Phước Lộc Thọ, nam Cali, sắp có tượng nói về lịch sử người Mỹ gốc Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cuộc chạy đua kéo dài hơn sáu tháng để thực hiện công trình xây dựng một bức tượng tại thương xá Phước Lộc Thọ (Asian Garden Mall), Westminster

, chính thức chấm dứt, khi Liên Minh Văn Hóa Việt Mỹ (The Vietnamese American Cultural Alliance) quyết định chọn dự án “Thuộc Hai Dòng Dõi” (Of Two Lineages) của ông James Định.

Thiết kế “Of Two Lineages” (Thuộc Hai Dòng Dõi) được chọn để làm
tượng tại thương xá Phước Lộc Thọ. (Hình: www.couragetorebuild.org)

Ông James Định, 47 tuổi, cư dân Cerritos, cho nhật báo Người Việt biết, “Rất vui và vinh dự được chọn, nhưng với niềm vinh dự đó là một trách nhiệm là phải mang đến cho đời một tác phẩm mà không chỉ riêng tôi, nhưng cả cộng đồng mình cùng lấy làm tự hào.”

Ông cũng cho biết ông nộp đơn tham gia dự án, vì cảm thấy đây “là một cơ hội tốt để đóng góp một điều tích cực và lâu dài cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Little Saigon.”

Bức tượng, dự trù cao gần 5 mét, thuộc dự án “Courage to Rebuild,” là một biểu tượng dành riêng cho sự thành hình và những thành quả của cộng đồng người Việt tại Little Saigon trong 40 năm qua, sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Về ý niệm, ông James Định giải thích, “‘Thuộc Hai Dòng Dõi’ được bắt nguồn từ truyền thuyết ‘một mẹ trăm con’ của Việt Nam, trong đó Lạc Long Quân (thuộc giống Rồng) lấy bà Âu Cơ (thuộc giống Tiên), đẻ ra được bọc trứng, sinh ra 100 con, nhưng sau đó hai ông bà chia tay, 50 con theo mẹ xuống biển, 50 con theo cha lên núi, xây dựng bờ cõi.”

Về lý do khiến ông liên tưởng đến truyền thuyết này, ông Định nói, “Năm nay là dịp kỷ niệm 40 năm ngày cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, nên tôi nghĩ đến cuộc hành trình của người Việt chúng ta đến đất nước này, cũng như các nước khác trên thế giới. Dù tái định cư ở bất cứ đâu, chúng ta cũng đều phải làm lại cuộc đời và xây dựng lại cộng đồng, có thể nói là từ hư không. Tôi nhìn thấy sự tương tự trong việc ‘tái sinh’ này với huyền thoại dựng nước của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Vì thế, tác phẩm ‘Thuộc Hai Dòng Dõi’ của tôi, tựu trung là một diễn giải của huyền thoại này, trong một bối cảnh đương đại.”

Ông giải thích thêm, “Là một người đã đến Mỹ ở tuổi còn rất nhỏ, tôi cũng cảm thấy rằng ‘Thuộc Hai Dòng Dõi’ cũng có thể có nghĩa là, dù muốn dù không, chúng tôi là cả Việt Nam lẫn Mỹ. Đây là một nhị nguyên cần thiết không thể chối bỏ của những người gốc Việt sinh trưởng ở đây, cũng giống như truyền thuyết đẹp ngày xưa chúng tôi từng được các bậc cha mẹ kể lại.”

Phát biểu cảm tưởng về việc một người gốc Việt được chọn thực hiện dự án, cô Trâm Lê, phó giám đốc của chương trình “Oral History Project” thuộc đại học UC Irvine, tâm sự, “Dù không ngạc nhiên, tôi hết sức vui mừng cho Định và cho cộng đồng mình nói chung, vì Định là người gốc Việt nên anh hiểu được những nét đặc thù trong sinh hoạt của cộng đồng mình.”

“Và phải công bình mà nói, Định được chọn cũng phải, vì thiết kế của anh tuy rất đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, pha trộn được đặc điểm của cả hai nền văn hóa Việt và Mỹ,” cô Trâm Lê nói thêm.

Để hoàn thành thiết kế của mình, ông James Định được Liên Minh Văn Hóa Việt Mỹ dành cho một ngân sách $100,000, và sẽ trả cho ông $40,000.

Bức tượng này là một cột lớn, sẽ được dựng lên phía ngoài, ngay trước thương xá Phước Lộc Thọ trong một vài năm tới. Lõi của cột được hàn bằng thép ở giữa, trên cao, đại diện cho vùng núi. Cột sẽ có 100 mặt, đại diện cho 100 người con, và được thiết kế trên một quảng trường, chung quanh có những băng ghế ngồi.

Nói thêm về dự án của mình, tác giả cho biết, có thể trên lưng các băng ghế ngồi sẽ là chân dung của 100 người Mỹ gốc Việt, và rằng ông sẽ làm việc với “Oral History Project” và dùng hình ảnh của họ để làm mẫu cho những bức chân dung này.

Được hỏi tại sao thiết kế của mình được chọn, ông trả lời một cách khiêm tốn, “Tôi không thể trả lời thay cho các giám khảo. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng tác phẩm của tôi được chọn, vì khái niệm và câu chuyện của dự án có cùng âm vang với mục đích của dự án ‘Courage to Rebuild.’ Một phần nữa, có lẽ cũng vì sự quen thuộc của tôi với khu Little Saigon và với cộng đồng của chúng ta.”

Để được chọn, ông James Định đã vượt qua 58 người khác cùng nộp đơn, và ba thiết kế khác cùng vào chung kết.

Leave a Reply