Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với làn sóng phản đối của người dân và quan chức chính phủ, song việc bãi bỏ mệnh lệnh này không hề dễ dàng.
Chỉ trong hơn một tuần sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Trump nhanh chóng ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp. Các mệnh lệnh mới tức khắc có hiệu lực mà không cần chờ Quốc hội thông qua. Lệnh tạm cấm dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ được thi hành ngay lập tức đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều nơi.
Trong bối cảnh đó, sắc lệnh hành pháp trở thành từ khóa “nóng” và dư luận đang ngày càng quan tâm đến sức mạnh của công cụ này.
Sắc lệnh hành pháp là gì?
Theo CNN, sắc lệnh hành pháp là văn bản chính thức được tổng thống ký nhằm ban hành chính sách của chính phủ. Trong đó, tổng thống đưa ra hướng dẫn để các cơ quan chính phủ và ban, ngành triển khai mệnh lệnh về một lĩnh vực cụ thể.
Tổng thống có quyền ban hành sắc lệnh hành pháp về mọi khía cạnh của chính quyền liên bang: Từ việc thiết lập cơ quan chính phủ mới cho đến giới hạn quyền truy cập các thông tin của chính phủ. Kể từ năm 1789 đến nay, hơn 13.000 sắc lệnh hành pháp đã được ban hành.
Tổng thống Barack Obama ban hành 277 sắc lệnh hành pháp trong 8 năm nhiệm kỳ của ông. Con số đó ít hơn rất nhiều so với số mệnh lệnh hành pháp do Tổng thống Franklin Roosevelt ký trong 12 năm ở Nhà Trắng (3.721).
Số sắc lệnh hành pháp các tổng thống Mỹ ban hành kể từ thời Roosevelt. Đồ họa: CNN. |
So với sắc lệnh hành pháp, biện pháp hành pháp là khái niệm rộng hơn, bao gồm tất cả những gì tổng thống có thể đơn phương thực hiện trong quyền hạn của mình.
Biện pháp hành pháp có thể bao gồm các hướng dẫn, chỉ thị, sắc lệnh, bản ghi nhớ, tuyên bố…, đa số đều không có tính ràng buộc.
Theo một tuyên bố của bộ Tư pháp năm 2009, chỉ thị và bản ghi nhớ dùng để thông báo về chính sách của chính phủ cho các cơ quan liên bang, có hiệu lực tương đương với sắc lệnh. Tuyên bố mang tính nghi lễ hơn và thường không có sức nặng pháp lý.
Sắc lệnh hành pháp khó bị hủy bỏ
Sắc lệnh hành pháp của tổng thống mang tính ràng buộc pháp lý và không thể bị Quốc hội xóa sổ. Tuy nhiên, nó chịu sự giám sát của ngành tư pháp và có thể bị bãi bỏ nếu như Tòa án Tối cao tuyên bố sắc lệnh đó vi hiến.
Lệnh tạm cấm dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh của Tổng thống Trump đang đối mặt với thách thức bị Tòa án Tối cao Mỹ xét lại. Những người chỉ trích sắc lệnh này nói nó đi ngược lại một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp về việc không được phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo.
Ngày 28/1, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ Syria trong 120 ngày đồng thời cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria trong 90 ngày. Ảnh: Reuters. |
Tổng chưởng lý của 16 bang tại Mỹ, bao gồm California, New York và Pennsylvania, hôm 29/1 đã ra tuyên bố chung khẳng định “sẽ dùng tất cả mọi công cụ trong quyền hạn để chống lại sắc lệnh vi hiến” của Trump.
Ngày 30/1, Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson có bước đi quyết liệt hơn khi đệ đơn kiện tuyên bố lệnh cấm nhập cư mà Tổng thống Trump áp đặt với công dân 7 quốc gia Hồi giáo là phi pháp, vi hiến.
Mặc dù vậy, việc xác định sắc lệnh hành pháp có hợp hiến hay không luôn là một cuộc chiến pháp lý căng thẳng, khó khăn và mất nhiều thời gian. Các biện pháp hành pháp nói chung thường gây tranh cãi do Hiến pháp không quy định cụ thể về việc sử dụng các biện pháp này khi nào và như thế nào.
Lịch sử Mỹ mới chứng kiến hai lần sắc lệnh hành pháp của tổng thống bị ngành tư pháp bãi bỏ. Sắc lệnh đầu tiên do Tổng thống Harry Truman ban hành năm 1952, yêu cầu chính phủ kiểm soát các nhà máy thép để tiếp tục sản xuất trong thời gian công nhân đình công thời kỳ chiến tranh Triều Tiên.
Sắc lệnh thứ hai do Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1995 nhằm ngăn chính phủ ký hợp đồng với các công ty thuê người thay thế công nhân đình công.
Về mặt lý thuyết, Quốc hội cũng có thể ngừng hiệu lực của một sắc lệnh hành pháp, song điều này trên thực tế không dễ dàng thực hiện.
Thông qua một đạo luật, Quốc hội có khả năng hạn chế kinh phí dành cho việc triển khai sắc lệnh. Tuy nhiên, đạo luật này có thể bị tổng thống phủ quyết, trừ khi có hai phần ba thành viên trong mỗi viện phủ quyết để gạt bỏ sự phủ quyết của tổng thống.
Con đường thứ ba để sắc lệnh hành pháp của tổng thống bị hủy bỏ là khi người kế nhiệm ban hành sắc lệnh mới. Tổng thống Trump có thể hủy bỏ bất kỳ sắc lệnh hành pháp nào của Tổng thống Obama, cũng như người kế nhiệm Trump có thể làm điều tương tự.
Theo tổ chức Nghiên cứu phục vụ Quốc hội Mỹ, mỗi tổng thống cũng có quyền thu hồi, sửa đổi hay thay thế chính các mệnh lệnh hành pháp của mình, .
Điều này khó có thể xảy ra bởi ông Trump, người đang quyết tâm chứng tỏ sẽ thực hiện những lời hứa khi tranh cử, nhiều khả năng sẽ không đảo ngược những gì mình vừa quyết định.