Reuters dẫn một báo cáo của hãng dược Pfizer (Mỹ) cho biết, công ty này đang thử nghiệm một loại thuốc kháng COVID-19 dạng viên, được chứng minh có thể làm giảm 89% khả năng nhập viện hoặc tử vong cho những người trường thành có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Kết quả trên dường như đã vượt mặt thuốc Molnupiravir của công ty dược Merck & Co cũng của Mỹ, được chứng minh có thể làm giảm hơn 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc bệnh nặng vừa được công bố trong báo cáo y khoa vào giữa tháng 10.
Tuy nhiên, cả hai công ty dược của Mỹ đều chưa cung cấp đầy đủ dữ liệu thử nghiệm các loại thuốc trên.
Cổ phiếu của Pfizer tăng 11% lên 48,55 USD, trong khi cổ phiếu của Merck giảm 8,5% xuống 82,80 USD, sau khi Pfizer công bố thử nghiệm trên. Trong khi đó giá cổ phiếu của một loạt hãng dược sản xuất vaccine COVID-19 như Moderna, BioNTech SE và Novavax đều giảm gần 7%.
Pfizer cho biết họ có kế hoạch gửi kết quả thử nghiệm tạm thời đối với loại thuốc của họ lên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) “sớm nhất có thể”. Đây là một phần trong quá trình xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Thông tin này cũng được giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC mới đây.
Cũng theo Pfizer loại thuốc mới sẽ được dùng kết hợp với một loại thuốc kháng virus có tên là Ritonavir. Phương pháp điều trị kết hợp này – có tên là Paxlovid – bao gồm 3 viên thuốc, uống 2 lần mỗi ngày.
Dựa vào hồ sơ thử nghiệm từ 1.219 bệnh nhân, Pfizer đã phân tích các trường hợp nhập viện hoặc tử vong ở những người được chẩn đoán mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nặng, chẳng hạn béo phì hoặc tuổi cao.
Kết quả cho thấy 0,8% những người sử dụng thuốc kháng virus của Pfizer trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng đã nhập viện, và không có ai tử vong sau khi điều trị. Tỉ lệ nhập viên ở các bệnh nhân dùng giả dược là 7%. Cũng có 7 trường hợp tử vong trong nhóm dùng giả dược.
Tỉ lệ tương tự cũng được ghi nhận ở bệnh nhân được uống thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng. Chỉ có 1% trong nhóm điều trị phải nhập viện, so với 6,7% ở nhóm giả dược, và có 10 trường hợp tử vong. Điều này đồng nghĩa với việc thuốc có hiệu quả thấp nhất là 85%.
“Chúng tôi nhận thấy rằng thuốc đặc trị đạt hiệu quả cao ngay cả khi bệnh nhân chỉ được điều trị 5 ngày, điều này có nghĩa chúng ta sẽ có thể thêm thời gian để cứu tất cả mọi người”, Annaliesa Anderson, người đứng đầu chương trình thuốc kháng COVID-19 của Pfizer nói với Reuters.
Công ty Pfizer hiện chưa có công bố tác dụng phụ nếu sử dụng phương pháp điều trị mới nhưng cho biết đã có 20% bệnh nhân tham gia thử nghiệm và dùng giả dược xuất hiện các biến chứng do dùng thuốc.