Hai con khỉ được sanh sản vô tính. (Hình: Sun Qiang and Poo Muming/Chinese Academy of Sciences via AP)
Kể từ khi Dolly ra đời năm 1996, các khoa học gia đã dùng kỹ thuật sanh sản vô tính trong gần hai chục loại động vật có vú (mammals), gồm cả chó, mèo, heo, bò, ngựa, và cũng tạo ra phôi bào con người.
Tuy nhiên, cho tới nay, chưa ai thành công với loài động vật linh trưởng (primates), gồm cả khỉ, khỉ đột và con người.
“Rào cản sanh sản vô tính loài động vật linh trưởng nay đã được phá bỏ,” theo lời khoa học gia Muming Poo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc ở Thượng Hải.
Trong báo cáo công bố hôm Thứ Tư trên tạp chí Cell, ônng Poo và các đồng nghiệp loan báo rằng họ thành công trong việc hình thành hai con khỉ cái loại macaque (còn viết là macaca, tiếng Việt có khi gọi là khỉ đuôi dài). Hai con khỉ này, nay được khoảng 7 và 8 tuần, được đặt tên là Zhong Zhong và Hua Hua.
“Đây là cả một chặng đường dài, cuối cùng họ đã đạt được,” theo lời một khoa học gia, ông Shoukhrat Mitalipov, tại đại học Oregon Health & Science University, người từng thử nghiệm và thất bại sanh sản vô tính trên loài linh trưởng.
Ông Poo nói rằng việc này cho thấy sanh sản vô tính con người là điều có thể làm được, trên lý thuyết. Tuy nhiên ông nói rằng toán nghiên cứu của ông không có ý định làm điều đó.
Đa số các khoa học gia giòng chính thường phản đối việc tạo ra trẻ nhỏ qua hình thức sanh sản vô tính, và ông Poo nói rằng xã hội sẽ cấm làm việc này vì lý do đạo đức.
Do thế, ông Poo cho hay mục tiêu của họ sẽ là tạo ra từng lố khỉ có các đặc tính giống hệt nhau để dùng trong việc nghiên cứu y khoa. Đây là điều rất có giá trị vì khỉ có nhiều điểm giống người hơn là các súc vật khác dùng trong phòng thí nghiệm như chuột.
Ở Mỹ hiện nay, vì lý do an toàn, các giới chức y tế không cho phép việc tạo ra trẻ sơ sinh do sanh sản vô tính và các nhóm khoa học gia thế giới cũng chống lại việc này. (V.Giang)