4 câu ngạn ngữ tổng kết quy luật lịch sử của nhân loại
Wittke là nhà lịch sử học nổi tiếng người Đức. Ông từng tổng kết lịch sử nhân loại bằng 4 câu ngạn ngữ của Đức như sau:
1. Trời muốn diệt ai, trước tiên sẽ để họ bành trướng.
2. Thời gian là cái sàng, cuối cùng sẽ đào thải tất cả những thứ cặn bã.
3. Ong mật trộm hoa, kết quả lại khiến hoa nở rộ hơn.
4. Bầu trời càng u ám, lại càng có cơ hội nhìn thấy ánh sáng của các vì sao.
Cảm ngộ:
Thế gian hỗn độn, vàng thau lẫn lộn, thực giả khó lường. Những chuyện trước mắt tưởng như là đúng, hóa ra lại là sai. Vậy nên người biết nhìn xa trông rộng sẽ không bị mê hoặc bởi cảnh tượng trước mắt. Chỉ khi thuận theo đạo Trời mới có phân biệt bản chất và kết cục thịnh suy của vạn sự trên đời.
Những người hiện giờ đang chiếm ưu thế, có thể lấn lướt người khác, dùng tiền bạc và quyền thế ức hiếp những người lương thiện thì chưa thể sớm mỉm cười đắc ý. Những người thiện lương, đức hạnh dẫu gặp phải kiếp nạn cũng sớm ngày đón được ánh bình minh rạng rỡ.
Binh sỹ động lòng trắc ẩn với chú nhện đốt mình, kết quả là…
Một binh sỹ sau khi bị quân địch đột kích đã trốn vào trong hang núi. Quân địch đuổi sát ngay phía sau, cậu ta nhanh chân trốn vào trong động và cầu Trời khấn Phật đừng để mình bị quân địch phát giác. Đột nhiên một cánh tay của cậu bị đốt đau nhói. Hóa ra là một con nhện.
Cậu định tiện tay vê nát nó, nhưng đột nhiên lại động lòng trắc ẩn bèn thả con nhện đi. Không ngờ chú nhện chui vào trong động lại thoăn thoắt dệt nên một cái mạng mới. Quân địch đuổi sát vào trong động nhìn thấy một cái mạng nhện vẫn còn nguyên vẹn, bèn đoán rằng trong động không có ai và kéo nhau rời đi.
Cảm ngộ:
Nhiều khi, giúp đỡ người khác cũng là đang giúp chính mình, bao dung với người khác lại là đang vun trồng cây uy đức cho mình về sau. Những câu nói như: “Có đức mặc sức mà ăn”, “Người lành trời dành phúc cho” tuy giản dị nhưng lại ẩn chứa nội hàm và trí tuệ sâu sắc của con người.
Nếu đánh mất chiếc đồng hồ, bạn sẽ làm thế nào?
Người cha đánh mất chiếc đồng hồ, ông lẩm bẩm trách mình và lật tung đồ đạc lên tìm kiếm. Nhưng vất vả cả nửa ngày ông cũng không tìm thấy. Đợi cha đi khỏi, cậu con trai lặng lẽ vào trong phòng. Chỉ một lát sau cậu bé đã tìm thấy chiếc đồng hồ. Cha tròn mắt ngạc nhiên kinh ngạc hỏi:“Làm thế nào mà con tìm được nhanh vậy?”. Cậu con trai nhỏ nhẹ nói: “Con ngồi yên lặng một lúc là có thể nghe được tiếng tích tắc, tích tắc. Con lần theo âm thanh đó là tìm thấy chiếc đồng hồ của cha thôi”.
Cảm ngộ:
Chúng ta càng lo lắng sốt ruột tìm kiếm lại càng không tìm được thứ mình cần. Chỉ khi bình tĩnh trở lạị, giữ được cái tâm tĩnh lặng thì trí huệ mới nảy sinh.
