Canada
Theo câu chuyện phổ biến nhất, tên gọi Canada được bắt nguồn từ một sự hiểu lầm về ngôn ngữ. Khi nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier đi qua sông ST. Lawrence, hướng dẫn viên địa phương đã nói với ông rằng đây là hướng đi tới Kanata (nghĩa là một ngôi làng). Có lẽ do hiểu nhầm nên Cartier gọi vùng đất này là Canada.
Một phiên bản khác (ít phổ biến hơn) liên quan đến những nhà thám hiểm Tây Ban Nha. Với giấc mộng làm giàu, họ đã đến đất nước châu Mỹ này, đáng tiếc lại không tìm thấy thứ gì ở đây và nói với nhau rằng, “aca nada” hoặc “ca nada”, nghĩa là “không có gì ở đây”. Nhiều năm sau, khi người Pháp tới, dân bản xứ cũng nói với họ “aca nada”. Tuy nhiên, họ lại tưởng rằng đây chính là tên gọi của nơi này. Từ đó, tên nước Canada ra đời.
Brazil
Ban đầu, đất nước Nam Mỹ này được gọi là “Ilha de Vera Cruz” (Hòn đảo Thập giá đích thực) và “Terra de Santa Cruz” (Vùng đất Thánh Giá). Mãi đến khi thương nhân Fernão de Loronha (sinh ra ở Lisbon) phát hiện ra một loại cây quý giá tại đây có tên là “pau-brasil” và khai thác, người dân mới bắt đầu gọi tên nước là Brazil.
Ấn Độ
Từ “Ấn Độ” (India) dịch sang tiếng Anh theo nghĩa đen có nghĩa là “đất của sông Indus” và nó được đặt dựa theo dòng sông chảy qua Jammu và Kashmir gần Pakistan. Ngoài ra, người ta còn cho rằng, “Indus” còn xuất phát từ từ “sindhu” trong tiếng Phạn, có nghĩa là biển. Nó có sự liên hệ đến kích thước lớn của con sông dài nhất ở châu Á.
Maylaysia
Nguồn gốc tên gọi Malaysia có từ rất lâu đời và còn nhiều hoài nghi. Phần lớn nó có khả năng bắt nguồn từ từ “malai” trong tiếng Tamil. Nhưng ở thuật ngữ hiện đại, “Malay” chỉ muốn nói tới một nhóm dân tộc đến từ bán đảo Mã Lai. Trong khi Malaysia đề cập đến tất cả công dân của đất nước, còn “Malay” (Mã Lai) ám chỉ người Malay bản xứ, chiếm khoảng một nửa dân số.
Nam Phi
Từ “Nam” trong “Nam Phi” bắt nguồn từ vị trí địa lý của quốc gia này khi nó nằm ở cực Nam của châu Phi. Tuy nhiên, từ “Phi” vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp chính xác. Một số người cho rằng nó xuất phát từ từ “afar”, có nghĩa là “bụi”, song những quan điểm khác tin rằng nguồn gốc của nó là từ từ “n’fr” trong tiếng Ai Cập cổ đại, nghĩa là “tốt đẹp”.
Singapore
Cái tên “Singapura” trong tiếng Malay được chuyển thể từ từ “simhapura” của tiếng Phạn, mang nghĩa là “Thành phố Sư tử”. Từ “Singapore” là một phiên bản khác của tiếng Malay.
Philippines
Tên gọi này được dựa theo tên của vị vua Tây Ban Nha, Philip II. Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Ruy López de Villalobos đã đặt tên cho nơi này để tôn vinh vị vua của mình.
Indonesia
Tên gọi “Indonesia” lần đầu tiên được nhắc tới trong các bản văn Hy Lạp cổ đại, và được ghi là “Indos Nesos”, có nghĩa là “đảo Ấn Độ”. Thuật ngữ này được sử dụng một lần nữa vào giữa thế kỷ 19 như là sự thay thế cho Đông Ấn và sau đó được chuyển thể thành Indonesia.
Anh
Tên đầy đủ của xứ sở sương mù là Vương quốc Anh và Bắc Ireland, một trong những tên quốc gia chính thức dài nhất trên thế giới. Nó bao gồm Vương quốc Anh – Anh, Scotland và xứ Wales, Bắc Ireland. Tên Bắc Ireland được thêm vào năm 1927, 5 năm sau khi thành lập Nhà nước Tự do Ailen (nay là Ireland).
Chile
Tên Chile lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1565 khi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha trở về châu Âu. Họ tự gọi mình là “Những người đàn ông của ớt”.
Một trong những phiên bản được truyền lại nhiều nhất, Chile là tên được lấy từ Chilli trong tiếng của người Mapuche, mang ý nghĩa là “nơi tận cùng của thế giới”.
Người dân địa phuwong gọi Chile là nơi tận cùng, vì họ đi bộ từ phía tây Argentina xuống thì thấy lãnh thổ Chile kết thúc là nhìn ra biển Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng Chile là tiếng gọi bầy của một loài chim ở đây, “cheele-cheele”.
Mỹ
Tên gọi đầu tiên của Mỹ được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1776 trong Tuyên ngôn Độc lập thống nhất 13 tiểu bang.
Tên gọi thông thường của Mỹ là một sự kính trọng đối với nhà thám hiểm Amerigo Vespucci. Tuy đặt chân đến Châu Mỹ sau Chris Columbus nhưng ông lại công nhận đây là châu lục mới.
Italia
Italia từng được gọi là “Vitalia”, nghĩa là “vùng đất của gia súc” do các khu vực phía nam ở đây chăn thả nhiều đàn gia súc lớn. Khi người Hy Lạp xâm chiếm khu vực này, họ đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ và chữ cái đầu tiên của từ đó bị loại bỏ.
Việt Nam
Tên gọi này chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt với lý lẽ rằng “Nam” có ý nghĩa “An Nam” còn Việt là để chỉ dân tộc “Việt Thường”.
Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của lãnh thổ nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc) nên được đổi lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn. Tên Việt Nam chính thức tuyên phong vào năm 1804.
Bạch Dương