Vụ việc mới đây của Google, khi hàng nghìn nhân viên đình công và đồng hành trên khắp thế giới là giọt nước tràn ly từ cách đối xử với nạn quấy rối tình dục ở thung lũng Silicon.
Những năm gần đây, những vụ bê bối liên quan đến quấy rối tình dục tại các công ty công nghệ liên tục được phơi bày ra ánh sáng. Tuy nhiên quấy rối, thậm chí là tấn công tình dục đã tồn tại từ lâu trong giới công nghệ.
Không còn là chuyện lạ
Tháng 7/2017, CNN thực hiện bài viết về những người phụ nữ trong giới công nghệ từng bị quấy rối tình dục. Cecilia Pagkalinawan, Giám đốc một công ty startup kể lại câu chuyện mình từng bị sàm sỡ ngay tại một nhà hàng khi tiếp xúc với một nhà đầu tư nhiều quyền lực để gọi vốn vào năm 2001.
Cho đến khi kể lại câu chuyện vào năm 2017, cô chia sẻ mình vẫn còn thấy đau lòng về câu chuyện đó.
“Tôi không thể tin nổi câu chuyện đó vẫn còn khiến mình đau lòng như vậy sau ngần ấy năm”, Cecilia Pagkalinawan chia sẻ với CNN.
Một tháng trước khi bài viết của CNN xuất bản, Uber, công ty khởi nghiệp số một thế giới sa thải 20 nhân viên vì những vụ việc quấy rối tình dục. Sự việc này chỉ được thông báo rộng rãi sau loạt bài trên những tờ báo như New York Times hay Bloomberg. Uber không công bố danh sách những người bị sa thải, nhưng nhiều nguồn tin khẳng định trong số đó có nhiều nhân sự cấp cao.
Trước khi Uber tiến hành điều tra nội bộ, những lãnh đạo của công ty, bao gồm cả CEO Travis Kalanick, đã im lặng trước báo cáo của một nhân viên nữ về việc bị quấy rối. Bê bối này là một trong những nguyên nhân khiến Kalanick phải rời khỏi công ty do chính ông sáng lập cuối năm 2017.
Chỉ hơn một năm sau, giới công nghệ lại dậy sóng khi những vụ quấy rối tình dục bị phơi bày, lần này là tại một công ty công nghệ lớn khác: Google. New York Times tiết lộ Andy Rubin, cha đẻ của hệ điều hành Android và là nhân sự cấp cao của Google, đã nhận được khoản tiền lên tới 90 triệu USD để rời khỏi công ty sau một cuộc điều tra nội bộ về tấn công tình dục.
Rubin không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều nhân sự khác của Google bị chỉ đích danh với những câu chuyện tường tận. Richard DeVaul, nhân sự cấp cao tại phòng thí nghiệm X của công ty mẹ Alphabet đã nộp đơn nghỉ việc chỉ chưa đầy một tuần sau bài viết nói trên.
Tại buổi tuần hành Google Walkout vào ngày 1/11, một nhân viên Google giấu tên cho rằng còn hàng nghìn câu chuyện chưa được nói ra.
“Với mỗi trường hợp như New York Times kể lại, có hàng nghìn câu chuyện tương tự không được nói ra. Đấy là lý do có nhiều người như vậy tham gia buổi tuần hành”, người này nói với BuzzFeed.
Tất cả trường hợp nói trên đều có những mô típ chung: một người đàn ông quyền lực, là lãnh đạo của một công ty công nghệ hoặc quỹ đầu tư lớn, quấy rối hay thậm chí tấn công những người phụ nữ ở thế yếu, có thể là nhân viên của họ, hoặc là đang cần tìm nhà đầu tư.
Nạn nhân thiệt hại, còn thủ phạm được cất nhắc
Lý do những câu chuyện được giấu kín rất rõ ràng: bên cạnh cảm giác tủi nhục vì bị tấn công, nạn nhân còn lo ngại cho vị trí, công việc của mình. Chia sẻ với CNN, nữ doanh nhân Bea Arthur cho rằng khi lên tiếng, người phụ nữ có thể bị đồn đại và ảnh hưởng tới công việc. Đứng ở góc độ đầu tư, những nhà đầu tư có thể đánh mất “niềm tin” khi nạn nhân dám nói ra câu chuyện của họ.
“Những người đang đứng ở trên đỉnh sẽ giữ mãi vị trí đó, và họ hiểu nhau. Họ đã trải qua chuyện đó, nên sẽ bao che cho nhau”.
Có cùng quan điểm, nữ doanh nhân Susan Ho cho rằng sự nghiệp của một nạn nhân có thể chấm dứt nếu họ lên tiếng.
“Khi nói về quấy rối tình dục, điều đó chẳng khác nào bạn đã tự thả một quả bom vào sự nghiệp của mình”.
Khi nói về quấy rối tình dục, chẳng khác nào bạn đã tự thả một quả bom nguyên tử vào sự nghiệp của mình. Ảnh: CNN. |
Gesche Haas, một nhà sáng lập đã trải qua cảm giác của nạn nhân bị đổ tội khi cô lên tiếng về một nhà đầu tư đã quấy rối mình năm 2014. Mặc dù người kia đã nhận lỗi một cách gián tiếp khi nói rằng mình quá say, cô vẫn nhận một loạt phản ứng tiêu cực trên mạng xã hội. Cô bị gọi là “đồ hoang tưởng”, bị cáo buộc là “muốn gây sự chú ý”, thậm chí là nhận được những tin nhắn dọa giết trên Twitter.
