Thị trấn hẻo lánh ở miền trung bang Nebraska chỉ có một bà cụ 84 tuổi sinh sống
Bà Elsie Eiler, 84 tuổi, vừa là thị trưởng, thư ký, thủ quỹ, kiêm nhân viên thu thuế tại thị trấn Monowi ở bang miền trung Nebraska, Mỹ.
Cách đường biên giữa bang South Dakota và bang Nebraska khoảng 8 km là một con đường đất chạy xuyên qua những cánh đồng lúa mạch vàng, dẫn thẳng tới trung tâm thị trấn có tên Monowi.
Bà Elsie Eiler, 84 tuổi, sống một mình ở Monowi suốt 14 năm nay. Theo Cơ quan Thống kê Mỹ, Monowi là nơi duy nhất ở nước Mỹ chỉ có một người dân sinh sống. Cụ bà này vừa là thị trường, thư ký, thủ quỹ, nhân viên thu thuế, thủ thư kiêm chủ quán rượu của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, BBC đưa tin.
Vào những năm 1930 của thế kỷ trước, Monowi là một thị trấn sầm uất với 150 hộ gia đình. Từng là nơi có tuyến đường tàu hỏa chạy qua, Monowi nhộn nhịp với nhà hàng và các cửa tiệm tạp hóa, thậm chí còn có hẳn một nhà tù ở thị trấn này.
Khi sản xuất nông nghiệp ngày một suy giảm, đặt biệt, trong giai đoạn sau Thế chiến II, thị trấn Monowi nằm giữa miền trung nước Mỹ bắt đầu “bốc hơi”. Đám tang cuối cùng diễn ra trong nhà thờ của thị trấn là đám tang của cha bà Eiler vào năm 1960.
Bưu điện và ba cửa hàng tạp hóa cuối cùng chính thức đóng cửa từ 1967 đến 1970. Sau đó vào năm 1974, trường học duy nhất trong thị trấn cũng ngừng hoạt động. Người dân ở Monowi kéo nhau ra các thành phố lớn sinh sống.
Khi hai đứa con của bà Eiler rời khỏi thị trấn vào đầu những năm 1980, lúc đó dân số của Monowi chỉ còn 18 người. Khoảng 20 năm sau đó, chỉ còn lại hai vợ chồng bà Eiler. Và vào năm 2004, khi chồng qua đời, bà Eiler trở thành cư dân duy nhất của Monowi.
Bà Eiler kiêm nhiệm tất cả các công việc trong thị trấn. “Khi tôi làm thủ tục gia hạn giấy phép bán đồ uống có cồn và thuốc lá hàng năm, người ta gửi cho tôi giấy phép tới thư ký của thị trấn mà người đó chính là tôi”, bà Eiler nói. “Với tư cách là thư ký, tôi tiếp nhận giấy tờ, rồi là một thủ quỹ, tôi ký duyệt, xong xuôi, tôi gửi số giấy phép đó cho chủ quán rượu cũng chính là tôi”.
Ngoài ra, Eiler còn phải lên kế hoạch tu bổ đường sá hàng năm để duy trì khoản tiền hỗ trợ từ chính quyền liên bang rót xuống. Bà còn dùng khoản thuế 500 USD mà bà nộp hàng năm để duy trì ba cột đèn đường và hệ thống dẫn nước sạch trong thị trấn.
“Ở đây, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi lớn lên ở đây. Tôi đã quen với cuộc sống ở đây. Tôi biết mình muốn gì. Thật khó mà thay đổi sau từng đấy năm trời”, bà Eiler nói.
Đều đặn vào 9h sáng hàng ngày trừ thứ Hai, bà Eiler mở cửa quán bar. Khách hàng thân thiết của bà sống cách đó khoảng 30-50 km. Họ đều là những người quen biết bà lâu năm. Có những người sẵn sàng vượt quãng đường hơn 300 km định kỳ ghé thăm bà. “Cảm giác chúng tôi như một gia đình lớn vậy”, Eiler nói trong lúc chơi trò đố ô chữ với một người bạn. “Có những người biết tôi từ khi còn là một đứa trẻ, giờ đây họ đến thăm tôi với con bồng cháu bế trên tay”.
Ngoài quán bar, thị trấn Monowi còn có một thư viện vẫn hoạt động. Thư viện này là nơi lưu trữ bộ sưu tập sách của ông Rudy, chồng bà Eiler. Hồi còn sống, những lúc rảnh rỗi, ông Rudy vùi đầu vào đọc sách. Để hiện thực hóa ước muốn duy nhất của chồng trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà Eiler, cùng các con, đã đặt đóng giá sách rộng 30 m2 để chứa 5.000 cuốn sách và tạp chí.
Trong suốt 14 năm sống cô độc một mình, bà Eiler đã gặp gỡ và trò chuyện với hàng trăm người khách đến từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm thị trấn. Bà khoe 4 cuốn sổ đầy ắp chữ ký của những du khách. “Nói thật, tôi chưa bao giờ nghĩ ngợi gì nhiều nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì khiến mọi người chú ý tới góc bé nhỏ và hẻo lánh này”, bà Eiler nói.
Ngoài hai con, bà Eiler còn có 5 người cháu và hai chắt. Người gần nhất sống cách bà hơn 140 km. “Tôi có thể chuyển đến sống với các con, các cháu bất cứ lúc nào tôi muốn. Nhưng nếu làm vậy, tôi phải kết bạn lại từ đầu”, bà Eiler nói. “Chừng nào còn có thể ở đây thì hay chừng ấy. Đây mới là nơi tôi muốn sống. Chắc là càng già ta càng khó thay đổi thói quen cũ”.