Theo đạo diễn Lê Hải, sao Việt cần hạn chế viết những dòng status thể hiện quá lố những cảm xúc cao độ, nhất là sự khó chịu, ganh ghét, giận dữ trên trang cá nhân.
Giữa tâm bão dư luận của hàng loạt cuộc cãi vã trên mạng xã hội từ những tên tuổi lớn của làng giải trí Việt, đạo diễn Lê Hải (được nhớ đến là nhân vật “Anh Bờ Vai” của chuỗi chương trình Lần đầu tôi kể) gửi đến Zing bài viết trình bày quan điểm riêng về tình trạng này
Đạo diễn Lê Hải là người gắn bó lâu năm và chứng kiến nhiều thăng trầm của showbiz Việt. Anh cũng có mối quan hệ thân tình với nhiều sao Việt hàng đầu . Ảnh: Nguyễn Thành. |
1. Chọc là chửi, chê là chửi
Chưa khi nào làng giải trí Việt có quá nhiều chuyện rối rắm như hiện nay. Chưa đầy hai tháng đầu năm 2017 mà có hơn chục scandal đủ thể loại, đủ kiểu cười ra nước mắt từ chuyện vợ chồng Phi Thanh Vân – Bảo Duy “tố nhau” bằng cách live stream hay cuộc đá xéo sặc mùi phim xã hội đen của Duy Mạnh -Tuấn Hưng…
Nhưng thật ngẫu nhiên, các nghịch cảnh này có 6 điểm chung:
– Chọc là chửi, chê là chửi, chán là chửi, chia (tay) cũng chửi, chảnh cũng chửi, chôm chỉa càng chửi nốt.
– Phát ngôn hả hê, thóa mạ “có văn hóa” với cấp độ tăng dần: từ nhỏ nhẹ, bóng gió, đá xéo bâng quơ, đến miệt thị đích danh, ném “lựu đạn” không thương tiếc, kể cả hăm dọa hành xử theo kiểu xã hội đen…
– Miễn làm đối phương càng tổn thương và muốn chui xuống… gầm giường là coi như mãn nguyện.
– Nhân vật chính hầu hết là những nghệ sĩ “bự chà bá” nằm trong danh sách top những nhân vật làm hao tốn nhiều giấy mực nhất của giới truyền thông, rất cá tính với những phát ngôn “đao to búa lớn”, thường xuyên gây bão, động đất cấp độ mạnh.
– Tất cả được diễn ra với sự chứng kiến, tham gia “chọi đá trợ giúp”, bóc phốt và chém gió nhiệt thành của cư dân mạng trong tư thế sẵn sàng kích động, thêm dầu vào lửa từng giây từng phút. Khi “chủ hộ” hốt hoảng í ới gọi là đội quân hùng mạnh này coi như thành công, xong việc! Kết quả là “nhà cháy”.
– Những xung đột bất tận này có vẻ không đi đến hồi kết vì ai cũng hung hăng, háo thắng, thà chịu chết chứ không chịụ… ngưng chửi, vì mày sai rồi, và tao luôn đúng!
2. “Cám ơn”, “Xin lỗi” sắp tuyệt chủng
Bất chợt tôi nhớ lại câu chuyện lãnh đạo Bình Phước xin lỗi Thủ tướng vì rừng bị phá hay cậu bé học lớp 10 ở Hải Phòng để lại tờ giấy cùng số điện thoại của mình bày tỏ sự hối hận và mong muốn đền tiền vì lỡ làm bể kính chiếc ôtô của một bác sĩ mà không biết cách nào liên lạc…
Vài người bạn phương Tây thường xuyên dùng từ “sorry”, “thank you” khi giao tiếp, thắc mắc hỏi tôi: “Tại sao những câu cám ơn, xin lỗi tưởng chừng rất bình thường này lại được truyền thông giật title, mọi người hào hứng kể lại và truyền lửa cho nhau như những câu chuyện cổ tích đẹp hiếm hoi thời nay vậy?”.
Tôi hơi buồn kèm chút tự ái dân tộc và cúi mặt trả lời lí nhí kiểu nói cho qua: “Có lẽ bởi từ lâu, người Việt ít được nghe hai từ này!”
Trong khi họ trố mắt nhìn sau lời giải thích, còn tôi thì tự nghĩ thầm trong bụng: “Nếu không có những cải thiện hiệu quả, vài năm nữa, 2 từ này biết đâu sẽ được ghi vào “sổ đỏ”, vì sắp… tuyệt chủng tại xứ nhà?”
Đúng là “Hard to say I’m sorry” (Thật khó để nói lời xin lỗi), giống tựa một ca khúc nổi tiếng của nhóm Chicago!
