TTO – Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi điện công khai vào ngày 19-3 để đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông Putin chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy.
“Ông Zelensky đã sẵn sàng gặp mặt, nhưng ông Putin cho rằng điều kiện tổ chức cuộc gặp ở cấp lãnh đạo cao nhất vẫn chưa đủ”, ông Ibrahim Kalin, cố vấn trưởng kiêm phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Erdogan đang đóng vai trò trung gian quan trọng giữa Nga và Ukraine, nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn lâu dài và đàm phán nghiêm túc về một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tàn khốc đã kéo dài hơn ba tuần.
Theo Hãng tin AFP, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Erdogan lại có quan hệ tốt với ông Putin, bất chấp việc nhà lãnh đạo Nga có ác cảm với liên minh quân sự phương Tây gồm 30 quốc gia.
Ông Erdogan đã nói chuyện với ông Zelensky và ông Putin hôm 17-3. Sau đó, người phát ngôn Ibrahim Kalin cho biết ông Putin không còn chủ trương thay thế ông Zelensky nữa, mà đã “chấp nhận thực tế ông Zelensky là nhà lãnh đạo của nhân dân Ukraine, dù bản thân ông Putin có thích hay không”.
“Tôi tin rằng cuộc gặp sẽ diễn ra và sẽ có thỏa thuận hòa bình vào một thời điểm nào đó”, ông Kalin nói. “Tất nhiên, tất cả chúng ta đều muốn điều này xảy ra sớm hơn, nhưng có lẽ ông Putin nghĩ rằng ông ấy không muốn tỏ ra yếu thế, bị suy yếu do tổn thất quân sự hoặc do các lệnh trừng phạt kinh tế”.
Theo ông Kalin, thời điểm đó vẫn chưa tới và có thể không sớm xảy ra. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế có lẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến suy nghĩ của ông Putin.
Khó khăn lúc này là làm thế nào để Ukraine giữ được toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, điều mà họ và các đồng mình quyết không nhượng bộ.
Ông Kalin đề nghị những vấn đề khó khăn nhất như lãnh thổ và chủ quyền nên để lại cho hai tổng thống trao đổi, một khi các vấn đề nhỏ hơn đã được giải quyết, bao gồm việc Ukraine đồng ý hình thức trung lập như Thụy Điển, Áo.
Một điều quan trọng nữa là Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên NATO phải suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ với Nga sau khi chiến sự kết thúc. “Sau cuộc chiến này, sẽ phải có một cấu trúc an ninh mới được thiết lập giữa Nga và phương Tây”, ông Kalin nói.