Cuối bài diễn văn, ông Pence có dùng một câu ngạn ngữ cổ phương Đông: “Người nhìn trước mắt, Trời nhìn lâu dài” (Nhân kiến mục tiền, Thiên kiến cửu viễn). Hàm nghĩa câu ngạn ngữ cổ này như thế nào? Ông Pence muốn gửi lời thông điệp gì trong câu nói đó?
Trước hết nói về Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông là người theo Đạo Tin Lành, và nội các của ông phần lớn là những người theo Đạo Tin Lành và Công giáo. Nhân vật thứ 2 trong chính quyền Mỹ là Phó Tổng thống Mike Pence cũng là một tính đồ Tin Lành. Ngày 8/2/2018, Tổng thống Trump tuyên bố Hoa kỳ là “quốc gia của những người tín ngưỡng” và cam kết sẽ bảo vệ các sinh mệnh có đức tin trên khắp thế giới. Do đó khi Phó Tổng thống Mike Pence nói: “Người nhìn trước mắt, Trời nhìn lâu dài” thì nó thể hiện cả tầm nhìn và tín niệm của ông nói riêng và của chính quyền Tổng thống Trump nói chung.
Trong đoạn cuối bài diễn văn, Phó Tổng thống Mike Pence nói: “Trung Quốc có một câu cổ ngữ “Con người chỉ nhìn thấy hiện tại, nhưng Trời nhìn thấy tương lai” (Men see only the present, but Heaven sees the future)”.
Câu cổ ngữ này xuất xứ từ nguyên gốc câu “Nhân kiến mục tiền, Thiên kiến cửu viễn”, nghĩa là “Người nhìn trước mắt, Trời nhìn dài lâu”. Nó có xuất xứ trong tác phẩm “Dụ thế minh ngôn” của Phùng Mộng Long đời Minh. Quyển thứ 31 của tác phẩm này là “Náo Âm Ty Tư Mã Mạo đoạn ngục” có kể một câu chuyện vào thời Hán Linh Đế đời Đông Hán như sau:
Ở Ích Châu thuộc Thục Quận có một tú tài tên là Tư Mã Mạo, thiên chất thông minh dĩnh ngộ. Khi còn trẻ, ông lên Kinh thành dự thi, vì xảy ra xung đột với quan khảo thí nên bị đánh trượt. Sau khi trưởng thành, ông rất hối hận, dần dần tu dưỡng được hành vi đoan chính, cẩn trọng, đóng cửa đọc sách không hỏi việc bên ngoài. Sau khi cha mẹ mất, ông thủ hiếu 6 năm. Vì những đức hạnh đó mà ông đã nhiều lần được tiến cử làm các chức quan Hiếu liêm, Hữu Đạo và Bác học Hoành từ, nhưng đều bị những kẻ có thế lực đoạt mất khiến ông buồn bã bất đắc chí.
Sau này trong triều đình nạn mua quan bán tước trầm trọng, Tư Mã Mạo nhà nghèo lại không có người dẫn dắt nên đến năm 50 tuổi vẫn không thể nào làm quan được. Một lần sau khi phiền muộn uống rượu say, ông viết một bài “Oán từ”, oán trách bất công, viết rằng “Nếu ta làm Diêm Vương thì thế sự sẽ được sửa trị công chính”.
Sau đó ông đem bài “Oán từ” đốt, sau khi đốt xong, trong lúc mơ màng, ông thấy mình bị dẫn đến Diêm La Điện ở cõi âm. Ở Diêm La Điện, Diêm Vương đã đàm luận với ông về báo ứng như sau:
“Đạo Trời báo ứng, có thể muộn có thể sớm, có thể rõ ràng, có thể âm thầm. Có người chịu báo ứng của đời trước, có người để lại báo ứng cho cháu con. Giả sử người giàu keo kiệt bủn xỉn, thì sự giàu có của ông ta là do đời trước khổ hạnh mà có được. Đời này keo kiệt bủn xỉn, không trồng ruộng phúc, thì đời sau ắt sẽ chịu báo ứng của quỷ đói. Người nghèo cũng do đời trước tạo nghiệp, hoặc dùng tiền của phi pháp, hưởng thụ quá mức, dẫn đến đời này nghèo khổ. Nếu tùy duyên hành thiện thì đời sau vẫn cơm no áo ấm. Từ đó có thể suy ra, kẻ khắc bạc tuy đời này giàu sang cũng khó tránh được sa sút. Người trung hậu tuy tạm thời chịu thiệt chịu nhục, nhưng đã chú định sẽ hiển đạt. Đây đều là lý khẳng định bất biến, sao lại nghi ngờ? Người nhìn trước mắt, Trời nhìn lâu dài. Con người mỗi khi không dò tìm được ý Trời lại cứ bàn tán xôn xao, đều là do kiến thức nông cạn thiển cận mà thôi”.
