Hàng loạt bảng, biển quảng cáo, pa-nô, áp phích, tên nhà hàng, quán ăn, ki-ốt, tiệm cắt tóc… dày đặc chữ Trung Quốc đang làm ngợp mắt những ai có mặt ở Đà Nẵng, Hải Phòng… tại các xã gần Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều người còn không khỏi ngỡ ngàng khi một “phố Trung Quốc” bỗng dưng xuất hiện…
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Phố Tàu” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] “Phố Trung Quốc” ở Kỳ Anh
Ngày 6.4, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hà Tĩnh – ông Bùi Đức Hạnh – cho biết, về vấn đề các bảng hiệu chữ Trung Quốc tại Kỳ Anh, các cơ quan ban ngành đã nhiều lần tiến hành kiểm tra xử phạt, tháo gỡ các trường hợp viết không đúng quy định. “Bây giờ thì các bảng hiệu chữ Trung Quốc tại Kỳ Anh cơ bản đã đúng quy định. Chúng tôi vẫn thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, khi phát hiện sai sẽ tiếp tục xử lý” – ông Hạnh nói.
Có mặt tại quốc lộ 1A đoạn qua các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh và một số xã lân cận thuộc huyện Kỳ Anh (khu vực Khu kinh tế Vũng Áng) ngay trong ngày 6.4, chúng tôi không thể đếm hết có bao nhiêu tấm bảng quảng cáo, pa – nô, áp phích, tên ki- ốt, nhà hàng, tiệm cắt tóc… viết bằng chữ Trung Quốc. Điều đáng nói, chữ Trung Quốc được viết sai quy định, với nét chữ to tướng, nổi bật hơn hẳn những dòng chữ Việt Nam. Thậm chí, một số tấm bảng hiệu chỉ có duy nhất chữ Trung Quốc.
Các bảng hiệu chữ Trung Quốc sai quy định san sát nhau |
Xử lý quyết liệt, nhưng vẫn còn… rợp mắt (!)
Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 15 (ngày 2.4), trước nhiều ý kiến phản ánh về sự xuất hiện dày đặc các bảng hiệu của các khách sạn, nhà hàng, quầy lưu niệm, dịch vụ quảng cáo bằng chữ Trung Quốc trên nhiều đường phố ở Đà Nẵng, ông Trần Thọ – Bí thư Thành ủy – đã cương quyết chỉ đạo: “Các anh bàn đi, dẹp hết bảng hiệu Trung Quốc. Hai ba ngày sau phải xử lý xong. Nói là làm chứ không để nó nguội… Để biến thành phố Trung Quốc là không được. Rất nguy hiểm!”.
Bảng quảng cáo tiếng Trung tại một khu phố ở Đà Nẵng. |
Thực hiện chỉ đạo đó của Thành ủy, sáng ngày 3.4, Sở VHTTDL và các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có treo bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc sai quy định. Theo đó, qua kiểm tra bảng hiệu tại 35 cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch tại 2 quận này, đoàn kiểm tra đã phát hiện 13 đơn vị viết, đặt biển hiệu quảng cáo sai quy định, vi phạm chủ yếu là bảng hiệu chỉ có chữ Trung Quốc, có nơi có chữ Việt nhưng nằm dưới và nhỏ hơn chữ Trung Quốc. Ngày 6.4, theo khảo sát của chúng tôi, trên các tuyến đường biển Trường Sa, Võ Nguyên Giáp… vẫn còn nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh treo bảng hiệu chữ Trung Quốc.
Tại Hải Phòng và Quảng Ninh là những địa phương có những “phố Tàu” với bảng hiệu chữ Trung Quốc nhiều tới mức người ta đi qua cứ ngỡ là đã lạc vào một con phố trên đất Trung Quốc. Sau khi công luận lên tiếng đã có sự vào cuộc của cơ quan quản lý để tháo gỡ, xử lý tích cực. “Phố Tàu” tại khu du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã không còn, các khu nhà ở của lao động Trung Quốc đang làm việc tại một số nhà máy nhiệt điện, nhà máy sợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng không còn nhan nhản chữ Tàu như trước đây nữa.
Tuy nhiên, tại Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, TP.Uông Bí vẫn còn bảng hiệu chỉ viết bằng tiếng Trung Quốc của Tập đoàn Chengda – đơn vị tổng thầu (chế tạo và lắp đặt) xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn 2 – ở ngay trung tâm thành phố, ở vị trí cao và bắt mắt. Dòng chữ này đã mặc nhiên tồn tại ở đây từ nhiều năm nay, dù phần việc do nhà thầu này thi công đã hoàn thành từ rất lâu, và giai đoạn 2 của nhà máy cũng đã đi vào hoạt động ổn định. Theo một cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin TP.Uông Bí, TP cũng đã đến làm việc với lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Uông Bí về vấn đề này. “Tuy nhiên, hiện vẫn còn các chuyên gia của Tập đoàn Chengda làm việc ở đây vì vẫn trong giai đoạn bảo hành. Khi nào xong việc, dự kiến vài tháng nữa, TP sẽ tiến hành tháo gỡ bảng hiệu trên” – cán bộ trên cho biết.
Ngày 5.4, Thanh tra Sở VHTTDL Hải Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành khẩn trương vào cuộc, chấn chỉnh, xử lý gần chục nhà hàng treo bảng sai quy định. Tại phố Văn Cao, nơi được mệnh danh là “phố ngoại”, nhiều chủ nhà hàng treo bảng hiệu sai quy định tỏ ra bối rối, không biết rằng mình đã vi phạm quy định về quảng cáo.
Sau khi được giải thích về quy định, các chủ nhà hàng đã hứa sẽ sửa chữa các bảng hiệu quảng cáo cho phù hợp. Trước đây, tại địa bàn các xã Tam Hưng, Ngũ Lão của huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã biến thành “phố Trung Quốc” khi hàng trăm nhà hàng, dịch vụ mở ra phục vụ công nhân Trung Quốc sang lao động xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. Sau khi báo chí phản ánh, Thanh tra Sở VHTTDL đã vào cuộc chấn chỉnh.
Quy định về viết biển hiệu tại Việt Nam như sau: Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam (Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009). Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về biển hiệu bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng, không ghi đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không viết bằng chữ Việt Nam mà chỉ viết bằng chữ nước ngoài…; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tháo dỡ biển hiệu vi phạm (Nghị định 75/2010/NĐ-CP, ngày 12.7.2010). |
(Theo Lao động)