Theo CNN, số liệu chính thức cho thấy, riêng trong tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng số lượng vàng nắm giữ lên thêm gần 29 tấn. Đây là một mức tăng rất mạnh trong gần 1 năm qua.
Trước đó, trong tháng 5, nước Nga của ông Putin cũng đã có một đợt mua vào rất mạnh, thêm 20 tấn và trong tháng 6 là 17 tấn.
Tính từ đầu năm 2016 tới nay, lượng vàng dự trữ của NHTW Nga đã tăng 37%, hiện ước đạt tổng giá trị khoảng 76 tỷ USD.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga đã thăng hạng mạnh trong danh sách các quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới và đã vượt qua Trung Quốc trong danh sách này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước dự trữ nhiều vàng nhất, ở mức khoảng 9.000 tấn.
Trong khi đẩy mạnh mua vàng, nước Nga của ông Putin bất ngờ bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, từ tháng 3-tháng 5, lượng trái phiếu Mỹ do Nga nắm giữ tụt giảm 84% từ hơn 96 tỷ USD xuống còn 14,9 tỷ USD.
Hiện tại, trái phiếu kho bạc Mỹ chỉ chiếm 17% dự trữ ngoại hối của NHTW Nga.
Mỹ bắt đầu gây sức ép kinh tế lên Nga từ 2015 sau khi cáo buộc Nga có ảnh hưởng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây gần đây lại xấu đi sau khi Anh cáo buộc điện Nga đứng sau vụ mưu sát bất thành một cựu điệp viên hai mang người Nga đang sống tại Anh.
Những lệnh trừng phạt liên tiếp đã khiến nền kinh tế Nga gặp khó khăn, thị trường tài chính chao đảo. Đồng rúp của Nga tiếp giảm, từ mức 55 rúp đổi 1 USD hồi tháng 2 xuống còn 70 rúp đổi 1 USD vào tuần trước.
Nga bán tháo trái phiếu Mỹ. |
Sở dĩ Nga gom vàng và bán tháo trái phiếu Mỹ là nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Mỹ vẫn còn căng thẳng. Mỹ đẩy mạnh trừng phạt Nga trong thời gian gần đây bất chấp mối quan hệ giữa ông Trump và Putin được đánh giá là khá tốt đẹp.
Nga muốn tránh khả năng đổ vỡ hệ thống tài chính quốc gia và giảm sức mạnh của của nước Mỹ. Năm 2014, đồng rúp của Nga sụt giảm nghiêm trọng sau khi Nga bị cấm vận kinh tế và giá dầu tụt giảm. Chính quyền Putin đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để ngăn chặn đà sụt giảm của đồng tiền này nhưng bất thành. Dự trữ ngoại hối của Nga giảm mạnh. Chính quyền Kremlin sau đó đã quay sang mua vàng.
Trong nhiều năm qua, Putin luôn cố gắng làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và châu Âu, giống như những gì mà Trung Quốc làm để đè bẹp đồng tiền của Mỹ. Ông Putin dự tính cũng sẽ nâng dự trữ ngoại hối Nga lên mức trên 500 tỷ USD như hồi trước khủng hoảng 2014-2015, thay vì mức 458 tỷ USD như hiện tại.
V. Minh