Shon Hopwood sinh ra và lớn lên tại bang Nebraska trong một gia đình nông dân khá giả. Hồi còn nhỏ, Hopwood là cậu bé hoạt bát, hòa đồng và chăm chỉ; cậu thường phụ ba mình trông coi trang trại bò sữa. Tuy nhiên, cậu không thích học và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của cậu.
Lớn lên, Hopwood cũng đỗ đại học như nhiều người bạn khác, nhưng vì thường xuyên bỏ học nên Hopwood bị đuổi khỏi trường. Nghỉ học, Hopwood tham gia quân ngũ trong vòng 2 năm sau đó trở về quê nhà. Mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ, anh làm việc trong tầng hầm của trang trại, cuộc sống khó khăn, khốn khổ đã khiến Hopwood cảm thấy chán nản, anh rơi vào ma túy và rượu chè. Đêm nọ, người bạn của Hopwood rủ anh đi cướp ngân hàng và anh đồng ý.
Vào một ngày thu tháng 8/1997, hai chàng thanh niên xách hai khẩu súng trường và hộp đựng đồ nghề bằng sắt xông vào một nhà băng tại Mỹ cướp tiền. Mặc dù lúc đó, Hopwood đầm đìa mồ hôi, trống ngực đập liên hồi nhưng cả hai gom được 50.000 USD rồi bỏ trốn.
Ngay sau vụ cướp táo tợn trong đời, cả Hopwood và bạn thân của mình đều biết rằng họ vừa vướng vào một sai lầm khủng khiếp. Bạn của Hopwood khuyên anh ra đầu thú và trả lại số tiền. Tuy nhiên, Hopwood không đồng ý và tiếp tục đi cướp thêm 4 nhà băng nữa.
Sau đó Hopwood bị bắt. Thẩm phán Richard Knof tuyên án anh 12 năm và 3 tháng tù giam. Lúc đó, Shon Hopwood mới chỉ 23 tuổi. Cánh cửa tương lai khép lại ngay trước mắt một người trẻ, một dấu chấm hết cho tất cả những dại dột và sai lầm.
Cuộc đời phía sau những song sắt
Kinh khủng trước cảnh đánh đấm và lau dọn của các tù nhân trong trại giam, Hopwood quyết định xin làm tại một thư viện trong nhà tù, nhưng anh thậm chí đã không đọc đến bất kỳ một cuốn sách nào của thư viện trong suốt 6 tháng đầu tiên làm việc tại đây.
Hopwood nói với Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh: “Tìm được việc làm trong thư viện pháp luật nhà tù, phân phát sách tốt hơn là rửa bàn trong nhà bếp và đó thật sự là động lực ban đầu để tôi làm việc trong thư viện pháp luật”.
Tháng 6/2000, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ quyết định bất cứ luận điểm nào bên công tố đưa đến cơ nguy làm bị cáo chịu án nặng hơn phải thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Để được khoan hồng, bị cáo nên thành khẩn nhận tội ngay. Đây chính là nguồn động lực cho Hopwood nghiên cứu luật, anh nghĩ quyết định này có thể giúp anh thay đổi hình phạt của Tòa đối với anh.
Hopwood nói: “Tôi đột nhiên có động lực để tự giải quyết vấn đề của mình và cuối cùng tôi cũng đã có động lực để nghiên cứu luật”.
Trong suốt 2 tháng, Hopwood dành thời gian nghiên cứu về luật và soạn ra bản thảo trình lên tòa để xin thay đổi hình phạt bản án đối với anh. Tuy nhiên, đơn của anh không được phê chuẩn. Vậy nhưng, điều đó không cản trở được anh quan tâm tới luật pháp. Hopwood dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về luật, anh đọc những cuốn sách giáo khoa luật dài tới cả 1650 trang.
“Những gì tôi tìm thấy là tôi thực sự rất thích quá trình giải quyết các bài toán pháp luật và viết ra câu trả lời, và vì vậy tôi bắt đầu giúp đỡ các tù nhân khác với các trường hợp của họ”.
Hopwood không nhớ tên của người đầu tiên anh đã giúp đỡ, nhưng anh nhớ John Fellers, bạn cũng đồng là bạn tù với anh. Hopwood giúp Felllers nộp đơn lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Hàng nghìn lá đơn được nộp lên, nhưng chỉ chưa đầy 100 lá đơn được chấp nhận và lá đơn của Hopwood là một trong gần trăm lá đơn hiếm hoi ấy. Hopwood có khoảng 30 lá đơn tương tự như vậy.
Cũng trong thời gian này, lá đơn kháng án của Hopwood viết giúp một tù nhân đã gây chú ý với Cựu Thứ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ. Ông đặc biệt ấn tượng với tên cướp nhà băng có năng lực viết đơn kháng án bằng những lý luận rất rõ ràng và mạch lạc. Cũng chính trong thời gian này, tình bạn giữa Hopwood và ông cựu Thứ trưởng nảy nở. Đây cũng chính là mối nhân duyên thay đổi tương lai sau này của Hopwood.