Trường hợp của Andy Rubin một lần nữa khiến những người làm trong giới công nghệ bức xúc. Nạn nhân của ông là một nhân viên cấp dưới từng hẹn hò với Rubin. Cô cho biết mình muốn chia tay sau đó nhưng sợ ảnh hưởng đến công việc, nhưng rồi cuối cùng cũng chia tay với Rubin sau khi bị ông này quấy rối.
Một nhân viên Google tại San Francisco giơ tấm bảng có nội dung: “Tôi báo cáo lại sự việc và ông ta được thăng chức”. Ảnh: Reuters. |
Vụ việc được báo cáo tới bộ phận nhân sự của Google vào năm 2014. Vài tuần sau khi Google bắt đầu điều tra, Rubin nhận được một khoản thưởng bằng cổ phiếu trị giá 150 triệu USD, mức thưởng rất cao so với tiêu chuẩn của Google. Chỉ một tháng sau, vụ việc được xác nhận, và Rubin đạt được đàm phán rời khỏi công ty với số tiền 90 triệu USD.
Cách đối xử quá hào phóng của Google với Andy Rubin là giọt nước làm tràn ly, dẫn tới cuộc đồng hành Google Walkout với hàng ngàn nhân viên Google ở khắp các văn phòng trên toàn cầu. Tại đây, nhiều người giơ cao biểu ngữ chế nhạo số tiền Google đã trả cho Rubin.
“Tôi làm việc chăm chỉ ở Google để công ty có thể trả 90 triệu USD cho người quấy rối đồng nghiệp của tôi” là nội dung của một biểu ngữ như vậy.
Sự chênh lệch giới tính là khoảng cách khó san lấp
Theo số liệu từ bài viết của Wired, vào năm 2014 chỉ có 31% số nhân viên của Facebook là nữ. Con số với Apple cũng tương tự. Đó là lý do các công ty này vẫn đang tích cực cải thiện số lượng nhân viên, lãnh đạo từ các nhóm thiểu số như nữ giới, người da màu…
Dù vậy, sự chênh lệch về số lượng vẫn rất khó san lấp. Đầu tháng 10, Amazon phải đóng cửa công cụ tuyển dụng bằng AI vì nó thể hiện sự thiên vị rõ rệt trong các tiêu chí dành cho nam giới. Facebook cũng nhận nhiều chỉ trích khi công cụ tìm việc của họ có thể lựa chọn giới tính, do đó dẫn tới nhiều công việc chỉ dành cho nam giới.
Sự chênh lệch giới tính trong ngành công nghệ khó có thể san lấp. Ảnh: Wired. |
Sự chênh lệch này làm ảnh hưởng tới chính giá trị văn hóa của những công ty ở thung lũng Silicon. Những người đàn ông làm việc không biết mệt mỏi và ăn chơi trác táng khi rảnh rỗi là hình ảnh quen thuộc thường được nhắc tới về giới công nghệ. Nhiều nhà sáng lập được xem như anh hùng, là hình ảnh nhiều người hướng đến, dù đời sống cá nhân của họ đầy tiêu cực.
Trong giới đầu tư, nam giới cũng chiếm ưu thế. CNN cho biết 89% nhân sự cấp cao, có thể ra quyết định đầu tư ở 72 công ty hàng đầu là nam giới. Năm 2016, các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn 64,9 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp có nhà sáng lập là nam, so với 1,5 tỷ USD cho các công ty với nữ sáng lập.
“Khi một nhà đầu tư là nam gặp một người khác, anh ta có thể thấy đây là một cơ hội, một người đồng nghiệp hay người hướng dẫn. Khi anh ta gặp một nhà sáng lập nữ, điều anh ta nhìn thấy đầu tiên là một người phụ nữ”.
Sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để có sự công bằng
Có lẽ một trong những lý do khiến cuộc đồng hành nổ ra ở Google là vì công ty này luôn đề cao các giá trị nhân văn từ khi ra đời. Những nhân viên của họ, do vậy, cũng bị ảnh hưởng từ những tiêu chuẩn này. Nhân viên Google biết rằng hành động của họ có thể tạo ra sự khác biệt.
Trong bản tuyên bố chính thức của mình, trang twitter Google Walkout đã đưa ra những yêu cầu cụ thể để cải thiện tình hình, như lãnh đạo phải đưa ra giải pháp để giảm sự chênh lệch về lương thưởng, cơ hội, minh bạch trong những trường hợp quấy rối tình dục, cũng như tạo ra cơ chế tốt hơn để nạn nhân báo cáo lại vụ việc.
Dù vậy, đây không thể là nỗ lực riêng lẻ của một nhóm nhân viên Google. Google Walkout có thể dẫn đến hành động từ lãnh đạo công ty, nhưng đồng thời những công ty công nghệ khác cũng phải vào cuộc để đem lại sự công bằng. Quấy rối tình dục là một vấn nạn có thật, và các công ty tại thung lũng Silicon không thể coi đây là vấn đề của người khác.
“Những người khác có thể nghĩ: đó thực sự là hành động sai trái, nhưng nó không phải vấn đề của tôi. Nếu bạn nghĩ như vậy, hãy suy nghĩ lại. Chúng ta cần chung tay giải quyết vấn đề này. Nếu bạn không lên tiếng, không hành động, bạn đang tạo điều kiện để vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Cùng lúc đó, bạn đang nói với tất cả mọi người: chúng tôi không quan tâm”, Reid Hoffman, CEO của LinkedIn chia sẻ trong một bài viết.