Lão hòa thượng trước và sau khi đắc Đạo
Một vị hành giả hỏi lão hòa thượng:“Trước khi đắc Đạo ngài làm gì?”.
Lão hòa thượng trả lời:“Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”.
Vị hành giả lại hỏi:“Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”.
Lão hòa thượng nói:“Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”.
Hành giả lại hỏi:“Như vậy nghĩa là đã đắc Đạo rồi sao?”.
Hòa thượng già trả lời:“Trước khi đắc Đạo, khi chặt củi thì ta nhớ đến gánh nước, khi gánh nước ta lại nhớ đến nấu cơm. Sau khi đắc Đạo, chặt củi là chặt củi, gánh nước là gánh nước, nấu cơm là nấu cơm thôi”.
Cảm ngộ:
Đại đạo chí giản, tâm bình thường chính là Đạo. Con người hiện đại luôn hối hả không ngừng với những lịch trình bận rộn. Khi quá nhiều ước vọng theo đuổi, những thứ ngoài thân như vật chất, tình yêu thương của người khác sẽ chỉ khiến tâm bạn rối bời và mệt mỏi. Chỉ khi ham muốn ít đi, đặt trọn trái tim mình vào những việc đang làm, bạn mới có thể sống trọn vẹn để trải nghiệm và yêu thương cuộc sống.
Ôm đứa con 10kg và ôm tảng đá 10kg có gì khác biệt?
Ôm đứa con 10kg của mình, bạn sẽ không thấy mệt vì bạn yêu mến chúng. Nhưng nếu phải ôm một tảng đá nặng 10 kg bạn lại chẳng thể kiên trì được bao lâu, chỉ mong mỏi thoát khỏi tình cảnh này từng phút từng giây.
Cảm ngộ:
Khi một người phải làm việc mà mình không thích thì dẫu tài hoa lai láng họ cũng chẳng thể phát huy. Khi một người thích làm một việc gì đó, thì tiềm năng mà anh ấy có sẽ khiến bạn phải vô cùng kinh ngạc. Cho nên, một người không có thành tích, không nhất định là anh ấy không có năng lực, rất có thể là vì anh ấy không thích.
Vậy nên hãy làm những điều bạn thực sự mong muốn, cuộc sống sẽ thi vị và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cũng đừng gượng ép người khác, dẫu là cha mẹ, vợ chồng, con cái làm những việc mình thích nhưng lại trái với sở nguyện của họ.
Khi cần sự giúp đỡ bạn sẽ tìm đến ai?
Vào chiến tranh thế giới thứ hai, một gia đình Do Thái bị bức hại. Cậu con trai cả và con trai út lần lượt tìm kiếm sự trợ giúp nhằm thoát thân. Cậu cả tìm một người đã từng giúp đỡ mình. Cậu út lại tìm người mà mình từng giúp đỡ. Kết quả là cậu cả được cứu còn cậu út thì bị bán đứng.
Cảm ngộ:
Người yêu mến bạn sẽ luôn nguyện ý phó xuất gì bạn, người bạn yêu quý chưa chắc đã sẵn sàng phó xuất vì bạn. Trong cuộc sống hiện thực thì những người trung thành với bạn đều là những người từng ban ân huệ cho bạn và những người yêu mến bạn. Kỳ thực những người sẵn lòng giúp đỡ bạn đa phần đều đến để báo đáp ân tình mà bạn đã dành cho họ từ kiếp trước. Muốn có nhân duyên tốt về sau, hãy gieo mầm thiện từ kiếp này.
Chúng ta có thể thay đổi được điều gì?
Một chú quạ đang bay về hướng đông thì gặp một con chim bồ câu, quạ bèn đậu xuống cạnh bồ câu để nghỉ ngơi một lát. Bồ câu thấy quạ bay rất vất vả bèn hỏi han một cách ân cần: “Anh muốn bay đi đâu?”. Quạ bất bình đáp: “Kỳ thực là tôi không muốn rời đi, nhưng những người dân nơi đây chán ghét tôi vì chê bai tiếng hót của tôi không hay”. Bồ câu tốt bụng nói: “Anh đừng nhọc công vô ích nữa. Nếu anh không thể thay đổi được âm thanh của mình thì bay đến đâu cũng chẳng được chào đón đâu”.