Rõ ràng Diêm Vương muốn bảo với những người “Kiến thức nông cạn thiển cận” như Tư Mã Mạo rằng, về báo ứng, con người chỉ nhìn một tý sự việc trước mắt, nhưng Trời nhìn đến tương lai, nhìn thấy cả những sự tình rất xa xôi.
“Trời” là gì? Sách “Thuyết văn giải tự” viết: “Trời, là cao vậy, chí cao vô thượng, là to nhất”. Trời là Chúa tể của con người, là Thần linh, hơn nữa lại là Thần linh cai quản nhân loại, nhiều tầng diện vô cùng, nhiều chủng loại vô cùng, hữu hình hoặc vô hình. Có thể nói, trong tư duy người Á Đông thì “Trời” là chỉ Thiên Đế, Thiên Thần, là sinh mệnh cao cấp mà người trần mắt thịt chúng ta không thể nào nhìn thấy nhưng lại cai quản nhân loại.
Từ cổ xưa đến nay, người Á Đông luôn tôn sùng lý niệm “Thiên nhân hợp nhất”, tức là con người phải thuận theo, hợp với Trời, Đạo của con người phải thuận theo, hợp với Đạo Trời, ý Thần, hợp với Thiên Pháp cao nhất. Nói cách khác, những sự tình mà nhân loại làm, có phù hợp với Đạo Trời và ý Thần hay không là quan trọng bậc nhất.
Từ câu cổ ngữ gốc Hán thì chữ “Thiên” trong “Thiên kiến cửu viễn” khi dịch sang tiếng Anh sẽ là “God” (Thượng Đế), thì mới chính xác hơn dịch là Heaven (Thiên Đàng). Câu cuối cùng của bài diễn văn, Phó Tổng thống Mike Pence nói:
“Tin rằng Trời có thể nhìn thấy tương lai – Nhờ ân điển của Thượng Đế, nước Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nghênh đón tương lai”.
“Cảm ơn các bạn, Chúa phù hộ các bạn, và Chúa phù hộ nước Mỹ”.
Tháng 7 năm 2016, khi được đề cử làm Phó Tổng thống Mỹ, trong bài diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng hòa, ông Mike Pence đã nói:
“Tôi là một tín đồ Cơ Đốc, là người theo chủ nghĩa bảo thủ và là đảng viên Cộng hòa”.
“Chúng ta là quốc gia tự do dưới chân của Thượng Đế, giữ vững tín niệm tự do, dân chủ và công bằng chính trực”.
Bốn ngày trước khi bỏ phiếu cuộc bầu cử Phó Tổng thống Mỹ, ông Pence đã nói: “Chúng ta nên cầu nguyện cho quốc gia, giống như Lincohn đã cầu nguyện: ‘Không phải nói là Thần đứng về phía chúng ta, mà là, dùng lời của Ngài mà nói, chúng ta nguyện ý đứng ở bên Thần’”. Với sự phối hợp ăn ý như thế này của Mike Pence, ông Trump cuối cùng cũng đã bước lên ngôi cao tổng thống.
Đối với các vấn đề về Trung Quốc, Phó Tổng thống Mike Pence cũng có nhận thức rất thanh tỉnh, ông phân biệt rõ Trung Cộng và Trung Quốc. Khi còn là Thống đốc bang Indiana, khi trao thưởng cho Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, ông Pence đã ca ngợi rằng:
“Diễn xuất của Đoàn nghệ thuật Shen Yun nước Mỹ đã thể hiện ra là diễn xuất của văn hóa truyền thống Trung Quốc chân chính, không bị ảnh hưởng hình thái ý thức của Trung Cộng, đã thể hiện ra kho báu của văn hóa Trung Quốc đã bị thất truyền từ lâu, và sự phục hưng, khôi phục lại nền văn hóa đó”.
Như vậy Phó Tổng thống Mike Pence dùng câu cổ ngữ phương Đông “Trời nhìn dài lâu” cũng là lời cảnh báo nhắc nhở Bắc Kinh rằng “Chớ quên Trời đang chăm chú nhìn chúng ta”, cũng là muốn nói với lãnh đạo Bắc Kinh rằng: Những điều mà lãnh đạo cao cấp Mỹ – Trung làm là phải nhìn vào hòa bình và phồn vinh của tương lai, nhìn vào việc làm thế nào để phù hợp với ý Trời. Và cũng có ý tại ngôn ngoại, ý tứ đằng sau lời nói đó là, những việc làm của Bắc Kinh bấy lâu nay đang đi ngược với con đường đúng đắn, đi ngược với ý Trời. Nếu cứ trái ngược với ý Trời như thế này, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ đón nhận tương lai như thế nào? Lịch sử từ xưa đến nay đã cho câu trả lời từ lâu rồi.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nam Phương biên dịch