Mặc dù chủ sở hữu là một công ty ở Mỹ, nhà hàng “Phòng trà kiểu Nga” không tránh được làn sóng tẩy chay, bài trừ đang bùng nổ tại xứ cờ hoa.
Nhà hàng Russian Tea Room (tạm dịch: Phòng trà kiểu Nga) là biểu tượng gần 100 năm tuổi ở thành phố New York, thu hút vô số người dân địa phương và khách du lịch, theo CNN.
Trong thời kỳ hoàng kim, nhà hàng từng tổ chức những sự kiện đình đám, là điểm biểu diễn của các danh ca như Frank Sinatra, Raquel Welch và Liza Minelli, đồng thời xuất hiện trong những bộ phim như Tootsie hay Manhattan.
Nhà hàng thường thu hút các đám đông tham dự những buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall chỉ cách đó vài bước chân, hoặc tới ăn tối sau khi xem xong buổi biểu diễn tại Broadway.
Thế nhưng, vào giờ ăn trưa ngày 3/3, quán ăn gần như bị bỏ trống. Chỉ vài thực khách ngồi ở 2 trên tổng số hơn 30 bàn tiệc trải khăn màu đỏ.
Mặc dù có tên là Russian Tea Room, nhà hàng không hoàn toàn đúng chất Nga.
Theo thông tin trên website chính thức, nhà hàng được mở vào năm 1927 bởi các thành viên của đoàn Ballet Hoàng gia Nga. Tuy nhiên, hiện nó thuộc sở hữu của một tập đoàn tài chính ở bang New York.
Thế nhưng, điều đó không ngăn được những người biểu tình muốn tẩy chay mọi thứ liên quan đến Nga, dù nó chỉ còn là tên gọi và nền ẩm thực.
Theo Independent UK, một số nhân viên nhà hàng bị quấy rối trực tuyến và nhà hàng cũng nhận lời đe dọa tử vong,
Ngày 3/3, quản lý nhà hàng và các nhân viên đều từ chối bình luận khi CNN ghé thăm. Tuy nhiên, họ nhận thức rõ được rằng tình hình chiến sự hiện nay đang làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của mình.
Một tuyên bố được đăng trên website của nhà hàng, bao gồm dòng chữ “Đoàn kết cùng Ukraine” với quốc kỳ của đất nước này.
Dù trong cùng thành phố, bầu không khí khác hẳn ở khu dân cư Lower East Side, nơi đám đông xếp hàng để ăn tại quán ẩm thực Ukraine Veselka.
Jason Birchard, chủ nhà hàng, cho biết chỉ trong một tuần, lưu lượng khách ghé thăm đã tăng 75%.
Veselka, tức “cầu vồng” trong tiếng Ukraine, đang quyên góp số tiền thu được từ việc bán súp củ cải truyền thống borscht cho tổ chức phi chính phủ Razom for Ukraine nhằm cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tới đất nước này.
Nhà hàng đã huy động được 10.000 USD trong tuần đầu tiên và dự kiến sẽ nhận về 15.000 USD nữa ở tuần tiếp theo, ông Birchard chia sẻ.
Nhà hàng cũng chấp nhận quyên góp bông băng, pin, đèn pha, tấm lọc nước và quần áo. “Hãy quyên góp những gì bạn có thể và chúng tôi sẽ xử lý phần còn lại”, trích thông tin trên website của quán.
Làn sóng tẩy chay hiện lan rộng ra ngoài thành phố New York. Các bang bao gồm Ohio, Oregon và Utah đang tẩy chay vodka do Nga sản xuất, dù nó chỉ chiếm một phần nhỏ so với vodka nhập khẩu tại Mỹ.
Ngày 4/3, nhà sản xuất rượu vodka Stolichnaya thông báo rằng họ đang đổi tên thành Stoli, đồng thời nhấn mạnh công ty thuộc sở hữu của một tập đoàn Luxembourg và được sản xuất tại Latvia.
Bên cạnh đó, hashtag #BoycottLukoil (tạm dịch: Tẩy chay Lukoil) đang thịnh hành trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người né tránh các trạm xăng mang thương hiệu của gã khổng lồ dầu mỏ Nga.
Lukoil, công ty dầu khí lớn thứ 2 của Nga, đưa ra tuyên bố “kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột vũ trang trong thời gian sớm nhất”. Cổ phiếu niêm yết tại London (Anh) của công ty đã mất khoảng 99% giá trị sau khi Nga tấn công Ukraine. Giao dịch cổ phiếu cũng bị đình chỉ vào ngày 3/3.
Birchard, chủ sở hữu quán Veselka, cho biết ông hy vọng vào sự đoàn kết hơn là sự chia rẽ trong cuộc khủng hoảng này.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ hỗn loạn. Tôi buồn và tức giận về những gì đang diễn ra. Nhưng tôi không có hiềm khích với người dân Nga”, ông chia sẻ.