Tại sao Mỹ muốn xóa bỏ Internet Trung Lập ( Net Neutrality ) ?

Đêm qua (14/12) theo giờ Việt Nam, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã bỏ phiếu lật đổ các quy tắc trung lập về internet (net neutrality), một động thái thổi bùng làn sóng tranh cãi.


Với 3 phiếu thuận, 2 phiếu chống, FCC đã thông qua dự luật bãi bỏ quy tắc trung lập internet được ủng hộ dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama từ năm 2015.

Trung lập là gì?

Thuật ngữ trung lập internet được đặt ra bởi giáo sư luật truyền thông Đại học Columbia Tim Wu trong năm 2003. Theo đó, mọi trang web đều bình đẳng như nhau. Nó ngăn cản các nhà cung cấp internet (IPS) bóp băng thông (giới hạn lưu lượng truy cập) của các dịch vụ đối thủ cạnh tranh.

Chẳng hạn, nhà mạng AT&T không được phép làm giảm tốc độ truy cập vào Apple Music hay Spotify, ép buộc người dùng chuyển sang dịch vụ âm nhạc của nhà mạng này.

Nếu hình dung internet như một xa lộ với nhiều làn xe, thì quy tắc trung lập internet buộc các IPS phải đảm bảo tốc độ cho phép ở mỗi làn là như nhau, không được “phân biệt đối xử”, không chia thành làn nhanh chậm khác nhau hoặc đặt thêm “trạm thu phí”.

Trung lập internet giống như con đường có mọi làn xe như nhau, làn cho người đi bộ cũng như làn cho xe cứu hỏa.

Nếu không có trung lập internet, nhà mạng có quyền yêu cầu các trang web hay nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trả thêm tiền để được hưởng làn ưu tiên, tức người dùng dễ truy cập hơn.

Ai không chịu móc hầu bao thì cho vào làn chậm. Về mặt lý thuyết, nhà mạng có thể chặn luôn truy cập vào các trang hay dịch vụ mà họ không thích, hoặc buộc người dùng phải trả thêm tiền (ngoài gói cước internet thông thường) mới được quyền truy cập.

Cái lý của FCC

Nhưng không phải vô cớ mà tân chủ tịch FCC và nhóm chống trung lập internet lại muốn xóa bỏ quy định này. Theo họ, quy định trung lập internet là không cần thiết vì mọi ISP đều hiểu rằng họ cần có khách hàng mới tồn tại được, vì thế đương nhiên sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm dịch vụ phát triển.

Các quy định mới cũng yêu cầu các ISP phải công khai tất cả việc ngăn chặn hoặc ưu tiên nội dung nếu có. Điều này sẽ gia tăng khả năng giám sát của người tiêu dùng.

Nhóm này cho rằng giải phóng các nhà cung cấp internet băng thông rộng khỏi các luật lệ “lạc hậu và cứng nhắc” sẽ tạo điều kiện cho các công ty này đầu tư vào phát triển, nâng cấp mạng lưới hơn vì có thêm nguồn thu từ nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lẫn người dùng.

Chẳng hạn, theo trang VOX, Verizon đã có thể lắp đặt cáp quang hiện đại với tốc độ 1 gigabit/giây, nhanh hơn tốc độ thông thường hiện nay 50 lần.

Song chỉ có các thành phố lớn mới được đặc quyền này, do mức đầu tư của các mạng lưới này có thể lên đến hàng tỷ USD. Nếu không còn trung lập internet, các ISP có thể thu thêm tiền và có ngân sách để mở rộng mạng lưới cáp quang, cũng là làm lợi cho hạ tầng internet quốc gia.

Ngoài ra, việc một số nhóm sản phẩm hay dịch vụ internet cần chất lượng đường truyền tốt hơn cũng là một nhu cầu thực tế.

Chẳng hạn với người xem video trực tuyến hay gọi điện qua mạng, nếu phải trả thêm tiền để đổi lại việc xem không bao giờ bị giật hay chất lượng cuộc gọi trong trẻo và thông suốt, hẳn cũng sẽ có người sẵn sàng mở ví.

Vấn đề được nêu ra: Nếu chúng ta chấp nhận có các phương tiện giao thông được nhiều quyền ưu tiên hơn các phương tiện khác, tại sao lại chống đối việc có những băng thông cần tốc độ cao hơn mặt bằng chung?

Những người cổ súy internet trung lập cho rằng nguyên tắc này mang lại sự bình đẳng cho mọi thành phần tham gia internet, từ đó tạo ra một sân chơi công bằng với tất cả mọi người.

Những người ủng hộ lầm tưởng trung lập internet chính là công bằng internet. (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, những người ủng hộ FCC tin rằng xóa bỏ quy tắc trung lập mới chính là cách để môi trường internet hoạt động một cách thực sự công bằng.

Họ đặt vấn đề: Liệu có công bằng không khi một nhà mạng lớn bị buộc phải “nhỏ lại” như một chủ thể mới tham gia thị trường? Điều đó có bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh của thị trường hay không?

Quy định mới buộc các nhà mạng phải công khai mọi hành động ngăn chặn hoặc làm chậm đường truyền đối với một trang web/ứng dụng internet nào đó. Khi đó, khách hàng của họ có thể chọn sử dụng dịch vụ của họ hay không. Đó là một kiểu “thuận mua vừa bán”.

Suy cho cùng, bình quân chủ nghĩa là điều phi thực tế cả trong đời sống thực lẫn đời sống internet.

Tuy nhiên, quyết định của FCC vẫn chưa phải là cuối cùng. Vấn đề có thể sẽ được quyết định tại tòa án. Nghị viện Mỹ cũng có thể chọn để theo đuổi một giải pháp lập pháp.

Mỹ Khánh

Leave a Reply