Tin tặc Nga tìm cách tấn công các hệ thống bầu cử 2016 ở 21 tiểu bang Mỹ


HOA THỊNH ĐỐN – Những người có liên quan với chính phủ Nga đã tìm cách đột nhập vào những hệ thống máy điện toán có liên quan đến việc bầu cử ở 21 tiểu bang Mỹ. Một giới chức Bộ Nội An đã điều trần như vậy tại Thượng Viện.

Ông Samuel Liles là quyền giám đốc Văn Phòng Tình Báo và Phân Ban Điện Toán Phân Tích, trực thuộc Bộ Nội An. Ông nói rằng các cơ chế kiểm phiếu đều không bị ảnh hưởng, và những tay tin tặc dường như đang rọi quét tìm những chỗ dễ bị tổn thương. Ông Liles sánh ví chuyện đó với việc bước đi trên đường và nhìn vào những ngôi nhà để xem ai có thể đang ở trong đó.

Tuy nhiên, theo ông Liles cho biết, những tin tặc đã khai thác thành công một “số lượng nhỏ” các mạng lưới. Ông ví việc ấy giống như hành động lọt được qua một cửa trước của ngôi nhà.

Ông Liles đã điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện vào ngày thứ Tư, 21 tháng Sáu . Ủy ban này đang điều tra về việc Nga cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Những lời ông nói làm rõ thêm một chút về tầm mức của trò phá phách của Kremlin trên mạng điện toán. Trước đó các giới chức ở Arizona và Illinois đã xác nhận rằng bọn tin tặc đã nhắm mục tiêu vào hệ thống ghi danh cử tri của họ, mặc dù các bản tin gợi ý rằng nỗ lực của Nga là rộng lớn hơn nhiều.

Trước đó trong tháng này, Bloomberg đưa tin rằng các tin tặc Nga đã “đánh trúng” nhiều hệ thống ở 39 tiểu bang. Báo điện tử The Intercept trích dẫn một tài liệu tình báo mật, cho biết rằng tình báo quân đội Nga “đã thực hiện một cuộc tấn công trên không gian mạng, đánh vào ít nhất một hãng cung cấp nhu liệu bỏ phiếu của Mỹ, và gửi những bức email tấn công giả mạo tới hơn 100 viên chức bầu cử địa phương, cách chỉ mấy ngày trước cuộc bầu cử tổng thống trong tháng 11 năm ngoái.”

Trong một phiên điều trần riêng rẽ trước Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện hôm thứ Ba, cựu Bộ Trưởng Nội An Jeh Johnson xác nhận rằng việc can thiệp Nga là “trước đây chưa từng có, quy mô và phạm vi của những điều chúng tôi nhìn thấy họ đang làm.”

Ngoài việc rọi quét các hệ thống bỏ phiếu để tìm những chỗ dễ bị đả thương, các ủy ban tình báo Mỹ nói rằng những tay tin tặc Nga đã tấn công và thiết kế việc công bố những bức email từ Ủy Ban Quốc Gia Đảng Dân Chủ (DNC) và John Podesta, chủ tịch ban vận động tranh cửa của bà Hillary Clinton.

Ông Johnson làm chứng, “Khi nhìn lại, tôi có thể dễ dàng nói rằng lẽ ra tôi nên mang túi ngủ và cắm trại ở phía trước DNC vào cuối mùa hè.” Ông nói rằng mức độ nghiêm trọng của những nỗ lực của Nga đã thuyết phục ông ký một văn bản vào ngày 7 tháng Mười, công khai quy trách nhiệm cho điện Kremlin về những gì đã xảy ra, mặc dù làm như vậy có thể được coi là “thách thức tính cách toàn vẹn của cuộc bầu cử.”

Ông Johnson nói, “Quan điểm của tôi là chúng tôi cần phải làm điều đó, và chúng tôi cần làm tốt việc đó trước cuộc bầu cử, để thông báo cho các cử tri Mỹ về những điều chúng tôi đã nhìn thấy.” Ông nói thêm, “Tôi nghĩ rằng vấn đề lớn hơn là điều đó đã không nhận được sự chú ý của công chúng, mà lẽ ra nó phải nhận được, vì cũng trong ngày ấy báo chí tập trung vào việc công bố đoạn video Access Hollywood.” Video ấy cho thấy ông Donald Trump khoe khoang về việc hôn và sờ mó các phụ nữ.

Các giới chức từ chối cho biết 21 tiểu bang nào đã bị nhắm mục tiêu, hoặc xác định những tiểu bang nào thực sự có dữ liệu, chẳng hạn như danh sách ghi tên cử tri, đã bị xóa khỏi các hệ thống của họ. Bà Jeanette Manfra, quyền phụ tá thứ trưởng đặc trách an ninh mạng điện toán và truyền thông, nói rằng bà không thể làm như vậy, vì điều quan trọng là phải bảo vệ sự kín đáo của các nạn nhân.

Trong tuần qua ông Bill Priestap, phụ tá giám đốc phản gián của cơ quan FBI, làm chứng rằng người Nga cũng đã thúc đẩy những bản tin và tuyên truyền giả mạo trên mạng tuyến, dùng những phương tiện khuếch đại để loan truyền thông điệp của họ. Ông nói rằng trong nhiều năm Nga tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng “quy mô” và mức “hung hăng” của những nỗ lực của Nga trong năm 2016 đã làm cho những nỗ lực ấy trở nên quan trọng hơn.

Ông Priestap nói, “Internet đã cho phép Nga ngày nay làm nhiều hơn so với những gì họ có thể làm được trong quá khứ.” Ông nói rằng mục tiêu của Nga là “gieo rắc bất hòa” ở Mỹ, “bôi nhọ” bà Clinton và giúp đỡ ông Trump.

Leave a Reply