TTO – Sau quyết định phủ đầu Syria bằng tên lửa, chính quyền Donald Trump lại điều nhóm tàu tác chiến hướng đến vùng biển tây Thái Bình Dương gần bán đảo Triều Tiên.
Chiến đấu cơ F18 sắp đáp trên tàu sân bay USS Carl Vinson – Ảnh: Reuters |
Quyết định của lãnh đạo quân sự Mỹ khiến người ta chú ý bởi nó mang tính đột ngột, không nằm trong kế hoạch.
Quyết định do Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thông báo vào ngày 9-4 cũng được cho là “bất thường” bởi đội tàu sân bay này vừa ghé thăm Hàn Quốc chưa đầy một tháng qua.
Tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống theo kế hoạch từ Singapore ghé nghỉ ở cảng tại Úc nhưng nay hướng đến mục tiêu mới.
Tàu Carl Vinson là một tàu sân bay đa năng hoạt động bằng năng lượng hạt nhân. Nó là một trong những tàu “hạng nặng” của hải quân Mỹ.
Kèm cặp cho nó là hai tàu khu trục có khả năng bắn tên lửa như hai tàu đã tấn công Syria rạng sáng 7-4 vừa qua, và một tuần dương hạm có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Với đội ngũ hùng hậu đó, cùng lực lượng đã đồn trú trong khu vực, người ta tin rằng Mỹ đủ sức gây một cú đánh phủ đầu như đã làm với Syria.
Tổng thống Donald Trump cũng đã không giấu ý định “đơn phương hành động” khi Bắc Kinh không tham gia hợp tác xử lý vấn đề Triều Tiên.
Chỉ dọa dẫm lấy oai?
Sự chuyển hướng trên biển của đội tàu Mỹ vì thế khiến nhiều chuyên gia phải đoán già đoán non.
Nhà phân tích chính trị Nicole Bacharan, chuyên gia về Mỹ, nhận định: “Tổng thống Trump muốn ra oai mạnh mẽ. Ông ấy đã rất hài lòng với các phản ứng từ thế giới sau vụ tấn công tên lửa vào Syria. Nay ông ấy muốn chứng minh với toàn thế giới rằng đừng nên chọc giận ông ấy và nước Mỹ đang quay trở lại vũ đài thế giới”.
Trong khi đó ông Yves Boyer, giám đốc khoa học của Diễn đàn tương lai, nhận định: “Theo tôi vẫn còn một khoảng an toàn trước khi Mỹ có thể tấn công CHDCND Triều Tiên. Nếu ông Trump thật sự muốn can thiệp vào bán đảo Triều Tiên thì ông ấy đã cho không kích rồi chứ không cần phải tuyên bố công khai là đưa đoàn tàu sân bay vào khu vực này”.
Theo ông Boyer, ông Trump có vẻ chỉ muốn trấn an các đồng minh Hàn Quốc và Nhật về sự bảo vệ của Mỹ trước các mối đe dọa.
Các chuyên gia cũng không tin rằng ông Trump có thể nóng vội xử lý một vấn đề khó chỉ trong thời gian ngắn cầm quyền ở Washington.
Ông Jean-Eric Branaa, giáo sư chuyên về chính trị Mỹ của ĐH Paris 2, nhận định: “Donald Trump có thể bị rơi vào cái bẫy của chính mình. Thông thường nếu muốn phô trương sức mạnh, thì hẳn phải có ý đồ gì sau đó”.
Ý đồ này, theo các chuyên gia nhiều khi chỉ nhằm mục tiêu phục vụ cho uy tín của Tổng thống Trump. Sau quyết định tấn công Syria, tỉ lệ ủng hộ ông Trump đã tăng lên. Ông ấy có thể tiếp tục dùng con bài “xử lý nghiêm vấn đề Triều Tiên” để thể hiện hình ảnh một lãnh đạo cương quyết, nói là làm.
Seoul hạ nhiệt
Hàn Quốc cũng đã nhanh chóng trấn an công luận về khả năng dội tên lửa của Mỹ. Hãng tin Yonhap ngày 10-4 dẫn lời ông Lee Duck Hang, phát ngôn nhân của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nhấn mạnh: “Thực sự là không cần phải lo lắng. Người Mỹ đã nói rằng họ ủng hộ chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên và chính phủ chúng ta muốn giải quyết các vấn đề theo cách hòa bình”.
Thực sự là người Hàn Quốc không phải không hiểu những mất mát của chiến tranh. Ông Lee nhấn mạnh tại buổi họp báo: “Rất cần gìn giữ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên bằng cách giải quyết khéo léo những vấn đề liên quan vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.
Vị đại diện Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cho biết Seoul sẽ tham vấn chặt chẽ với Washington và các chính phủ các nước trong khu vực.
Nhưng thực sự có vẻ chính các quan chức Hàn Quốc cũng không an tâm lắm đối với lối quyết định bất ngờ của chính quyền mới ở Mỹ.
Theo hãng tin Yonhap, ông Lee Duck Hang, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cũng chỉ thông tin mang tính phỏng đoán: “Việc triển khai đội tàu có vẻ phản ánh tính nghiêm túc trong đánh giá của người Mỹ về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Việc triển khai này nhằm tăng cường khả năng cho các đồng minh phòng ngừa những khiêu khích chiến lược từ Triều Tiên như thử hạt nhân hoặc bắn tên lửa”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, sau những phát ngôn đầy chất cứng rắn về vấn đề Triều Tiên lại đang để ngỏ khả năng hạ nhiệt vấn đề nếu Bắc Kinh chịu kềm cặp Bình Nhưỡng chặt chẽ hơn. “Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ làm làm điều đó. Trung Quốc đã nói sẽ làm điều đó. Và tôi tin rằng chúng ta cần dành thời gian để Trung Quốc thực thi các hành động và chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận chặt chẽ với Trung Quốc”.
Có thể thấy kiểu hành xử vừa đấm vừa xoa kiểu rất rõ ràng của chính quyền Donald Trump. Cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida vừa qua được nhà lãnh đạo Mỹ ca ngợi là hiệu quả.
Ai cũng biết rằng vấn đề Triều Tiên được ông Trump đưa lên ưu tiên hàng đầu trong cuộc nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Trump phát lệnh cho điều tàu chiến nhưng một mặt lại để cửa ngõ ngoại giao mà theo phát ngôn của ông Rex là Mỹ “không muốn thay đổi chế độ tại Triều Tiên” và chỉ muốn “Triều Tiên giải giới hạt nhân”. Có được cam kết đó thì Mỹ thậm chí sẽ đối thoại với Triều Tiên!
Và rồi trong ngày hôm nay (10-4), vị đại diện ngoại giao của Trung Quốc chuyên về vấn đề Triều Tiên, trong các cuộc làm việc tại Seoul, đã lên tiếng về việc phải trừng phạt nặng hơn đối với Bình Nhưỡng nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.