Năm 2009, Hopwood mãn hạn tù, lúc đó anh 33 tuổi. Trở về cuộc sống đời thường, Hopwood ước mơ sống một cuộc đời bình thường như bao con người khác. Hopwood muốn được đi học, muốn có một gia đình nhỏ ấm áp; sau quyết định nông nổi của tuổi trẻ bồng bột, anh giờ đã chín chắn và trưởng thành. Anh đi xin việc, nhưng vết đen trong quá khứ biến thành một trở ngại lớn đối với anh trong việc hòa nhập xã hội. Cuối cùng, Hopwood tìm được một công việc rửa xe ở thành phố Omaha, bang Nebraska.
Thật may mắn, nhờ gây được ấn tượng sâu sắc với ngài Cựu thứ trưởng, Hopwood đã được ông bảo lãnh vào làm cho một công ty luật. Như huyền thoại, chuyện làm lại cuộc đời của một tên từng 5 lần cướp nhà băng được tờ New York Times đăng tải làm Shon Hopwood được nhiều lời mời làm diễn giả ngay cả hợp đồng viết sách.
Vẫn còn khó khăn khi nộp bản tư pháp lý lịch để được vào trường Luật, nhưng trường Đại học Washington chấp thuận cấp cho Hopwood một học bổng toàn phần. Lúc ấy, anh đã có vợ và một cậu con trai nhỏ. Ngày đầu tiên anh đi học cũng là ngày vợ sinh đứa thứ hai. Đó là một bé gái.
Hopwood học 12 giờ mỗi ngày với ước mơ làm luật sư. Anh rất lo lắng vì sợ rằng quá khứ đen tối sẽ khiến giấc mơ của mình không thể trở thành hiện thực. Cuối cùng, sau khi vượt qua nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá của cơ quan pháp luật Mỹ, anh chính thức được công nhận trở thành luật sư vào tháng 4/2015. Sau đó, anh được nhận vào làm việc tại Đại học Georgetown với vị trí giáo sư dạy luật, theo The Washington Post.
Học kỳ này Hopwood đang giảng dạy một lớp học về luật pháp và chính sách của nhà tù. Anh nói rằng, kinh nghiệm nhà tù của anh ảnh hưởng đến cách anh hướng dẫn sinh viên của mình.
Theo kinh nghiệm ở trong tù, anh đã quá quen với kết quả của quá trình pháp lý sau khi bắt giữ, xét xử và kết án.
“Tôi không chỉ biết các học thuyết pháp lý về những quyền hiến định mà tù nhân có, bởi vì tôi đã nghiên cứu luật này trong một thời gian dài, nhưng tôi cũng đã kiện một số người tuyên bố này”.
Khi Hopwood không giảng dạy, anh là một nhà hoạt động tích cực cho cải cách tư pháp hình sự.
Hopwood thuộc Hội đồng Quản trị Gia đình đối với Mức Tối thiểu bắt buộc. Anh cũng đã đến Nhà Trắng trong mấy tháng gần đây để thảo luận về cải cách nhà tù. Anh cũng làm một số điều hợp lý cho kiện tụng ngày nay.
Người ta có thể nghĩ rằng Hopwood có cái nhìn hoặc quan điểm sâu sắc về pháp luật hơn các đồng nghiệp của mình, nhưng anh có phần không đồng ý.
“Chỉ vì tôi đã vào tù và họ không có. Tôi nghĩ nếu không thì quan điểm của chúng tôi rất giống nhau”. Hopwood giải thích. “Tôi chưa từng gặp bất kỳ ai trong số các đồng nghiệp của tôi mà không hiểu rằng hệ thống tư pháp hình sự quá lớn, chúng ta đã giam cầm con người quá lâu, và chúng ta thực sự cần phải nghĩ đến việc làm cho hệ thống tốt hơn”.
Trên con đường đi tới thành công, mỗi người chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những vấp ngã và thất bại. Nhiều người thường tự đóng kín cánh cửa cuộc đời sau một biến cố lớn hay thất bại nào đó. Có người nói rằng đã quá muộn để bắt đầu, có người vẫn loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho đam mê và mục đích. Và dường như sự đợi chờ và tìm kiếm đã quá lâu khiến họ không thể tiếp tục một tương lai với nhiều hy vọng đón đợi, nhưng đừng bỏ cuộc vì chẳng ai biết được tương lai của mình tươi đẹp nhường nào như câu chuyện của kẻ cướp nhà băng Shon Hopwood mà bạn đã biết trên đây.
Tuệ Minh