Câu chuyện trên đây giống y hệt tình huống sau: không dùng, hoặc ít dùng, đến khi buộc phải dùng thì thấy gượng gạo, thậm chí còn có người cho rằng sến sẩm – đó là kết quả thú vị của một trò chơi nhân rộng lòng yêu thương, rất vui hài hước nhưng cũng rất cảm động xuất phát từ mạng xã hôi: Khi một ngày đẹp trời mọi người đồng loạt gửi tin nhắn cho mẹ với 3 từ: “Con yêu mẹ”.
3. Cách ứng xử của Hoài Linh
Cũng mới đây, tôi cho rằng chuyện Hoài Linh lên tiếng xin lỗi thay cho hành động bỏ diễn của đàn em Trường Giang khi bị khán giả ném chai ở một sân khấu tỉnh là những đốm sáng lấp lánh được thấp dần lên trong màn đêm đậm màu “gây chiến” bao phủ.
Không chỉ lần này, Hoài Linh mãi luôn chừng mực trong cuộc sống, nói ít làm nhiều, ứng biến khéo léo, dập tắt nhanh và ngay những cuộc đấu khẩu vô hạn, vô thưởng, vô phạt, xoay vòng mối quan hệ rối như trận đồ bát quái, đem lại ít nhiều tín hiệu lạc quan trong đời sống giải trí đầy thị phi và sĩ diện như hiện nay! Đó gọi là sự tiết chế cần thiết của nghệ sĩ.
Nhà sử học người Anh Thomas Fuller từng nói: “Con người thích trả thù vì bị tổn thương hơn là đền đáp cho lòng tử tế!”. Hay nói cách khác, theo tôi, nếu bạn biết tăng cảm giác sợ hãi và hối hận khi làm người khác tổn thương, thì bạn cũng sẽ “được nhận” giảm dần những tổn thương từ người khác hướng về mình!
Nhưng mấy ai làm được điều này?
Mối quan hệ thân tình một thời giữa Duy Mạnh và Tuấn Hưng bỗng chốc “phá sản” bởi những status trên mạng xã hội. |
4. ‘Người thứ 3’ xuất hiện
Ai cũng có cái tôi, nhưng nghệ sĩ thì cái tôi gấp bội. Nguy hiểm hơn, khi cuộc đấu khẩu vốn đã căng thẳng, thì sự xuất hiện của đối tượng thứ ba luôn sẵn sàng tư thế để soi, công kích và ném đá, “thêm dầu vào lửa”, cộng với tính sĩ diện của nghệ sĩ khiến mọi thứ không được khoét sâu trầm trọng hơn mới lạ!
Để không mất hình ảnh lung linh trong mắt fan và giữ thể diện “thần tượng”, hai nhân vật chính phải ra sức chống chế, ngụy biện, nói dối, gàn dở hoặc thậm chí còn dẫn đến hăm dọa chợ búa, hành động hung hăng, xô xát gây thương tích…
Không chỉ ở giới văn nghệ sĩ, câu chuyện “Lục Vân Tiên” ở Bắc Ninh bị người nhà nạn nhân mình vừa cứu tưởng nhầm là kẻ gây ra tai nạn nên hung hăng rút dao ra đâm hay 2 bà hiệu trưởng hiệu phó trường Nam Trung Yên ở Hà Nội tìm cách quanh co để che giấu việc lái xe ô tô vào sân trường đụng học sinh gãy chân khiến tôi lại nghĩ: những người trong các lĩnh vực tưởng chừng phải gương mẫu nhất hóa ra lại tệ hại hơn mọi người nghĩ rất nhiều!
5. Giải pháp
Cuối cùng, theo tôi có 3 giải pháp để giảm thiểu những xung đột, bất hòa trầm trọng không đáng có trong giới nghệ:
LÀ NGHỆ SĨ:
– Hạn chế bày tỏ status thể hiện thái quá những cảm xúc cao độ, nhất là trạng thái khó chịu, ganh ghét, giận dữ dẫn đến phát ngôn thóa mạ, vu khống, chửi bới, hăm dọa, đòi thanh toán, hành xử giang hồ…
– Hãy là người có suy nghĩ tích cực, là tấm gương đẹp về cách sống, ứng xử có văn hóa, vì khán giả, vì cộng đồng hơn vì bản thân mình, xứng đáng là người của công chúng, người nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa.
LÀ FAN:
– Hãy là những khán giả có trình độ, công tâm, biết suy nghĩ, đúng sai rạch ròi, để luôn góp ý chân tình, cổ vũ những hành động đẹp, suy nghĩ đẹp của thần tượng. Đặc biệt không kích động, khiêu khích, đổ dầu vào lửa trong những cuộc đấu khấu giữa 2 người theo kiểu nói cho sướng miệng bất chấp hậu quả.