhân vật. Một “ngoại binh” khác là nam diễn viên Roger Yuan, dù xuất hiện không nhiều trên phim, nhưng cũng kịp để lại một khoảnh khắc đáng nhớ qua màn chiến đấu long trời lở đất với Dustin Nguyễn và Ngô Thanh Vân.
Bộ phim cũng dành một phần lớn công sức cho việc thiết kế bối cảnh cho mục đích “giả tưởng”. Một ngôi làng với những ngôi nhà bằng gỗ được dựng lên thực sự ở một đồi cát ở Bàu Trắng, Bình Thuận. Nhưng tiếc rằng khi lên phim, chúng thiếu hơi thở đời sống một cách nghiêm trọng. Những hàng quán, nhà cửa nhìn như thể những mô hình được trình diễn đâu đó trong các khu du lịch, bảo tàng, không góp được gì cho vơi bớt sinh khí buồn tẻ của bộ phim.
Trong hoàn cảnh phim Việt liên tiếp gặp thất bại, mọi người đã kỳ vọng rất nhiều ở “Lửa Phật”, bộ phim ra mắt cuối cùng trong mùa hè năm nay (từ ngày 22/8), có thể gỡ gạc “thể diện” cho chủ nhà. Nhưng có vẻ như, một lần nữa, cơ hội lại qua đi.
Minh Chánh