Cảm ngộ:
Làm việc gì cũng vậy, nếu bạn muốn hay đổi mục tiêu, cách thức, hay môi trường cũng vô ích, chi bằng hãy thay đổi chính mình. Trong dân gian có câu “Giếng trong thì người dùng rửa mặt, giếng đục người lại dùng rửa chân”. Vậy nên, trước khi trách móc người khác không trọng dụng mình thì hãy biến mình trở thành một viên ngọc sáng.
Chú lừa sa chân nơi giếng cạn…
Một con lừa không may sảy chân rơi xuống một chiếc giếng cạn. Mọi người tìm đủ mọi cách cứu nó nhưng đều không thành công. Họ bèn quyết định sẽ chôn sống nó. Lừa kêu lên bi thảm khi thấy bùn đất ào ào rơi xuống đầu mình.
Nhưng đột nhiên nó yên lặng ngoài dự liệu của mọi người. Nó nỗ lực giũ sạch bùn đất ở trên lưng và giẫm chúng dưới chân mình. Cứ mỗi lần như vậy, lừa lại tiến gần lên mặt đất hơn một chút. Cứ như vậy nó không ngừng giũ hết bùn đất trên người và leo lên cao. Cuối cùng nó đã có thể bước ra khỏi cái giếng khô trong tiếng thảng thốt kinh ngạc của mọi người.
Cảm ngộ:
Đúng như câu “vật cực tất phản”, những lúc tưởng như tuyệt vọng nhất lại là bước ngoặt trọng đại trong đời. Vào thời khắc quan trọng, đau khổ hay oán trách số phận bất công chỉ là điều vô ích, hãy điềm tĩnh biến nghịch cảnh thành cơ hội hồi sinh.
Ai thông minh hơn?
Sư phụ hỏi: “Nếu con muốn đun sôi ấm nước nhưng đun được nửa chừng thì phát hiện ra rằng củi không đủ dùng, con sẽ làm thế nào?”.
Một đệ tử mau mắn nói: “Con sẽ nhanh chóng đi tìm ạ”.
Cậu đệ tử khác lại đáp: “Con đi mượn tạm cho nhanh”.
Cậu khác không đồng tình nói: “Nếu là con, con sẽ đi mua”.
Sư phụ mỉm cười hiền từ hỏi: “Thế sao các con không đổ bớt nước trong ấm đi?”.
Cảm ngộ:
Sự đời thường không thể vạn phần như ý, có xả bỏ mới đắc được. Con người sống trên thế gian ai nấy đều truy cầu hạnh phúc. Chẳng thế mà thiên hạ thi nhau đắm chìm cuộc đua danh vọng, tiền tài. Nhưng tham vọng như cái thùng không đáy, chẳng bao giờ vơi cạn. Con người cứ mải miết chạy theo những thứ mình kỳ vọng sẽ mang lại hạnh phúc nhưng luôn thất vọng hết lần này tới lần khác.
Kỳ thực hạnh phúc không phải ở nơi xa hoa hay nơi tình yêu lãng mạn. Nó luôn ở trong tâm hồn mỗi người. Chỉ cần sống đơn giản hơn và ít truy cầu hơn, bạn sẽ hạnh phúc hơn những gì mình mong nghĩ.
Những mẩu chuyện nhân sinh ngắn ngủi nhưng lại hàm chứa đạo lý sâu xa sẽ phần nào giúp ta nhìn rõ hơn hướng đi trong cuộc sống thực tế. Bởi lẽ để rút ngắn con đường đi tới thành công và hạnh phúc, người thông minh sẽ học từ trải nghiệm của người khác.
Minh Nguyệt