Những chuyến bay diễn tập này đến một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo, cáo buộc Trung Quốc “đe dọa và ép buộc” các nước láng giềng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc ông Mattis khẳng định rõ Hoa Kỳ không có kế hoạch rời khỏi khu vực Biển Đông đã làm Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nhưng những tuyên bố đó không được Mỹ hoặc các nước láng giềng Trung Quốc công nhận. Malaysia, Việt Nam, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo trong khu vực này.
Trung Quốc đã sử dụng các thực thể địa lý trong quần đảo Trường Sa để xây dựng các đảo nhân tạo, trong số đó được trang bị các cơ sở quân sự bao gồm tên lửa chống hạm và máy bay.
Các quan chức quốc phòng Mỹ, những người có kiến thức về kế hoạch bay ban đầu của sứ mệnh này, cho biết hai máy bay ném bom hạt nhân B-52 đã bay cách khoảng 30km (20 dặm) gần các đảo.
Chỉ huy trưởng Không quân Mỹ Victoria Hight, phát ngôn viên của Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, phủ nhận các máy bay ném bom đã bay trong vùng lân cận của các đảo.
Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết, các máy bay ném bom ở đảo Guam đang làm “một nhiệm vụ huấn luyện thường lệ”, bay từ Căn cứ Không quân Andersen trên lãnh thổ Hoa Kỳ “tới Cơ sở Hỗ trợ Hải quân” nằm ở lãnh thổ Diego Garcia của Ấn Độ Dương.
Trung tá Chris Logan cho biết hoạt động này là một phần trong nhiệm vụ “Duy trì sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, mà ông nói là “nhằm duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Hoa Kỳ”.
“Các nhiệm vụ CBP của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã được sử dụng thường xuyên kể từ tháng 3/2004, được thực hiện theo luật pháp quốc tế”, ông nói thêm.
Những chuyến bay diễn tập diễn ra ngay sau khi ông Mattis sử dụng một bài phát biểu hôm thứ Bảy (2/6) tại Singapore để cáo buộc Trung Quốc “đe dọa và ép buộc” các nước trong khu vực và tuyên bố rằng Hoa Kỳ không có ý định từ bỏ vai trò của mình ở đó.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói: “Đừng nhầm lẫn: Hoa Kỳ đang ở Ấn Độ-Thái Bình Dương là để ở lại đây. Đây là khu vực ưu tiên của chúng tôi”.
Ông Mattis đặc biệt phản đối Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi có một số tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới.
Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc sẽ đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm tới, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các lựa chọn của Trung Quốc nếu họ thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước trong khu vực năng động này”.
Lầu Năm Góc tuần trước đã lên tiếng phản đối về việc quân sự hóa các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Trump mong muốn Trung Quốc hợp tác về vấn đề Triều Tiên.
Khi được một phóng viên hỏi về khả năng Hoa Kỳ có thể “thổi bay” một trong những hòn đảo nhân tạo gây tranh cãi của Trung Quốc, Chánh văn phòng quân sự Hoa Kỳ, Trung tướng Kenneth McKenzie đã nói với các phóng viên: “Tôi sẽ nói với các bạn rằng quân đội Hoa Kỳ đã có rất nhiều kinh nghiệm ở Tây Thái Bình Dương trong việc đánh hạ các đảo nhỏ”.
Những bình luận của ông ám chỉ đến việc đổ bộ của Hoa Kỳ và chiếm giữ các đảo của Nhật Bản trong Thế chiến II. Hoa Kỳ đã tăng cường tự do hoạt động hàng hải tại khu vực Biển Đông căng thẳng để đáp trả các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với những tuyên bố gần đây của Mỹ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm (31/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa khu vực này, “giống như một kẻ trộm vừa ăn cắp vừa la làng. Hãy dừng lại tên trộm!”.
Bà Hoa đặt câu hỏi: “Tại sao Hoa Kỳ lại chọn đi tàu tuần tra vào lúc này và sau đó tới gần các đảo và biển của Trung Quốc ở Biển Đông? Hoa Kỳ đang cố gắng làm gì?”.
Minh Đức