Mê sắc đẹp của Kim Loan, Tổng thống Thiệu đã nhờ cận thần dàn xếp kỳ nghỉ mát ở đảo Phú Quốc để được gần người đẹp.
Những lời “giải oan” thiếu thuyết phục
Trước khi đi vào phần chính, kể lại sự thật rất ít người biết, chuyện ăn vụng của “Tổng thống đào ngũ” Nguyễn Văn Thiệu, tôi xin có đôi dòng phản bác lại những lời “giải oan” thiếu thuyết phục của ca sĩ Kim Loan dựa trên thuần lý.
Nghe đoạn tâm sự trên của ca sĩ Kim Loan, rất nhiều người đâm ra nghi ngờ câu chuyện của nàng ca sĩ “vợ bé” Tổng thống diễn quá tài, diễn mà cứ như thật
Từ trước 1975, cho đến ngày nay, để trở thành một ca sĩ có chút tiếng tăm là mơ ước của rất nhiều người. Do đó, khi đang ở trên đỉnh vinh quang, không ai có thể chấm dứt sự nghiệp của mình, nếu như không gặp phải một sự cố trọng đại nào đó trong cuộc đời. Thế thì tại sao, ca sĩ Kim Loan, theo thọ giáo thầy Nguyễn Đức từ lúc chưa tròn 10 tuổi, mãi đến năm 17 tuồi (1966) đạt được danh vọng rực rỡ như vậy mà chỉ 3 năm sau (1969) cô ta lại đột ngột từ bỏ ca hát để sang Cộng hòa Liên bang Đức du học? Cứ đem lên bàn cân mà so sánh, để lựa chọn: Liệu sau khi du học xong, Kim Loan có chắc chắn tạo được công danh, tiền bạc như đã quá thành công với nghiệp cầm ca?
Kim Loan còn lập luận rằng, sở dĩ thời đó người ta muốn hạ uy tín của Nguyễn Văn Thiệu nên mới gán ghép với cô mà không phải người khác. Bởi lúc đó, cô đang ở ngoại quốc, nên không phản ứng được. Xin thưa, dù ở ngoại quốc nhưng nếu thấy oan ức, Kim Loan chỉ cẩn gởi thư trần tình đến bất cứ một tờ báo nào đó tại Sài Gòn, chắc chắn mấy tay ký giả kịch trường sẽ vô cùng biết ơn cô, đã cho họ một loạt bài hấp dẫn, tha hồ mà bán báo. Không đợi đến hôm nay Kim Loan mới đính chính, khi người tình già đã nằm yên dưới ba tấc đất. Trong bài trả lời phỏng vấn, ca sĩ Kim loan còn “đá” bà Mai Anh, đệ nhất phu nhân của phủ đầu rồng, rằng “…bà này đã ứng xử quá kém, quá vô tình trước những tin đồn đầy ác ý cho chồng mà không công khai đính chính, hay tỏ thái độ phản bác. Vì hơn ai hết, chính bà Mai Anh biết rõ chồng bà là nạn nhân của tin đồn quái ác này…”
Hình như đến hôm nay ca sĩ Kim Loan vẫn còn ghen ngược! Bà Mai Anh mới dự tính chứ chưa kịp cho đám tay chân thực hiện một trận đánh ghen đã là may cho Kim Loan! Vậy thì tại sao lại đòi hỏi bà Mai Anh phải đính chính mà không phải là chính bản thân ông Thiệu, hoặc Kim Loan phải đính chính. Hơn nữa, dựa vào cơ sở nào mà Kim Loan dám quả quyết bà Mai Anh biết rõ chồng bà là nạn nhân của tin đồn? Chẳng lẽ bà Mai Anh tâm sự với Kim Loan? Cuối cùng, ca sĩ Kim Loan đã giả nai như lời bình luận trên mạng. Khi người phỏng vấn xoáy vào chuyện giữa cô và ông Thiệu, thì Kim Loan lại lái đi hướng khác, cố tình dài giòng kể lể chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ, chẳng ăn nhập gì đến nội dung của bài phỏng vấn.
Thôi thì, dưới ánh mặt trời chẳng có gì là bí mật. Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Tôi xin được làm một kẻ nhiều chuyện, kể lại những gì mình biết, cho bạn đọc gần xa được biết tuy chẳng còn giá trị gì nữa, bởi “nhân vật chính” Nguyễn Văn Thiệu đã xanh cỏ từ lâu!
