Đó là vào buổi sáng ngày đầu tiên hội nghị hàng năm của Hội nghiên cứu học thuật London vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều tiến sỹ nổi tiếng nước Anh nghiên cứu khoa học, triết học, pháp học và thần học đã tấp nập đến trung tâm nghiên cứu, sẵn sàng thuyết trình. Người khiến mọi người chú ý là một vị hòa thượng phương Tây, thân hình cao lớn, mặc bộ tăng y màu vàng, ngoài khoác áo cà sa, tay cầm chiếc bát đen, chân trần, cử chỉ trang trọng, bước về phía tòa nhà tráng lệ của Hội nghiên cứu học thuật.
Một tiến sỹ vừa bước xuống chiếc xe hơi phát hiện ra tình huống này, ông cảm thấy rất quen, liền bước lên mấy bước nhìn kỹ, bất giác buột miệng nói: “Ngài là tiến sỹ Beckson phải không? Đã nhiều năm không gặp! 5 năm trước, sau khi ngài công bố ‘Triết học tân luận’ thì từ đó chúng ta không gặp lại nữa”.
Người có dáng vẻ hòa thượng Ấn Độ nói: “Vâng, tôi là Beckson, ở Ấn Độ mấy năm, đã có được khai mở rất lớn”.
Tiến sỹ Madison nói: “Tốt quá, hôm nay mở hội nghị thường niên giới học thuật, rất nhiều bạn bè cũ cũng tham dự, ông đến gặp mặt mọi người chút đi”.
Thế là hai người bước về phía hội trường.
Hơn 100 nhân sỹ nổi tiếng tham dự hội nghị, toàn là bạn bè của Beckson, bỗng chốc vui mừng náo động cả hội trường.
Tiến sỹ Jim Saporte phấn khích đề nghị: “Không ngờ bỗng nhiên được trùng phùng với tiến sỹ Beckson mất tích nhiều năm nay, nhất là nhìn thấy ông trong trang phục này, dường như đi ngược lại với quan điểm học thuật của ông mấy năm trước. Tôi đoán mọi người nhất định khao khát được biết những đổi thay của ông mấy năm nay, vậy mời ông kể cho chúng ta tình hình sau khi biệt ly”.
Mọi người vỗ tay tán thành.
Beckson nói: “Xin cảm ơn quý vị quan tâm. Tôi đến Ấn Độ là với mục đích đi du lịch. Tôi du lãm vào sâu núi Linh Thứu Thánh địa Phật giáo, gặp một cụ già hiền từ. Cụ già nói với tôi: ‘Người Âu Mỹ các ông vô cùng kiêu ngạo tự đại, không coi ai ra gì, tự cho mình là dân tộc thượng đẳng, coi những người phương Đông chúng tôi như dân hạ đẳng chưa được khai hóa văn minh. Thực ra các ông sai rồi, chúng tôi có kho báu tinh thần khai mở trí huệ nhân loại vô hạn. Tôi có thể dẫn ông đến một nơi để ông mở rộng tầm mắt, thì mới biết thế nào là hư giả và chân thực”.
“Tôi theo cụ già băng rừng vượt núi đến một nơi. Lúc mới đến có thể thấy một tia sáng nhạt, đi khoảng 1 dặm, cửa động bỗng rộng mở sáng bừng. Ra khỏi cửa động, giống như đến một thế giới khác, hoa tươi khắp mọi nơi, từng làn hương thơm bay thấu vào trong lồng ngực, khiến cho chúng ta cảm giác tinh thần tâm hồn khoáng đạt vui vẻ. Ở nơi sâu trong rừng rậm, thấp thoáng lộ ra kiến trúc cổ bằng đá cẩm thạch.
Cụ già dẫn tôi đến một nơi cất giữ sách, có mấy gian nhà lớn. Những sách đó có luận thiên văn, địa lý, toán học, có sách suy luận logic, có sách luận Thiên Địa Nhân, tạo hóa vạn vật, có sách luận thần thức sinh diệt biến hóa, linh tính trường tồn bất diệt, nhưng nhiều nhất là thư tịch tôn giáo, đặc biệt Phật giáo là nhiều nhất. Cụ già nói: ‘Nếu ông muốn, có thể sống ở đây một thời gian, mỗi ngày 3 bữa do ta cung cấp, chỉ có điều là đồ chay”.
“Tôi đã ở đó hơn 1 năm, cứ luôn hỏi họ tên cụ, cụ già dù thế nào đi nữa cũng không muốn nói. Đến khi tôi từ biệt, cụ già nói: “Nếu những thư tịch này ông cảm thấy có lợi ích, vậy thì đề nghị ông hãy hết sức thực hành. Rồi ông đến trước Chùa Vàng ở Yangon Myanma tự hứa nguyện, mặc trang phục sa môn, thực hành sa môn hạnh, trở thành đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta sẽ có cơ hội tương ngộ”.
“Cụ già tiễn tôi xuống lưng chừng núi, tôi cúi người hái một đóa hoa rừng hiếm thấy, khi tôi ngẩng đầu nhìn lên thì cụ già đã biến mất. Tôi kinh ngạc, cụ già đó nhất định là đệ tử Phật giáo có đạo hạnh rất cao thâm. Tôi quay ngược lại đi tìm tịnh xá mà tôi đã ở hơn 1 năm qua, nó cũng biến mất”.
“Thế là tôi đi đến Myanma, đến Chùa Vàng, tôi đi vòng quanh mấy vòng lễ bái xong, tôi quỳ trước tháp, thầm cầu nguyện rằng: ‘Con là Beckson, từ ngày hôm nay con quyết tâm quy y Phật’. Rồi tôi lại đến một ngôi chùa lớn khác ở Yangon, bái một vị trưởng lão làm thầy, xin ông cạo đầu xuống tóc cho tôi, dạy tôi giới luật, học tập thiền định. Khoảng 1 năm tôi lại thọ đại giới Tì kheo. Một hôm, khi tôi nhập định thì thấy cụ già hiền từ đó. Tôi hỏi cụ Pháp hiệu, lúc đó cụ mới bảo tôi rằng, cụ là Tôn giả Ca Diếp, đại đệ tử của Đức Phật”.
“Hôm nay tôi lại trở lại nước Anh, muốn đi các nước châu Âu hoằng dương Phật Pháp. Sau này các vị đừng gọi tôi là tiến sỹ nữa, hãy gọi tôi là tì kheo Beckson”.
Theo Soundofhope
Nhất Tâm biên dịch