Trong thông cáo ngày 27-7, FCCC cho biết các phóng viên nước ngoài đang đối mặt với tâm lý thù địch của nhiều người Trung Quốc. Tổ chức này cũng cáo buộc một số cơ quan và truyền thông nhà nước Trung Quốc cổ vũ các hành động cản trở, quấy rối phóng viên nước ngoài.
Người Trung Quốc làm việc cho các hãng thông tấn nước ngoài cũng bị đe dọa, một số người bị chửi là “phản quốc” trên mạng xã hội, theo FCCC.
Theo báo The Guardian, sự giận dữ của người Trung Quốc dường như bắt nguồn từ các bản tin của báo đài nước ngoài về tình hình mưa lũ tại Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam. Khu vực này vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử khiến hơn 70 người thiệt mạng, 13 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại vật chất hàng tỉ USD.
Các phóng viên của Los Angeles Times và Deutsche Welle của Đức đã phải đối mặt với một đám đông giận dữ khi tác nghiệp tại Trịnh Châu hôm 24-7. Một số phóng viên khác cũng chia sẻ họ gặp tình huống tương tự khi tác nghiệp về tình hình mưa lũ tại Trung Quốc.
Phóng viên Alice Su cho biết cô đang ở tại một khu vực có chợ dưới lòng đất và lắng nghe chia sẻ của những người buôn bán tại đây thì bị đám đông “tập kích”. Phóng viên Mathias Boelinger mô tả đám đông đã chửi bới và xô đẩy anh, cáo buộc anh “bôi nhọ Trung Quốc”.
Boelinger cho biết dường như đám đông đã nhầm lẫn anh với phóng viên Robin Brant của đài BBC và cho rằng có một chiến dịch “săn lùng các phóng viên BBC” đang diễn ra tại Trung Quốc.
Đoạn video ghi lại cảnh “đối đầu” với hai phóng viên Su và Boelinger đã được xem hơn 27 triệu lần trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Một phụ nữ được cho là nhà báo Trung Quốc tìm cách làm giảm căng thẳng cũng bị cư dân mạng Trung Quốc “ném đá”.
Nhiều bình luận đe dọa, đòi trục xuất các phóng viên nước ngoài xuất hiện cùng với các thông tin cá nhân của họ, theo The Guardian. Trong thông cáo ngày 27-7, FCCC cho biết các phóng viên của BBC và Los Angeles Times đã nhận được các tin nhắn dọa giết sau sự việc ngày 24-7.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Hãng tin Reuters.
Theo The Guardian, tâm lý thù địch với truyền thông nước ngoài đã tăng cao do tinh thần chủ nghĩa dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ tại Trung Quốc. “Điều này khiến việc tác nghiệp tại Trung Quốc trở nên khó khăn và rủi ro hơn trước”, tờ báo của Anh viết.
Theo TT