Đó là các loại visa SR, I5, và R5, theo thông báo đăng trên trang mạng của tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 11 Tháng Hai, 2018.
Thông báo được viết như sau: “Ba loại visa SR, I5, và R5 chỉ được cấp trước ngày 23 Tháng Ba, 2018. Sau ngày này, không có visa SR, I5, hoặc R5 nào có thể được cấp cho tới khi chương trình ngày được Quốc Hội tái cho phép.”
“Nếu quý vị đã được sắp xếp để phỏng vấn cho visa SR, I5, hoặc R5, xin đừng dời ngày phỏng vấn qua sau ngày 23 Tháng Ba, 2018… để bảo đảm được cấp visa trước ngày 23 Tháng Ba, 2018,” thông báo được viết tiếp.
Tuy nhiên, Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương, chuyên về di trú và có văn phòng ở Irvine, California, thì “thông báo này chỉ mang tính thủ tục và nhiều phần các loại visa này sẽ được cấp trở lại ngay sau ngày 23 Tháng Ba.”
Ông giải thích: “Nếu quý vị theo dõi thời sự sẽ thấy các loại visa này ‘ăn theo’ luật ngân sách tạm hiện nay. Cho tới 12 giờ đêm Thứ Sáu, 23 Tháng Ba, luật ngân sách tạm sẽ hết hiệu lực, tức là chính phủ Mỹ, trên nguyên tắc, sẽ đóng cửa, vì ngân sách hết tiền, trừ khi các nhà lập pháp hoàn tất luật ngân sách mới, cho thời gian còn lại của năm tài khóa, sẽ chấm dứt vào ngày 30 Tháng Chín.”
“Cũng có thể họ chỉ đạt một ngân sách tạm như hiện nay, gọi là ‘stop gap,’ để chính phủ tiếp tục hoạt động, rồi sau đó tính tiếp. Trong cả hai trường hợp, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục vận hành, và khi đó, các loại visa này sẽ được cấp trở lại,” luật sư giải thích thêm.
Cho tới tối Thứ Tư, 21 Tháng Ba, theo AP, Hạ Viện đã đưa ra bản dự thảo ngân sách cho đến ngày 30 Tháng Chín, trị giá $1,300 tỷ.
Trong khi đó, Tổng Thống Donald Trump giới hạn mức ngân sách này là $1,570 tỷ.
Như vậy, nhiều phần, ngân sách sẽ được lưỡng viện Quốc Hội thông qua và đưa tổng thống ký ban hành trước 12 giờ đêm Thứ Sáu, vẫn theo AP.
Theo Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS), visa SR dành cho những người không phải là tu sĩ vào Mỹ làm việc có liên quan đến tôn giáo, gọi là “Non-Minister Religious Worker.”
Theo tài khóa hiện nay, Quốc Hội chỉ cho 5,000 người vào Mỹ theo visa SR, vẫn theo USCIS.
Về chuyện này, Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương giải thích thêm: “Visa SR này khác với loại SD, dành cho các tu sĩ vào Mỹ để hoạt động tôn giáo. Loại visa này (SD) không bị ảnh hưởng gì hiện nay.”
Chương trình EB5
Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chương trình EB5 có bốn loại visa: I5, R5, C5, và T5.
-Visa I5: Chương trình đầu tư thử nghiệm tại vùng mục tiêu.
-Visa R5: Chương trình đầu tư thử nghiệm tại vùng không phải mục tiêu.
-Visa T5: Chương trình tạo việc làm trong vùng mục tiêu/có tỉ lệ thất nghiệp cao.
-Visa C5: Chương trình tạo việc làm trong vùng không phải mục tiêu.
Trong bài viết “Diện đầu tư di dân EB5” của Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương đăng trên nhật báo Người Việt ngày Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu, 2017, diện này có hai điều kiện.
“Điều kiện thứ nhất là người muốn đầu tư phải có số vốn ít nhất là $500,000 hoặc $1,000,000.
Nếu số vốn là $500,000 thì phải có thêm một điều kiện phụ nữa là khu vực mở cơ sở thương mại phải ở trong vùng được xem là vùng mục tiêu. Vùng mục tiêu là vùng nông thôn có ít hơn 20,000 dân cư hoặc vùng có số lượng người thất nghiệp ít nhất 150% chỉ số trung bình quốc gia. Những khu vực mở cơ sở phải có số lượng người thất nghiệp cao không có nghĩa là phải mở cơ sở thương mại tại một nơi hẻo lánh ít dân số. Có những thành phố trong Los Angeles County hoặc Riverside County có thể hội đủ điều kiện phụ, có số lượng người thất nghiệp cao.
Điều kiện thứ hai là người đầu tư phải mướn ít nhất là 10 nhân viên và những người này phải là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân (tức những người đã có thẻ xanh). Nếu nhân viên là gia đình của người muốn đầu tư thì những nhân viên đó sẽ không được tính vào số 10 nhân viên.
Khi nhập cảnh Hoa Kỳ với diện này, thẻ xanh của quý vị chỉ có giá trị hai năm (tức là thẻ xanh có điều kiện). Sau hai năm, quý vị phải chứng minh rằng cơ sở thương mại vẫn còn đang hoạt động và vẫn còn mướn ít nhất là 10 nhân viên thì điều kiện của thẻ xanh sẽ được bỏ. Gia đình (vợ hoặc chồng và những người con dưới 21 tuổi) của người muốn đầu tư được đi theo và cũng sẽ được thường trú theo người đầu tư.”
Vẫn theo Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương, Quốc Hội thiết lập chương trình EB5 vào năm 1990 để kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ thông qua tạo việc làm và đầu tư vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù ngày càng thịnh hành, chương trình EB5 vẫn là một chương trình tạm thời (provisional visa program). Kể từ khi thiết lập, Quốc Hội nhiều lần tái cho phép thực hiện chương trình từng năm một.
Về số tiền mang vào đầu tư ở Mỹ để có thẻ xanh, trong bài viết năm 2017, ông cho biết: “Quốc Hội cũng đã bàn thảo về vấn đề tăng số vốn đầu tư cho khu vực mục tiêu từ $500,000 lên đến $800,000 trong Tháng Mười Hai, 2015, nhưng cuối cùng chương trình được tái chấp thuận và số vốn đầu tư được giữ lại như cũ là $500,000.”
“Tuy nhiên, theo luật ngân sách mới, USCIS có quyền tăng số tiền vốn đầu tư đối với người nhập cư. Thành ra, trong những ngày tới, khi mọi việc trở lại bình thường, những ai muốn vào Mỹ theo diện này, nên thực hiện ngay, trước khi USCIS có quyết định tăng mức tiền,” Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương khuyên. (Đỗ Dzũng)