John McCain qua đời vì ung thư não ở tuổi 81, vài ngày sau khi ông quyết định dừng điều trị.
Văn phòng của John McCain cho biết ông qua đời tại nhà ở Arizona vào 16h28 ngày 25/8 (6h28 sáng 26/8 giờ Việt Nam).
Thượng nghị sĩ bị phát hiện mắc ung thư não vào tháng 7/2017 và đã điều trị bằng xạ trị vào hóa trị định kỳ. Ngày 24/8, ông quyết định dừng điều trị với lý do tuổi tác và tiến triển bệnh.
McCain đã đại diện cho Arizona tại thượng viện và hạ viện trong 35 năm. Ông từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam với tư cách là phi công hải quân. Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh. McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả ngày 14/3/1973.
Ông sau đó trở thành một trong những tiếng nói đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và thúc đẩy quan hệ song phương. Thượng nghị sĩ từng tranh cử tổng thống Mỹ hai lần vào các năm 2000 và 2008.
Phương Vũ
John McCain, người dành cả cuộc đời bảo vệ sự bình yên cho nước Mỹ
Sau sự ra đi của thượng nghị sỹ John McCain ít giờ, cây viết Harry J. Kazianis đã đăng trên Fox News một bài viết đánh giá những đóng góp của vị thượng nghị sỹ kỳ cựu cho xứ xở cờ hoa và chia sẻ những chi tiết thú vị về những lần nhà báo này được tiếp xúc trực tiếp với ông McCain.
Nhà báo Harry cho rằng, từ một phi công hải quân, đến một tù nhân chiến tranh hơn 5 năm, và 36 năm thực hiện vai trò thượng nghị sỹ, ông John McCain đã cống hiến cả cuộc đời của mình để giữ sự bình yên cho nước Mỹ.
Ông McCain đã ra đi vào hôm thứ Bảy (25/8, giờ địa phương) ở tuổi 81, ông là một chuyên gia thực sự hiểu những thách thức mà Mỹ phải đối mặt và luôn đưa ra những giải pháp hiệu quả để phát triển một quân đội mạnh mẽ với trang bị hiện đại để vượt qua những thách thức đó.
Trong những lần nhà báo Harry làm việc với McCain và các cộng sự, ông nhận thấy McCain là người đặc biệt quan tâm tới các chi tiết, ông thường chủ động tìm kiếm các thông tin để biết mình phải làm gì và nói gì mà không phải phụ thuộc vào những người trợ tá.
Ông Harry mô tả thượng nghị sỹ MacCain là người đáng kính, gần như rất hiếm khi thể hiện cái tôi của mình, không bao giờ quên tên của người mà ông tiếp xúc, ông luôn đối xử với mọi người bằng lời nói và cử chỉ thân thiện.
Vào năm 2015, khi Harry phỏng vấn ông MacCain về vấn đề an ninh quốc gia, vị thượng nghị sỹ của bang Arizona kiên quyết cho rằng chính quyền Obama đã hoàn toàn đánh giá thấp mối đe dọa từ Nga.
Trong lúc chờ chuẩn bị phương tiện để ghi hình, nhà báo Harry đã nói chuyện phiếm với ông MacCain về việc Nga xâm lược Ukrainne, khi nhà báo đưa ra nhận định rằng Nga dường như không nguy hiểm vì là một cường cuốc đang suy sụp, ông McCain đã nói với Harry rằng:
“Em sai rồi Harry, anh xin lỗi, nhưng em đã sai rồi. Nga là một mối đe dọa bởi chính vì nó đang xuống dốc và nền kinh tế của chính quyền Putin là một con tàu đắm”.
“Khi con gấu [Nga] cảm thấy bị thương, nó sẽ rất nguy hiểm. Và nếu chúng ta không đứng lên chống lại Nga bây giờ, họ sẽ được đà lấn tới, và sẽ dẫn tới những điều tồi tệ hơn. Chúng ta đã không thuộc những bài học từ lịch sử, và anh sợ rằng tử huyệt nằm ở đây. Putin chưa xong đâu”.
Nhà báo Harry nói: “Ngay cả khi thượng nghị sĩ phản biện ý kiến của tôi, ông ấy cũng thực hiện theo cách nhẹ nhàng nhất có thể, không hề cao giọng, nhưng bạn có thể cảm thấy sức mạnh trong lời nói, mối quan tâm sâu sắc đối với an ninh của nước Mỹ và tình yêu sâu sắc với đất nước chúng ta”.
Và hãy xem nhận xét của McCain về Nga thế nào. Hiện nay, Nga rõ ràng là một trong những đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ, nước này không chỉ cố gắng phá hoại cuộc bầu cử và nền dân chủ của chúng ta, mà còn gây rắc rối ở Ukraine, Syria và xa hơn nữa, nhà báo Harry viết.
Nhà báo Harry cũng cho rằng ông McCain khi còn làm việc rất quan tâm tới những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Năm 2015 ông dự đoán rằng Biển Đông sẽ là điểm nóng trong thời đại của chúng ta.
Ông McCain cũng là người ủng hộ quan điểm duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Irag. “Và một lần nữa, McCain đã đúng. Nhờ sự hiện diện quân sự của chúng ta và sự trỗi dậy của lực lượng Sunni, tương lai của Iraq dường như trông tươi sáng hơn một chút. Và, McCain là người đầu tiên tranh luận chống lại ý tưởng rút quân khỏi Irag của chính quyền Obama. Có lẽ nếu quân đội Mỹ ở lại Iraq thì ISIS có thể chưa bao giờ được sinh ra”, Harry nhận định.
“Rõ ràng McCain nên được công nhận nhiều hơn về những đóng góp của ông ngoài những phản biện về chính sách quốc phòng và đối ngoại. Đối với bất cứ ai dành cả đời mình để nghiên cứu các vấn đề xung đột và hỗn loạn như tôi, McCain là một người khổng lồ”, nhà báo Harry viết.
Trí Dũng