Người ta thường gọi anh là ca nhạc sĩ Sỹ Đan vì anh có tài đàn keyboard, sáng tác ca khúc và hát.
Nhưng khi hỏi cái tài nào nổi bật hơn thì anh chọn làm nhạc sĩ hơn là ca sĩ.
Là con của nhà văn kiêm giáo sư đại học Văn khoa Sài Gòn Nguyễn Sỹ Tế. Nhưng Nguyễn Sỹ Đan lại không đam mê văn chương, và anh chọn ngành ca nhạc để theo đuổi, và có khuynh hướng thích loại nhạc trẻ trung sống động. Anh kể rằng có những bài văn của bố dùng những từ ngữ cổ điển mà anh không hiểu phải nhờ ông giải nghĩa. Mặc dù không theo nghề cầm bút như ông, nhưng Sỹ Đan thừa hưởng được tính nhân bản và tình yêu từ dòng máu của cha truyền lại.
Thuở còn nhỏ, nhà có cây đàn dương cầm nhưng cậu bé Sỹ Đan không hề đụng tới; mãi đến lúc 11 tuổi bố mới rước cô giáo về dạy đàn môn cổ điển. Lúc đầu cậu bé này muốn bỏ học đàn vì không thích, nhưng bố bắt phải tiếp tục, và có lúc cậu bị đòn roi vì lười tập. Cho đến khi trải qua được năm đầu, chơi được vài bản nhạc nhuần nhuyễn thì Sỹ Đan cảm thấy yêu thích cây đàn Piano.
Sau hai năm tập luyện, Sỹ Đan thi đậu vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn lớp sơ cấp môn dương cầm năm 1971. Đến 30 tháng 4 năm 1975 thì ngưng lại, vì bố của anh bị cộng sản đưa vào tù. Đã nghe các anh chị trong nhà đàn loại nhạc trẻ và bị quyến rũ nhưng bố anh không thích loại nhạc này. Trong những năm bố vắng nhà thì Sỹ Đan tự do với sở thích của mình, đi học thêm đàn Organ và những bản nhạc ngoại quốc từ băng đĩa và thành lập ban nhạc trẻ từ các anh em trong gia đình để đi trình diễn ở các quán cà phê những năm 1978- 1979.
Ban nhạc gia đình của Sỹ Đan có tên là Bích Vân Thiên, trình diễn ngay trong quán cà phê của nhà mình trong đường hẻm. Được sáu tháng thì bị công an bắt đóng cửa. Bước đột phá đầu tiên trong cuộc đời ca nhạc của Sỹ Đan là anh chơi đàn một cách chuyên nghiệp cho đoàn cải lương Minh Tơ, lần đầu tiên tự mình kiếm tiền bằng khả năng văn nghệ. Được đi lưu diễn các tỉnh, anh hiểu biết thêm về hoàn cảnh quê hương và thấm thía cuộc đời của một nghệ sĩ.
Đầu thập niên 1980, ở Sài Gòn có phong trào ca nhạc trẻ và Sỹ Đan được mời chơi loại nhạc trẻ thường xuyên. Vài năm sau, nhạc trẻ bị cấm và phải chơi loại nhạc mà giới thẩm quyền cho phép.
Bước ngoặt thứ nhì tạo sự thay đổi trong cuộc đời đã là vào khoảng năm 1985, một đêm nọ, người ca sĩ trong ban nhạc nghỉ. Ông chủ đề nghị Sỹ Đan thay thế, và sau đó anh bắt đầu kiêm thêm nghề ca sĩ.
Bước ngoặt thứ ba giúp cho Sỹ Đan đi vào con đường sáng tác là vào năm 1986 khi anh làm việc cho đài truyền hình thành phố, có dịp học hỏi và nghiên cứu hòa âm cho các bài hát mới do các ca sĩ trình diễn. Ở đây anh gặp nhạc sĩ Y Vân, và chính ông là người đã mở con đường đi vào hòa âm và sáng tác cho Sỹ Đan.