Sự thật mối tình vụng trộm
Đúng như lời ông Hồ An viết, lần đầu tiên, Nguyễn Văn Thiệu gặp ca sĩ Kim Loan tại trại Đào Bá Phước, bản doanh đầu não của binh chủng Biệt động quân trong một buổi lễ có biểu diễn ca nhạc. Cũng xin nhắc lại chi tiếc sau đây để làm cột mốc thời gian. Đào Bá Phước nguyên là Trung tá, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 5, Biệt động quân. Ông ta bị tử thương do trực thăng Mỹ bắn nhầm vào lúc 6 giờ chiều ngày 2/6/1968, tại trường Phước Đức số 266 đường Khổng Tử, Chợ Lớn, nơi đặt Bộ chỉ huy của Liên Đoàn 5, trong dịp tổng công kích đợt 2, năm Mậu Thân. Sau đó, ông ta được Thiệu vinh thăng cố Đại tá và lấy tên đặt cho doanh trại này. Như vậy, là sau tháng 6/68 mới có trại Đào Bá Phước, và ông Thiệu gặp Kim Loan vào khoảng cuối năm 1968.
Chẳng phải do tiếng sét ái tình nào đánh trúng cả mà Nguyễn Văn Thiệu bị nhan sắc của Kim Loan làm nổi máu dê. Ông ta đã tỉ tê với Trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn An Ninh Phủ tổng thống. một hạng tham nhũng khét tiếng, vừa là cậu họ xa của vợ, vừa là bạn đồng khóa với ông ta. Chẳng giấu diếm gì cả. Bởi lẽ, họ là đôi bạn thân với nhau từ thủa mới đeo lon thiếu úy, và từng ăn chơi đàn đúm, gái gú với nhau suốt thời trai trẻ.
Thiệu nói thẳng với Quang là muốn được lên giường với Kim Loan, và nhờ Quang đưa đường dẫn lối. Dĩ nhiên, phải bảo mật tối đa. Quang gật đầu, vì tin chắc với quyền uy sẵn có thì Thiệu muốn ngủ với ai Quang cũng dàn xếp được. Cố vấn Đặng Văn Quang bàn với Nguyễn Văn Thiệu, tuyệt nhiên chuyện mây mưa này không thể diễn ra tại Sài Gòn, rất dễ tai vách, mạch rừng. Tốt nhất, Quang sẽ tổ chức cho Thiệu đi câu cá và thư giãn cuối tuần tại đảo Phú Quốc, rồi điều Kim Loan ra đó. Việc sắp xếp đó vừa qua mặt được bà Mai Anh, (bởi có “cậu Quang” bảo hộ), vừa tránh xa sự dòm ngó của đám cận thần và các đối thủ chính trị. Thiệu được Quang hiến kế, như mở cờ trong bụng.
Đặng Văn Quang không đích thân tiếp xúc với Kim Loan mà giao nhiệm vụ móc nối này cho trung tá Ngân, một thuộc cấp vào hàng thân tín của ông ta. Theo kế hoạch đã định, Trung tá Ngân đến tận nhà Kim Loan, nói là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu muốn mời Kim Loan tham gia đoàn văn nghệ đi hát ủy lạo cho binh sĩ Hải quân thuộc bộ Tư lệnh vùng 4 Duyên hải, trú đóng tại căn cứ An Thới, Phú Quốc. Nghe nói được Tổng Thống mời, Kim Loan hớn hở nhận lời ngay.
Đến ngày hẹn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và một số vệ sĩ bay ra An Thới trước trên một máy bay D.C 4 (lúc bấy giờ, Phú Quốc chỉ có phi trường quân sự An Thới hoạt động, còn phi trường Dương Đông hiện nay lúc đó bỏ hoang phế). Đích thân Trung tá Ngân đến đón Kim Loan cùng bay ra sau với Trung tướng Đặng Văn Quang trên một chiếc D.C 4 khác. Ngoài ra chẳng thấy có đoàn văn nghệ, văn gừng nào cả. Trước ngày xuất phát, Đặng Văn Quang đã thông báo mật cho Hải quân Đại tá Đỗ Kiểm, Tư lệnh vùng 4 Duyên hải và Đại tá Trần Văn Thì, Đặc khu trưởng Phú Quốc biết, Tổng thống sẽ ra nghỉ mát, để hai ông này chuẩn bị đón tiếp và dàn quân bảo vệ an ninh vòng ngoài.
Đêm hôm trước, toàn bộ tàu PCF của Hải đội 4 do Đại Úy Phạm Ngọc Kình chỉ huy, được lệnh ra khơi, thả neo án ngữ cách vị trí vui chơi của Thiệu vài cây số. Đến nơi, Thiệu được đón lên một chiếc tàu chỉ huy, thiết kế như một du thuyền, chờ khi Kim Loan đến là ra khơi.
Đào Cốc