Bài hát sáng tác đầu tiên là Những Vì Sao Đêm Hè, chàng nhạc sĩ viết tặng cho người tình cũng là một nữ ca sĩ. Thời Sài Gòn thập niên 80, tình yêu đôi lứa nhẹ nhàng và trong sáng. Hai đứa cùng đi xe đạp đến Hồ Con Rùa đường Duy Tân, gần Đại Học Luật Khoa Sài Gòn cũ, uống ly sinh tố, ngồi bên bờ hồ ngắm sao trời, cùng ước mơ rồi đưa nhau về. Cảm xúc tình yêu nồng nàn đã giúp Sỹ Đan cho ra đời ca khúc này. Sỹ Ðan cũng tận dụng thể loại nhạc trẻ để viết thêm một số ca khúc khác như Bài Ca Màu Xanh.
Thập niên 90, phong trào ca nhạc cởi mở hơn và Sỹ Đan bắt đầu chơi nhạc hàng đêm ở vũ trường trong thành phố như Queen Bee, Majestic cho khách ngoại quốc và Việt kiều nghe. Đến năm 1992, anh bắt đầu nhận làm hòa âm cho các bài hát thu băng.
Một bước ngoặt thứ tư là Sỹ Đan theo gia đình bố mẹ qua Mỹ theo diện HO vào năm 1992, một thế giới âm nhạc mới mở ra làm anh bỡ ngỡ. Anh kể rằng mười mấy năm ca nhạc ở trong nước, Sỹ Đan không có cơ hội để nghe và chơi các bản “nhạc vàng” của Sài Gòn trước năm 1975. Anh bắt đầu chơi nhạc ở vài vũ trường Quận Cam và hát. Tiếp tục sáng tác ở Hoa Kỳ, Sỹ Đan đã viết các nhạc phẩm như Câu Kinh Tình Yêu, Con Tim Mù Lòa.
Bước ngoặt thứ năm là khi Sỹ Đan được trung tâm Asia mời cộng tác năm 1996 và anh trình diễn ca khúc Con Tim Mù Lòa tự sáng tác, giúp cho tên tuổi vang dội khắp hải ngoại. Kể từ đó người ta bắt đầu gọi anh là ca nhạc sĩ Sỹ Đan. Anh viết hòa âm cho trung tâm Asia, xuất hiện đều trên mỗi sản phẩm của trung tâm cho đến năm 2002. Từ thời điểm này, Sỹ Đan cảm thấy sự nghiệp ca hát đã đầy đủ, nên anh hiện thời anh chuyên về viết hòa âm và thỉnh thoảng mới hát đôi lần.
Trong các giải thi sáng tác do trung tâm Asia tổ chức, ban giám khảo thường có sự góp mặt của nhạc sĩ Sỹ Đan. Anh cũng xuất hiện trong tiết mục Bình Luận Túc Cầu và Một Thời Âm Nhạc trên đài SBTN. Hiện anh vừa bắt đầu thực hiện một chương trình live mang tên Thế Giới Nhạc Trẻ trên SBTN.
Ước mơ và dự tính âm nhạc tương lai của Sỹ Ðan là cố gắng thực hiện một đĩa nhạc gồm các ca khúc sáng tác mới nhất của mình với những tiếng hát khác.
Nhìn lại quãng đời sinh hoạt ca nhạc đã qua Sỹ Đan tâm sự rằng, thời còn ở trong nước đã cho anh những cái nhìn đầu đời và kiến thức âm nhạc căn bản; thời ra hải ngoại anh có cơ hội phát triển tài năng và thực hiện những điều ấp ủ. Qua Mỹ đã 22 năm, nhưng trong giấc mơ anh vẫn thường thấy ngôi nhà cũ và bằng hữu ở Việt Nam. Thời tuổi trẻ ở quê nhà vẫn là những kỷ niệm đẹp, để khơi nguồn cảm hứng sáng tác.